THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:23

Tháng Tám trên Chiến khu Quỳnh Lưu

 

Chiến khu Quỳnh Lưu  ngày ấy...

Sau khi đánh chiếm Ninh Bình, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị theo kiểu thống trị trực tiếp. Công sứ Pháp kiểm soát các công việc của các quan lại trong tỉnh. Bên cạnh bộ máy cai trị hành chính, thực dân Pháp cho thiết lập các đồn bốt, trại lính ở tỉnh lỵ Ninh Bình, Phụng Công, chợ Ghềnh, Phát Diệm, Nho Quan. Các huyện đều có lính cơ, các xã có tuần đinh. Tỉnh lỵ Ninh Bình có nhà lao và bộ máy cảnh sát do một chánh cẩm người Pháp cầm đầu. Cuối năm 1927, tại thôn Lũ Phong (Quỳnh Lưu, Nho Quan) chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được thành lập do Lương Văn Thăng làm Bí thư. Từ khởi điểm phong trào cách mạng ở Quỳnh Lưu, tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên phát triển nhanh sang các huyện Yên Mô, Gia Viễn, Gia Khánh. Ngày 24/6/1929, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng thôn Lũ Phong  được thành lập do Lương Văn Thăng làm Bí thư. Đêm 6 rạng sáng 7/11/1929, Lương Văn Tụy, con trai Lương Văn Thăng, mới 15 tuổi cùng với Nguyễn Văn Hoan thực hiện nhiệm vụ cắm cờ đỏ búa liềm mang dòng chữ “Ủng hộ Xô - Nga, Xô - Nga vạn tuế” trên đỉnh núi Non Nước ở tỉnh lỵ Ninh Bình để kỷ niệm và ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga.

Bia Chiến khu Quỳnh Lưu - Di tích lịch sử Quốc gia tại đồi Son.

Năm 1938, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình họp Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại thôn Đồi Dâu (Sơn Lai, Nho Quan), với sự tham dự của đại biểu cơ sở Đảng ở các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Gia Khánh và Yên Mô. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 uỷ viên. Ông Đinh Tất Miễn được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình. Năm 1943, quân Nhật kéo vào Ninh Bình, đặt cơ quan đại diện bên cạnh toà công sứ Pháp. Nhật lập ra “Liên đoàn thóc gạo” và đặt nhiều mỏ cân ở thị xã Ninh Bình, Phát Diệm, Nho Quan để thu thóc gạo. Riêng thị xã Ninh Bình có 17 mỏ cân. Các hương lý, lính lệ, cai ký, địa chủ trong tỉnh được cấp thẻ “Tiếp tế cho nhà binh” để đến các chợ, các làng thu thóc gạo, nông sản của nông dân. Chiến khu Quỳnh Lưu thành lập ngày 3/2/1945 và là căn cứ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ. Chiến khu Quỳnh Lưu là một căn cứ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Nhật, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, nối liền Tây Bắc, Bắc Trung bộ với đồng bằng Bắc bộ. Sau khi thành lập, cơ sở cách mạng này có ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh ở Ninh Bình. Đến hết tháng 4/1945, khu giải phóng mở rộng ra các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh. Ngày 25/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Bình do đồng chí Văn Tiến Dũng làm chủ tịch ra mắt tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng trong toàn tỉnh.

Nhà Bảo tàng khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu.

Để bảo vệ căn cứ cách mạng này, Xứ ủy Bắc Kỳ và Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều đội tự vệ chiến đấu, tiêu biểu là Trung đội Giải phóng quân. Các lực lượng vũ trang ở đây đã làm cho đối phương "nhiều phen kinh hoàng", đỉnh cao là hai ngày 15/3/1945 và 2/4/1945, quan lại ở Phủ Nho Quan đưa lính về đàn áp phong trào chống thu thuế đều bị quần chúng bao vây đánh trả quyết liệt. Hiện nơi đây vẫn là một địa bàn quan trọng về quân sự với 2 đơn vị bộ đội đóng quân là Lữ đoàn 241 (Quỳnh Lưu) và Trung đoàn 202 (Phú Lộc).

... Và bây giờ

Chúng tôi đến thăm Chiến khu Quỳnh Lưu vào ngày 11/8/2016, đúng 71 năm ngày thành lập Chiến khu. Nơi đây không còn những con đường nhỏ lầy lội, những ngôi nhà tranh lụp sụp vách đất, mà thay vào đấy là những con đường nhựa, đường bê tông, những ngôi nhà tầng khang trang, san sát, sầm uất.

Các công cụ được sử dụng trong kháng chiến. 

Được biết, Quỳnh Lưu là xã thuần nông, thuộc vùng bán sơn địa, địa hình rộng lớn và phức tạp, có nhiều thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc song lại hết sức khó khăn cho phát triển kinh tế xã hội, có diện tích hơn 1.700 ha, với dân số trên 8.600 người. Năm 2011, là một trong 6 xã của huyện Nho Quan, trong 26 xã của tỉnh Ninh Bình được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011- 2015, khi đấy Quỳnh Lưu mới chỉ đạt 2/19 tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo trên 11,46%, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỉ lệ thất nghiệp cao. Sau 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền nhân dân trong xã đã phát huy truyền thống của khu căn cứ cách mạng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều doanh nghiệp đã về đầu tư tại xã và đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, mở rộng các ngành nghề dịch vụ, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, lúa cá...  Làm thay đổi bộ mặt nông thôn từng ngày, nhiều hộ nghèo đã tự vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người từng bước được nâng lên, đời sống người dân nơi đây được cải thiện rõ nét, với thu nhập từ 8 triệu đồng năm 2011 thì đến nay đã tăng lên hơn 29 triệu đồng/người/năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,78%.

Ảnh tư liệu về các cuộc kháng chiến kháng Nhật và chống Pháp.

Năm 2016, Quỳnh Lưu tiếp tục phát triển kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế... Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm mới cho hàng trăm lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2,78%. Bí thư xã Quỳnh Lưu Nguyễn Văn Dương cho biết: “Với thành tích 20 năm liên tục là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền vững mạnh, các đoàn thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2015, Quỳnh Lưu vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Với những kết quả đạt được trong những năm qua trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, có sự đóng góp không nhỏ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đồng tâm, đoàn kết, nhất trí và phát huy những giá trị lịch sử của các thế hệ cha ông, đã không ngừng nỗ lực vươn lên tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với danh hiệu và là niềm tự hào của người con trên quê hương Chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu”.   

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh