Viết tiếp những bản hùng ca giữa đời thường
- Người có công
- 16:28 - 26/07/2020
Được cống hiến, phục vụ nhân dân là niềm hạnh phúc của chúng tôi
Đó là chia sẻ của thương binh Văn Đắc Tống (ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ), ông kể năm 1983 nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1985, thương binh hạng 4/4, ông trở về địa phương. Năm 1999, ông tham gia công tác tại chi hội cựu chiến binh ở ấp, rồi làm công an viên, ban dân phố. Đến năm 2014, ông Tổng được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Phong Điền cho đến nay.
Những tháng ngày chiến đấu trên đất bạn Campuchia, chứng kiến cảnh chết chóc, nhà tan cửa nát, ông Văn Đắc Tống trở về mang theo nhiều vết thương trên cơ thể, cùng nỗi đau mất đi những người bạn là đồng đội, đồng chí cùng vào sinh ra tử. "Hàng năm, cứ đến ngày thương binh, liệt sĩ là tôi cảm thấy bùi ngùi nhớ đồng đội của mình đã hy sinh". Ông Tống bùi ngùi nói.
Thương binh tiêu biểu bà Trương Hồng Dân, 71 tuổi thương binh ¼, ngụ tại số 244/62, đường Cách mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, là một trong những thương binh lập nhiều chiến công và có nghị lực trong cuộc sống.
Bà Dân tham gia giao liên ở chiến trường Cà Mau năm 11 tuổi, sau đó làm công tác quân báo. Năm 1963, bà bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man qua nhiều nhà tù khác nhau. Năm 1968, sau khi ra tù bà tiếp tục tham gia địa phương quân và được phân công giữ chức vụ Trung đội trưởng Ðội pháo binh huyện đội Giá Rai, tỉnh Cà Mau (nay là tỉnh Bạc Liêu), tham gia tiểu đoàn U Minh 3. Trong quá trình chiến đấu, bà bị thương ở đầu, ở mắt, chân… với tỷ lệ thương tật 81%.
Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, bà được điều trị tại các bệnh viện lớn trong cả nước, với hơn 20 lần phẫu thuật giúp dần hồi phục sức khỏe. Từ năm 2000 đến 2010, bà tham gia công tác chi hội phụ nữ khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, tích cực vận động, hỗ trợ nhiều phụ nữ vay vốn ưu đãi làm ăn thoát nghèo.
Năm 2019, thương binh Trương Hồng Dân là đại biểu được chọn tham gia Hội nghị tuyên dương thương binh, người có công tiêu biểu toàn quốc . Bà Dân cho biết: "Các chế độ cho thương binh nặng và các chính sách cho gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng được Nhà nước, TP Cần Thơ quan tâm và ngày càng nâng cao, góp phần ổn định cuộc sống." bà Dân chia sẻ.
Trước đây, dù bị thương tật, nhưng khi địa phương vận động, bà cố gắng thu xếp công việc để tham gia công tác địa phương. Từ năm 2000 - 2010 tham gia công tác tại địa phương, phụ trách chi hội trưởng chi hội phụ nữ, trong thời gian công tác tại địa phương đã giúp đỡ, hỗ trợ nhiều phụ nữ thoát nghèo, vận động tuyên truyên nhiều phụ nữ thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình...
Bị thương ở chiến trường biên giới Tây Nam năm 1986, với tỷ lệ thương tật 81%, thương binh Vũ Xuân Ðại, 59 tuổi, ngụ khu dân cư 91B, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, được Nhà nước quan tâm điều trị, chăm sóc chu đáo. Năm 1990, khi sức khỏe hồi phục, ông xuất ngũ về địa phương. Với ý chí người lính, ông nỗ lực vượt qua khó khăn cuộc sống gia đình, bệnh tật của bản thân, tích cực tham gia công tác ở cơ sở. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Khánh.
Với cương vị của mình, thương binh Vũ Xuân Ðại làm tốt công tác chăm lo đời sống hội viên cựu chiến binh, nhất là cựu chiến binh thuộc diện người có công. Hội Cựu chiến binh phường đã thành lập Câu lạc bộ trồng hoa kiểng, với 48 hội viên nhằm tận dụng đất trống ở khu dân cư, công viên để trồng hoa kiểng bán, tăng thu nhập cho hội viên. Tham gia câu lạc bộ này, hội viên được UBND quận Ninh Kiều hỗ trợ 40% giống hoa kiểng.
Hằng năm, mỗi hội viên câu lạc bộ có thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống; thành lập tổ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, hỗ trợ 16 hộ vay 485 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, thương binh Vũ Xuân Ðại còn tích cực tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua những buổi nói chuyện ở các trường học...
Nữ biệt động thương binh phải lên bàn mổ đến 23 lần
Ở quận Cái Răng hầu như ai cũng biết đến thương binh Đào Thị Huyền Nga (tại Khu vực 2, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), bà Nga đã 73 tuổi đang cố nén những cơn đau vì thương tật chiến tranh thời chống Mỹ và đã phải lên bàn mổ đến 23 lần. Bà kể: "Tôi tên Nga nhưng hồi tham gia cách mạng năm 8 tuổi và được tổ chức đảng đặt cho bí danh là Lê Hồng Quân. Hồi nhỏ có biết ý nghĩa về cái tên này đâu, sau này mới biết "Hồng Quân" là ám chỉ "Hồng Quân Liên Xô" lúc bấy giờ. Còn họ Lê là họ của mẹ ruột tôi".
Vốn có khả năng bơi lội rất thuần thục và luôn dũng cảm, mưu trí nên bà được tổ chức đảng phân công nhiệm vụ giao liên, đưa thư mật, lấy tin tức từ các đồn bót ở khu vực 6 xã ven sông Hậu. Lúc nhỏ bà học rất giỏi và có năng khiếu về làm thơ. Tuy nhiên học đến lớp 5, việc học của bà đã dở dang vì một lý do rất đặc biệt luôn đeo đẳng trong ký ức của bà cho đến ngày nay.
Trong quá trình chiến đấu, bà Nga đã lập được nhiều chiến công xuất sắc tại khu căn cứ 6 xã (thuộc tỉnh Cần Thơ cũ) nên được kết nạp đảng năm 1962 lúc mới 15 tuổi. Cũng trong năm này, bà được đặc cách phân công nhiệm vụ Xã đội trưởng Xã đội Phú Thứ. Bà Nga kể: "Hồi đó tôi là một trong những đảng viên trẻ nhất ở miền Tây. Lúc tổ chức đề bạt tôi làm Xã đội trưởng cũng "trần thân" vì từ trước đến nay có ai 15 tuổi lại nắm giữ chức vụ quan trọng như thế. Nhưng rồi mọi việc cũng suôn sẽ".
Trong thời gian này bà được phụ trách công tác đấu tranh chính trị thông qua các tổ chức hợp pháp; đưa đón nhiều cán bộ cấp cao của Đảng; nhiều chuyến vũ khí qua sông Hậu để chi viện cho chiến trường Vĩnh Long, Trà Vinh. Bên cạnh đó, bà còn tổ chức chôn dấu vũ khí tại nhiều ngôi mộ cổ, dưới ngôi đền của gia tộc nhưng địch không thể phát hiện.
Ngày 5/5/1968, bà chỉ huy lực lượng biệt động tiến đánh một số điểm chỉ huy của địch gây nhiều tổn thất như ở khu vực chợ Cầu Muối, cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà thờ Nguyễn Cư Trinh, đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, hẻm 83 Đề Thám, cư xá Kiến Thiết giữa hai đường Cô Bắc - Cô Giang... Sau đó địch tổ chức phản công buộc bà ra lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng.
Riêng bà Nga cùng 2 người biệt động khác làm nhiệm vụ thu hút hỏa lực địch tại số nhà 83 đường Đề Thám, quận 2 để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Sau nhiều giờ giao tranh ác liệt, một đồng đội của bà hy sinh anh dũng, một người bị thương nặng và cũng đã hy sinh trong nhà tù của địch. Riêng bà bị đạn địch bắn nát cánh tay trái. Nén đau, bà đã tự chặt đứt cánh tay này để không bị vướng khi tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và bị địch bắt đày ra Côn Đảo.
Năm 1974, bà Nga và mẹ ruột được trao trả tù chính trị. Bà lại trở về với đồng đội tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau đó do tình hình sức khỏe quá suy kiệt vì đã chịu nhiều đòn tra tấn dã man của địch (bà phải phẫu thuật đến nay đã 23 lần), thương binh ¼ Đào Thị Huyền Nga ( Lê Hồng Quân) xin nghỉ hưu tại TP HCM.
Dù đã nghĩ hưu nhưng bà Nga vẫn chưa ngơi nghỉ bởi bên lòng còn canh cánh nhớ về những đồng đội đã hy sinh thầm lặng, có người đã được tổ quốc ghi công một cách thỏa đáng, trân trọng nhưng cũng có người vẫn chưa được minh oan trong quá trình công tác biệt động phải "đóng vai" nhiều hình tượng phản động, chiêu hồi, xa rời tổ chức...
Từ suy nghĩ đó, trên 40 năm qua, bà đã cất công đi tìm lại đồng đội một thời chiến đấu cùng đơn vị để có hướng giúp đỡ tận tình với vai trò Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn Biệt động Sài Gòn – Gia Định mang tên Lê Thị Riêng. Từ đó đã có nhiều đồng đội thoát nghèo từ sự cưu mang của tập thể; nhiều người đã được minh oan với quá khứ "đen" của mình; nhiều ngôi mộ đồng đội đã được xây dựng tươm tất để xứng đáng với sự hy sinh của mình.