CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:37

Việt Nam còn tiềm năng tăng trưởng nếu tiếp tục cải cách chính sách

 

Toàn cảnh Hội thảo.

 

Nghiên cứu của WB cho biết, những thành tựu trước đây của Việt Nam về năng lực cạnh tranh xuất khẩu hoàn toàn nhờ vào những cải thiện từ phía cung trong kết quả xuất khẩu, bao gồm tăng thâm dụng vốn thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chế tạo/chế biến.
Nền kinh tế vẫn bị giới hạn bởi cơ cấu địa lý về đối tác thương mại và nhóm sản phẩm. Xu hướng thuê ngoài và bán hàng trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) tập trung nhiều vào các đối tác thương mại khu vực…
Ông Charles Kunaka, Chuyên gia trưởng Khối Thương mại và Cạnh tranh WB cho rằng: “Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tạo ra việc làm, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất cuối cùng đem lại giá trị gia tăng thấp, trong đó liên kết trong nước còn yếu”.
Cũng theo ông Charles Kunaka, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ hoặc có thể tiếp tục phát triển làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu ở các chức năng gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp, hoặc có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa và vươn lên tham gia vào các công đoạn giá trị tăng cao hơn trong chuỗi.
“Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam về tăng trưởng, xuất khẩu và việc làm”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Theo ông Hải, nội dung thảo luận của hội nghị và các khuyến nghị của hai báo cáo đã chỉ ra nhiều ý tưởng về cách thức Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa DN Việt Nam và DN đầu tư nước ngoài. 
Nội dung hai báo cáo cũng cho thấy, Việt Nam có thể chọn đi theo hướng đa dạng hóa và hỗ trợ sự phát triển của các DN trong nước có tinh thần đổi mới sáng tạo, và có tiềm năng tạo ra các sản phẩm “sáng chế tại Việt Nam”. 
Các cơ chế chính sách nhằm tăng cường năng lực và công nghệ của các DN trong nước sẽ tạo điều kiện cho họ kết nối với các DN FDI và vươn ra thị trường thế giới. 
Khảo sát 28 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, bà Asya Akhlaque, quyền Giám đốc Vụ Đông Á-Thái Bình Dương, Khối Thương mại và Cạnh tranh WB cho biết, những phát hiện chính là chính sách khuyến khích hành vi gắn với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có tính chung chung và không hướng đến các SME.
Điều này dẫn đến rủi ro không đạt được thay đổi hành vi mong muốn do cơ cấu chính sách chung chung có thể không đáp ứng được nhu cầu và khả năng của SME.
“Sử dụng cách tiếp cận vòng đời, các chương trình hỗ trợ SME còn thiếu giai đoạn khởi nghiệp, đặc biệt là thiếu các chương trình hỗ trợ liên quan đến tiếp cận tài chính và tiếp cận thị trường. Các vấn đề giám sát và đánh giá tại nhiều chương trình hoặc thiếu mục tiêu, không có mục tiêu cụ thể, có mục tiêu không đo lường được, ngân sách không phù hợp với đầu ra hoặc thiếu tiêu chí để xác định mục tiêu”, bà Asya Akhlaque chia sẻ.
Theo các chuyên gia tại Hội thảo, nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước. Nhưng để đạt mục tiêu đó, theo báo cáo, cần phải có một gói sáng kiến cải cách toàn diện.
Gói sáng kiến đó bao gồm: Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hạ tầng thông qua đẩy mạnh huy động vốn của khu vực tư nhân và áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hơn trong phát triển các hành lang giao thông; Phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh và tự do hóa các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài; Hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; Thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ. 
Thực tế, những bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đã chỉ ra những điểm chung để có được chương trình kết nối tốt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đó là tinh thần chủ động và cam kết cao ở cấp chính sách, được bổ sung bằng cơ chế thể chế và quản trị tốt.
Bên cạnh đó là chiến lược được xây dựng dựa trên bằng chứng để thúc đẩy các chương trình kết nối, cơ sở dữ liệu tốt về các nhà cung cấp, các dịch vụ kết nối DN với DN, các chương trình phát triển nhà cung cấp dựa trên nhu cầu.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh