THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:02

Viếng khu nghĩa trang không bia mộ trong Chiến khu D

Tại vùng đất này, trong những năm chiến tranh đã có không biết bao nhiêu anh em bộ đội ta đã ngã xuống và ngủ yên dưới lòng đất để góp phần cho hôm nay đất nước được hòa bình.

         Đường vào rừng Chiến khu D (Đồng Nai)

Do có địa hình rừng rú hiểm trở, chiến khu D là khu căn cứ, nơi trú đóng lực lượng, kho dự trữ lương thực, vũ khí và phát triển mọi hoạt động của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước. Giờ đây, một phần chiến khu D nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu. Khu bảo tồn gồm các di tích: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ được thành lập 1962 – 1967, Địa đạo Suối Linh (1962 – 1967), Căn cứ Trung Ương cục miền Nam (1961 – 1962). Tại suối Nhung (Mã Đà) có di tích Sư đoàn 9, Sư đoàn chủ lực đầu tiên của miền Nam được thành lập ngày 2/9/1965, với nhiều chiến công vang dội. Năm 2004, Khu di tích TW Cục miền Nam tại Mã Đà được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.

         Hình ảnh phục dựng lại cảnh bộ đội ta tại Chiến khu D

Đặc biệt, nơi đây còn có Nghĩa trang Liệt sĩ Mã Đà, nằm trong rừng Phú Lý, được xây dựng từ năm 1974. Cổng khu nghĩa trang được làm gỗ gõ khá công phu, do lực lượng kiểm lâm làm từ năm 2009. Nơi này đang ôm ấp hình hài của hàng trăm, có thể là hàng nghìn người con ưu tú, kiên trung của Tổ Quốc. Không một bia mộ nào đây có tên, đơn giản vì tất cả các anh đã hòa thân xác mình vào đất đai, cây cỏ.

          Hết Pháp rồi Mỹ, thời nào chúng cũng trút bom với dã tâm hủy diệt mọi thứ ở vùng đất này. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta bị trúng bom chết mất xác trong cánh rừng này. Khi có chiến sĩ nằm xuống, đồng đội cũng đưa các anh ra đây an táng, chờ ngày đất nước toàn thắng sẽ đưa các anh về với gia đình. Nhưng hết trận này đến trận khác, bao lớp người nằm xuống cứ thế bị bom đạn của kẻ thù đổ xuống xóa dần dấu vết.

          Đền liệt sĩ nằm dưới gốc đa đã trên trăm tuổi, trong ngôi đền nhỏ có ghi tên tuổi các anh từ khắp các vùng quê Bắc Ninh, Nam Định, Vũ Thư – Thái Bình, Tĩnh Gia – Thanh Hóa… và một bức hình cũ của liệt sĩ Nguyễn Hồng Việt.

          Nhiều câu chuyện hùng tráng ở nơi đây vẫn được lưu truyền. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, năm 1952 một trận bão lụt lịch sử đã diễn ra, càn quét vùng rừng chiến khu D, cuốn phăng nhiều cánh rừng, nhà cửa và cán bộ, chiến sĩ. Lợi dụng thiên tai, giặc Pháp đã xua quân càn quét, sát hại nhiều người. Rồi câu chuyện cọp 3 móng hoành hành những năm 1949 – 1950. Khi bị bắn hạ, “ông ba mươi” ấy đã sát hại và ăn thịt rất nhiều đồng bào và chiến sĩ của ta. Mã Đà là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con của Tổ Quốc chết vì họa thú dữ, vì bệnh sốt rét hoành hành, vì những cuộc phục kích, đầu độc các con sông của kẻ thù và bom đạn hủy diệt của chúng...

         Những ngôi mộ gió tại Nghĩa trang Liệt sỹ Mã Đà

Tuy nhiên, bom đạn, sự tàn bạo của kẻ thù đã không khuất phục được tinh thần chiến đấu anh dũng, lòng quả cảm của bộ đội ta. Nơi đây là vùng đất ghi dấu những trận đánh vang dội lịch sử khiến quân ngoại xâm khiếp vía nhớ đời như chiến thắng Lạc An, Tân Uyên, Nhà Nai, Mã Đà, cầu Bà Kiên (trong kháng chiến chống Pháp), Phước Thành, Đất Cuốc, Đồng Xoài, Đường 14, Phước Long (trong kháng chiến chống Mỹ).

          Kẻ thù đã thả hàng ngàn tấn bom đạn xuống để hủy diệt vùng chiến khu D. Không biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã ngủ yên dưới vùng đất rừng này. Sự hy sinh của họ đã thực sự làm nên bản anh hùng ca của dân tộc, để cho đất nước hôm nay tươi đẹp hơn./.

          

VIỆT QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh