THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:40

Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp số

Phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, hội thảo là diễn đàn thường niên nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin về những ưu tiên, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với các đối tác phát triển về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới lao động, doanh nghiệp và các nền kinh tế ở quy mô quốc gia và toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, dịch Covid-19 đã ảnh có tác động ảnh hưởng lớn tới công tác tuyển sinh, đào tạo và việc làm của đội ngũ cán bộ giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp thời gian qua và giai đoạn những năm sắp tới chịu sự tác động của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì vậy, hiện tại và tương lai giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phát triển cần được đặt trong sự tác động của bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những diễn biến bất định, khó lường của thiên tai và dịch bệnh quy mô toàn cầu. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp luôn coi trọng việc tăng cường phối hợp của các đối tác phát triển để có được những kinh nghiệm và nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. 

Phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Sebastian Paust, Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh đó, ông Sebastian Paust, Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức cho rằng, hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế của Việt Nam nhưng cũng tạo nhiều thách thức đòi hỏi Việt Nam cần tích cực hơn trong cải thiện thể chế, chính sách mang tính mềm dẻo, tăng cường sức mạnh nền kinh tế với việc nâng cao chất lượng lao động. Vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của nền kinh tế các quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng vì vậy cần thích ứng với dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số và giáo dục nghề nghiệp số. Sự gắn kết nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước là hướng đi đúng trong tình hình mới. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn sắp tới cần quan tâm tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, phát triển đội ngũ nhà giáo, xanh hóa giáo dục nghề nghiệp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam - Ảnh 3.

Phó Tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh và ông Sebastian Paust, Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo trình bày từ các chuyên gia, cán bộ quản lý trong nước và các tổ chức quốc tế, cụ thể: Định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thời gian tới; quá trình xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tác động của Covid-19 tới thị trường lao động; các hoạt động giáo dục nghề nghiệp thích ứng với tác động của Covid-19.

Hội thảo đã dành nhiều thời gian để chia sẻ ý kiến phát triển giáo dục nghề nghiệp thời gian tới. Các ý kiến cho rằng, xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp hiện nay có sự thuận lợi bởi sự thống nhất của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đối với quốc tế có thể tiếp nhận những kinh nghiệm phát triển giáo dục nghề nghiệp của các quốc gia, trong đó có mô hình giáo dục nghề nghiệp tiên tiến của Cộng hòa Liên Bang Đức. Tại Việt Nam hiện nay, khâu yếu nhất có lẽ là sự lỏng lẻo trong hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Trong khi đó, ở Cộng hòa Liên Bang Đức, các doanh nghiệp luôn sẵn lòng đào tạo và sinh viên tốt nghiệp sẽ làm việc tại doanh nghiệp, có sự cam kết về quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Cộng hòa Liên Bang Đức luôn sẵn sàng và mong muốn cùng hợp tác, hỗ trợ sự phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam một cách chặt chẽ và có chiều sâu hơn để phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn lao động và thúc đẩy đưa lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại Cộng hòa Liên Bang Đức.

ILO có nhiều chương trình kế hoạch hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, thể hiện ở một số hoạt động như: Phát triển hội đồng kỹ năng nghề lĩnh vực nông nghiệp với sự thí điểm đào tạo tại doanh nghiệp; xây dựng App hướng nghiệp và xây dựng tài liệu khởi nghiệp…

Phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam - Ảnh 4.

Bà Valentina Barcucci, Phó Giám đốc ILO Việt Nam trình bày tại hội thảo.

Phát biểu tổng kết, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu, các đối tác trong nước và quốc tế. Thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ có những chính sách và định hướng cụ thể về hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới. Mong muốn các đối tác quốc tế, tổ chức quốc tế, những người đã hợp tác, hỗ trợ góp phần vào sự phát triển giáo dục nghề nghiệp thời gian tới.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh