Kỷ nguyên số: Giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế và mở ra chân trời mới
- Tây Y
- 19:49 - 15/05/2017
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu định hướng tại Đối thoại
Đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với phát triển nguồn nhân lực
Tham dự, còn có đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, một số trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.
Cùng các đại biểu và diễn giả quốc tế đến từ 21 nền kinh tế, Tổng Giám đốc Ban thư ký APEC, Bộ trưởng và các đại diện cao cấp từ các nền kinh tế; Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (W.B); Chủ tịch, Trưởng nhóm công tác Phát triển nguồn nhân lực APEC; Điều phối viên mạng lưới Lao động - An sinh xã hội APEC; Giám đốc Đại học RMIT Việt Nam; diễn giả từ các nền kinh tế thành viên APEC...
Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: nguồn nhân lực ở bất kỳ thời gian nào cũng là yếu tố trung tâm, là động lực của phát triển. Điều này, thể hiện tầm quan trọng, ý nghĩa của Đối thoại với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”. Trong kỷ nguyên số, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với phát triển nguồn nhân lực và cần tạo điều kiện, phương tiện mới để thực hiện những yêu cầu đó.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc
“Điều đáng lưu ý là trong kỷ nguyên số này, công nghệ thông tin không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, mà còn là phương tiện kết nối, mở ra chân trời, thế giới mới để mọi người, mỗi người được tiếp cận, được chia sẻ, được giao lưu, được phát huy sáng tạo và khẳng định giá trị cá nhân của mình và đóng góp vào thành tựu chung, vào văn minh nhân loại. …” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, công nghệ thông tin giúp thị trường lao động được tổ chức, vận hành hiệu qủa, tiết kiệm thời gian kết nối việc làm. Ở Việt Nam, từ nhiều năm duy trì hệ thống gần 130 trung tâm giới thiệu việc làm công lập, hàng năm tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 3 triệu lao động.Những năm gần đây nhiều sàn giao dịch việc làm trực tuyến ra đời với bộ máy gọn nhẹ hơn nhiều. Có thể khẳng định,công nghệ thông tin giúp thị trường lao động được tổ chức, vận hành hiệu qủa, tiết kiệm thời gian kết nối việc làm.
Chủ động đào tạo nguồn nhân lực, điều chỉnh chính sách ASXH
Trong bài phát biểu chào mừng, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Đối thoại chính sách Cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một bằng chứng về cam kết của các nền kinh tế APEC nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển; phù hợp với yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, nhằm vun đắp tương lai chung về một APEC năng động, hòa bình, đi đầu trong tăng trưởng và liên kết toàn cầu, có khả năng ứng phó với những biến đổi kinh tế - tài chính và những thách thức do thiên nhiên và con người gây ra.
Đối thoại có sự tham dự của các Bộ trưởng các Bộ phụ trách lao động và việc làm, đại diện các Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà hoạch định chính sách và các bên có liên quan trong nước và khu vực đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC
“Tôi tin tưởng, những sáng kiến, kinh nghiệm và bài học tốt về các chính sách và thực tiễn từ các nền kinh tế APEC hướng tới tương lai việc làm tốt đẹp hơn. Trong đó, chủ động đào tạo nguồn nhân lực, điều chỉnh chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực chung nhằm tiếp tục cụ thể hóa và hiện thực hóa những chỉ đạo, định hướng của Lãnh đạo Cấp cao, đồng thời bổ sung cho các sáng kiến và chương trình hành động hiện hành của APEC hướng tới việc làm bền vững, bao trùm cho tất cả mọi người”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị
Tại Đối thoại, các đại biểu và diễn giả đã thảo luận về những hàm ý của số hóa đối với việc làm tương lai và những thách thức và cơ hội mà nó sẽ mang đến cho người lao động và cộng đồng của họ.
Để giải quyết những thách thức này, các nền kinh tế APEC khuyến nghị: cần tập trung đặc biệt vào các kỹ năng, giáo dục và đào tạo để đảm bảo rằng những người tham gia thị trường lao động có khả năng tận dụng tốt những cơ hội mới.
Đặc biệt chú ý để “ không để ai bị bỏ lại phía sau”, các chính sách bảo trợ xã hội cần được thực hiện để hỗ trợ những lao động bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi cơ cấu.
Đại biểu các nền kinh tế APEC sẽ xem xét Khung phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, nhằm đưa ra một loạt các chính sách và biện pháp thích hợp, hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị cho những người tham gia thị trường lao động về những thách thức và cơ hội trong việc làm hiện tại và xa hơn trong tương lai. Cùng với đó, góp phần vào những sáng kiến và đóng góp của APEC vào những nỗ lực toàn cầu, bao gồm cả sáng kiến của ILO “Tương lai việc làm” và những nỗ lực nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, cũng như tăng cường sự thịnh vượng chung cho khu vực.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Khung này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng APEC và Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Kinh tế vào tháng 11 năm 2017, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển nhanh, năng động với trên 50% số người sử dụng điện thoại di động, Internet, mạng xã hội toàn cầu và là thị trường mua sắm qua mạng lớn nhất thế giới. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng APEC hiện nay cao hơn mức trung bình toàn thế giới, nhiều quốc gia có mức rất cao. Từ năm 2010 kinh tế số đóng góp trung bình khoảng 4.1% vào GDP của các nước trong G20, tỷ lệ này ở Mỹ, Nhật Bản là 4.7%, Trung Quốc 5.9%, Hàn Quốc 7.3%, và xu thế tiếp tục gia tăng. Có nghiên cứu đã đưa ra dự báo kinh tế số của Mỹ tăng thêm khoảng 1% GDP đạt tới 15% GDP năm 2020 và đến năm 2035, kinh tế số sẽ chiếm tới 48% GDP của Trung Quốc. |