THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:46

ATK – Thủ đô gió ngàn chiến khu Việt Bắc

 

Đền thờ Bác Hồ tại khu ATK Định Hoá, Thái Nguyên 

Theo Quốc lộ 3 từ Thái Nguyên qua Bờ Đậu, Giang Tiên, Đu, Đuổm, Trào tới kilômet 31 rẽ trái trên con đường quanh co bên rừng cọ, rừng vầu khoảng 60km sẽ đến trung tâm ATK Định Hóa. Định Hóa là huyện miền núi ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên. Địa thế hiểm trở, núi rừng bạt ngàn là một trong những yếu tố đảm bảo cho huyện Định Hóa nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung trở thành địa điểm xây dựng ATK Trung ương.

 Một trong những địa danh đáng chú ý là đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc thuộc ATK Định Hóa, nơi đặt “Phủ Chủ tịch” những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến. Đó là lán nhỏ dưới tán cây đa cổ thụ trên đỉnh đồi. Cảnh rừng già, suối Khau Tý trong những ngày đầu kháng chiến là cảm xúc Bác viết bài thơ Cảnh Khuya. Đồi Tỉn Keo (Gót Đèo theo tiếng Tày) , xưa là rừng cây cổ thụ. Dưới tán cây rậm rạp là những lán nhỏ nơi làm việc của Bác, lán họp của Trung ương Đảng và Chính phủ, với hệ thống hầm hào tránh máy bay địch.

Xóm Khuôn Tát cũng là nơi Bác đã ở nhiều lần. Khuôn Tát là xóm của đồng bào Dao, cách nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De về phía Tây khoảng 2km. ở đây vẫn còn bãi cỏ non xanh dưới bóng cây đa cổ thụ, nơi Bác và các chiến sỹ cảnh vệ thường chơi bóng chuyền. Lán Bác Hồ trên đồi Nà Đình, nhỏ đơn sơ, có tầng sàn.

Di tích lịch sử Khau Tý – nơi Bác ở và làm việc đầu tiên ở ATK Định Hoá .

Và cũng tại Rừng Khuôn Mánh đã là nơi ra đời Trung đội Cứu quốc quân II (ngày 15/9/1941) - một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Rồi ATK Định Hóa - nơi từng là đại bản doanh của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, quân đội, Mặt trận Liên Việt ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954).

Chính tại ATK Định Hoá, suốt 9 năm kháng chiến (1946-1954), Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định nhiều chủ trương chiến dịch lớn. Ngày 15/10/1947, tại Khau Tý, Điềm Mặc, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp. Năm 1948, tại Nà Lọm, xã Phú Đình công bố Sắc lệnh số 110/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm đợt đầu cho các tướng lĩnh. Trong đợt phong quân hàm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng. Ngày 19/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 206/SL thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao. Ngày 25/7/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Phạm Văn Đồng giữ chức Phó Thủ tướng và bổ sung làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao. Ngày 25/7/1950, thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới. Mệnh lệnh mở các chiến dịch Trung du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… cũng được phát đi từ trung tâm đầu não kháng chiến ATK Định Hóa. Đặc biệt là, ngày 06/12/1953, tại Tỉn Keo, dưới chân đèo De, núi Hồng thuộc xã Phú Đình - Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam...

Ngoài ra nơi này,  còn có di tích địa điểm thành lập Hội Nhà Báo Việt Nam, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc. Tại đây, ngày 21/4/1950 đã điễn ra Đại hội lần thứ nhất Hội những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay)...

Về mặt đối ngoại, qua Đài Tiếng nói Việt Nam đóng tại ATK đã nhiều lần phát đi các bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phê phán lập trường ngoan cố của chính quyền thực dân Pháp, khẳng định thái độ thiện chí của ta trong việc giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam. Tại đây, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác đã gửi điện mừng đến các nhà lãnh đạo các nước như: Ấn Độ, Indonesia… Tại các bức điện ấy, Bác đã khẳng định: Việt Nam mong muốn làm bạn với các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai. Bác cũng đã tiếp phái viên của Thủ tướng Chu Ân Lai để bàn về việc phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội và cách mạng của 2 nước: Việt Nam – Trung Quốc ở nơi này.

Làng Quặng – nơi thành lập Việt Nam giải phóng quân.

Ngoài ra các hoạt động đối ngoại với bạn bè quốc tế, như Hoàng thân Lào Xuphanuvông, Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp Leeophige; nhà đạo diễn nổi tiếng của Nga Rooman Cacmen đã trở lại ATK Định Hóa để thực hiện bộ phim nổi tiếng “Việt Nam trên đường thắng lợi” cũng diễn ra ở đây.

ATK Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, được xem như quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam, mỗi tên bản, tên núi, tên sông ở nơi đây đều gắn liền với các hoạt động của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng trong việc chỉ đạo và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Năm 1990 tại đồi Tỉn Keo, tỉnh Thái Nguyên đã xây bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng trưng bày di tích lịch sử, nhà khách... Tại trung tâm xã Phú Ðình cũng đã xây dựng nhà truyền thống, giới thiệu trưng bày nhiều hiện vật quý. Bên cạnh các di tích chính như đồi Tỉn Keo, Khuôn Tát, Nà Nom... cụm di tích ATK còn nhiều địa danh đi vào lịch sử như: đèo De, núi Hồng, nhà ông Cao Nhật - một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1939 -1945; rừng Mấn - nơi đặt trạm liên lạc của Xứ uỷ Bắc Kỳ và là nơi mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự của Ðảng, đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Ðảng khi đó và đồng chí Hoàng Quốc Việt từng qua lại hoạt động ở đây; chùa Mai Sơn - nơi Xứ uỷ Bắc Kỳ đặt nhà in đặc biệt, in báo Cờ giải phóng và nhiều tài liệu quan trọng; đình Kha Sơn - nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của xã... Tất cả những di tích lịch sử này đều đã được xếp hạng quốc gia.

Có thể nói, với hệ thống trên 400 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 14 điểm di tích cấp quốc gia đặc biệt, đã trở thành những địa chỉ về giáo dục chính trị, truyền thống cách mạng sinh động cho quần chúng, nhân dân nói chung và khách du lịch nói riêng khi tới Thái Nguyên... Đường vào ATK Định Hoá hôm nay xanh mướt mát, ATK Định Hóa hôm nay đã trở thành Di tích Quốc gia Đặc biệt. Hơn 70 năm đã trôi qua, vẫn còn nguyên nơi đây những tên bản, tên núi, tên sông lịch sử, gắn liền với các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cách mạng Việt Nam.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh