“Bắc Ninh cần mạnh dạn phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực trong top đầu cả nước”
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:33 - 02/07/2020
Theo Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 14 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 9 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp... Số liệu tổng hợp năm 2019 cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo được 52.518 người (trong đó: 3.744 sinh viên hệ cao đẳng; 3.223 học sinh hệ trung cấp; 37.802 học sinh trình độ sơ cấp; 7.749 học sinh đào tạo dưới 3 tháng); tổng số tốt nghiệp năm 2019 là 41.657 học sinh, sinh viên (trong đó: 2.214 sinh viên hệ cao đẳng; 2.693 học sinh hệ trung cấp; 29.869 học sinh hệ sơ cấp; 6.881 học sinh đào tạo dưới 3 tháng). Số người học sau tốt nghiệp có việc làm đạt trên 80%; đặc biệt những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín về chất lượng dễ dàng tiếp cận, hợp tác với doanh nghiệp thì 100% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay và thu nhập ổn định. Kết quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp trong năm 2019 đã góp phần tích cực xây dựng nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh Đinh Văn Duẩn, cơ cấu tuyển sinh, đào tạo nghề còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (tỷ lệ tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp trung bình hàng năm đạt 12 -15%); tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề năng khiếu gặp nhiều khó khăn. Chất lượng đầu vào của người học tham gia học nghề thấp; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực đào tạo còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành chưa được chú trọng đầu tư, trình độ kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo (đặc biệt là ở lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo liên kết trình độ trung cấp ở các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục thường xuyên). Công tác tuyển sinh ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu; một số trường trung cấp chỉ tuyển sinh đào tạo hệ sơ cấp. Công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa cao. Nhiều địa phương quá tập trung đầu tư cho học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT; tốt nghiệp THPT vào đại học. Việc hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, nhất là hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp chưa sâu rộng; thiếu những giải pháp chiến lược, dài hạn về lao động để đảm bảo các hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu sản xuất ngày càng cao của thị trường lao động.
Tại buổi làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh cũng nêu những kiến nghị với đoàn công tác của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh Bắc Ninh kiến nghị về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ, Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, việc thanh toán hỗ trợ cho thanh niên có hộ khẩu ngoài tỉnh tham gia đào tạo nghề chưa thực hiện được. Bộ cần có hướng dẫn để các địa phương tự bảo đảm ngân sách thực hiện nội dung này. Đề nghị Bộ phê duyệt bổ sung Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh vào danh sách các trường được đầu tư trường chất lượng cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng phần mềm quản lý đồng bộ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp để tăng cường công tác quản lý, người học và các đối tượng quan tâm thuận lợi tiếp cận thông tin về giáo dục nghề nghiệp...
Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bản tỉnh, thầy Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Bắc Ninh nêu kiến nghị, về công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục cần khẩn trương, kịp thời, bám sát cơ sở; đã xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp đi đúng hướng; đã xây dựng được các chương trình, đề án, dự án để hỗ trợ phát triển đội ngũ, trang thiết bị đào tạo cho phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục cần nghiên cứu khảo sát, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp các ngành nghề, lĩnh vực trên phạm vi cả nước để dự báo, định hướng, phân luồng và làm cơ sở đặt hàng dịch vụ đào tạo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu khảo sát, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp các ngành nghề, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương để dự báo, định hướng, phân luồng và làm cơ sở đặt hàng dịch vụ đào tạo; đặc biệt là nhân lực có kỹ năng nghề cao. Đối với tuyển sinh đào tạo theo chương trình chất lượng cao, đề nghị Tổng cục sớm có ý kiến đối với đề án của các Trường để các Trường sớm tư vấn hướng nghiệp và thông báo tuyển sinh cho các chương trình này.
Còn thầy Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Nghiệp Bắc Ninh kiến nghị thêm, mục tiêu là đưa Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh vào danh sách các trường được đầu tư trường chất lượng cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, vấn đề " lo lắng" nhất của nhà trường hiện nay là xây dựng đội ngũ giáo viên để phát triển thành trường chất lượng cao. Cái khó hiện nay của nhà trường là tuyển dụng giáo viên các ngành cơ khí, kỹ thuật rất khó khăn do lương thấp. Bên cạnh đó, các giáo viên có trình độ và tay nghề dễ bị doanh nghiệp "lôi kéo" bởi thu nhập và nhiều cơ hội khác...
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng nhất trí với đề nghị của tỉnh Bắc Ninh về việc đưa Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh vào danh sách các trường được đầu tư trường chất lượng cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. "Kinh tế - Xã hội Bắc Ninh, đặc biệt là phát triển công nghiệp của Bắc Ninh là một trong tỉnh top đầu cả nước. Bắc Ninh có mạnh dạn phấn đấu đào tạo nhân lực, phát triển giáo dục nghề nghiệp nằm trong top đầu cả nước hay không?", Tổng cục Trưởng Trương Anh Dũng gợi ý. Nếu tỉnh Bắc Ninh đặt ra và theo đuổi mục tiêu này thì Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ có trách nhiệm hỗ trợ để tỉnh phát triển giáo dục nghề nghiệp xứng tầm với phát triển kinh tế, công nghiệp. Tổng cục trưởng cũng đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bản tỉnh quán triệt phổ biển Chi thị 24 của Thủ tướng mới ban hành về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng tăng năng xuất lao động và cạnh tranh quốc gia đến từng cán bộ, giáo viên.
"Bắc Ninh cần tận dụng lợi thế có 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhiều các khu công nghiệp, phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, gắn với công nghiệp. Tỉnh cần đẩy mạnh việc phát triển các trường nghề chất lượng cao, phát triển các nghề đạt trình độ quốc tế để thu hút học sinh đến với học nghề... Nếu làm tốt việc này chắc chắn giáo dục nghề nghiệp Bắc Ninh sẽ phát triển", Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng khẳng định.