Vĩnh biệt chiến sĩ tình báo huyền thoại Nguyễn Văn Thương
- Người có công
- 23:43 - 14/08/2018
Ông được biết đến nhiều bởi tinh thần quả cảm, không khiếp nhược trước bạo lực. Bằng chứng là đã từng 6 lần bị địch cưa chân nhưng vẫn quyết không khai báo bất cứ điều gì.
Ông bắt đầu nổi lên trong phong trào cách mạng ở TP Biên Hòa vào năm 1958, khi cùng đồng đội “ngắt đầu” hình nộm Tổng thống Ngô Đình Diệm tại một hội chợ triển lãm mang màu sắc chính trị diễn ra tại Biên Hòa. Ông cùng các đồng chí của mình là Trịnh Minh Thành, Hai Gáo, Năm Ninh quyết định tham gia hội chợ với ý định rải truyền đơn, sau đó hòa mình vào đám đông xúm quanh chiếc xe bọc vải nhung kết hoa sặc sỡ, trên xe là hình nộm Tổng thống Ngô Đình Diệm bằng thạch cao, tổ chức quyết định “ngắt đầu” hình nộm để hạ uy tín địch. Ông là người trực tiếp nhảy lên xe, hất đầu hình nộm cao rơi xuống thùng xe.
Năm 1960, ông được điều chuyển sang lực lượng công an vũ trang, được đồng chí Sáu Dân (lúc đó là Bí thư Thành ủy T4 Sài Gòn - Gia Định, sau này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đưa vào Phòng Tình báo phía Nam, biệt hiệu D110. Ông nằm trong mũi tình báo giao thông A18 do Hai Trung (Anh hùng Lực lượng VTND Phạm Xuân Ẩn) phụ trách nhằm chuyển tin tức mà đồng chí Hai Trung lấy được ra chiến khu và ngược lại. Thời gian sau, ông trải qua nhiều đơn vị, từ A18 sang A20, A22 rồi A36, dưới vỏ bọc mang tên “Đại úy Ngọc, đặc phái viên của CIA”.
Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương, người bị địch cưa chân 6 lần nhưng vẫn giữ vững khí tiết
Dưới vỏ bọc này, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chuyển 900 chuyến tin tình báo của ông Ba Quốc (Anh hùng Lực lượng VTND Đặng Trần Đức) từ Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, của ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ từ Phủ Tổng thống, của đồng chí Hai Trung từ nội thành về chiến khu.
Đầu năm 1969, Nguyễn Văn Thương bị bắt khi đang chuyển tài liệu của ông Phạm Xuân Ẩn lên chiến khu, sau khi đã chiến đấu đến hết đạn, hạ trên 20 lính Mỹ. Dù bị tra khảo dã man, ông chỉ thừa nhận là du kích. Không may, một tên chiêu hồi biết mặt ông nên CIA quyết tâm khai thác lời khai của ông bằng mọi cách, kể cả mua chuộc bằng tiền, gái đẹp, chức vụ… nhưng vẫn không thể nào không khuất phục được ý chí kiên cường của ông. Tức giận, địch ra lệnh cưa 2 chân ông cụt gần đến háng trong 6 lần, nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng. “Tôi thà chết chứ nhất định không hợp tác với giặc, không bao giờ bán nước”, ông khảng khái tuyên bố.
Ông Nguyễn Văn Thương thời đang hoạt động tình báo vào những năm 1960
Thất bại trước âm mưu khai thác ông, dịch đưa ông về giam giữ tại Trại giam Hố Nai, rồi bị dày ra Côn Đảo. Trong tù, ông vẫn tiếp tục hoạt động, đấu tranh, viết truyền đơn nên bị liệt vào dạng tù cấm cố.
Đến ngày 14/2/1973, ông được trả tự do khi thực hiện việc trao trả tù binh theo Hiệp định Paris, sau đó ông được đưa đi an dưỡng.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương trong một cuộc gặp gỡ với sinh viên TP.HCM
Năm 1978, ông Nguyễn Văn Thương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng VTND.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương được nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng ba; Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.