CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:12

Vỉa hè phố nào của Hà Nội được phép kinh doanh buôn bán?

 

Một số tuyến phố có vỉa hè rộng, người dân bày bán trên vỉa hè.

  

Về vấn đề này, theo Thông tư 04/2008 về Hướng dẫn quản lý đường đô thị do Bộ Xây dựng ban hành, tại mục 11 có quy định Việc chiếm chỗ, sử dụng hè phố để xây dựng cửa hàng, lắp đặt mái che: “Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng các cửa hàng, kiốt trên hè phố phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Việc xây dựng các cửa hàng, kiốt trên hè phố đối với các đô thị mới, đường phố mới phải được xác định ngay trong quy hoạch chi tiết, đối với các khu phố hiện trạng, chỉ được phép lắp đặt tạm thời các cửa hàng, kiốt phục vụ cho các dịp lễ hội, và phải tháo dỡ sau khi kết thúc lễ hội theo quy định của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng cửa hàng nhỏ, lắp đặt mái che mưa, che nắng ; tổ chức dỡ bỏ của hàng, mái che mưa, che nắng không theo đúng quy định. 

Còn tại mục 14 quy định sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa: “Chỉ một số công trình, tuyến phố đặc thù mới được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau đây: 

a) Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m; 

b) Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố; 

c) Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở. 

Căn cứ quy định của Thông tư 04/2008, Hà Nội ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND Hà Nội quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn. Trong đó điều 9 quy định: Hè phố được sử dụng tạm thời để kinh doanh buôn bán phải bảo đảm các yêu cầu sau: 

- Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m; 

- Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố; 

- Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở và trên mặt cầu đường bộ, cầu vượt. 

Về phân cấp, tại quyết định 15 giao chính quyền cấp quận, phường chịu trách nhiệm tổ chức đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên địa bàn; Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong phạm vi thẩm quyền theo các quy định hiện hành. 

Căn cứ theo các quy định trên, chỉ với những tuyến đường đặc thù mới được phép kinh doanh hè phố, những tuyến đường đó có chiều rộng tối thiểu dành cho người đi bộ là 1,5m. 

Trên thực tế, tại Hà Nội mới chỉ có quy định tuyến phố đặc thù đi bộ trong phố cổ vào các tối cuối tuần và được phép kinh doanh trên vỉa hè và lòng đường. Còn lại, Hà Nội chưa có quy định quy định các tuyến phố đặc thù khác cho phép kinh doanh vỉa hè. 

Các quận huyện kẻ vạch vôi 2m chiều rộng trên vỉa hè một số tuyến đường mục đích để người dân để xe máy, chưa có quy định cho phép dùng vỉa hè kinh doanh hàng hóa. Tuy nhiên, một số gia đình kinh doanh vẫn bày bán, hoặc để khách ngồi trong phạm vi 2m kẻ vạch vôi là chưa đúng với quy định. Trách nhiệm xử lý thuộc cấp quận, phường.

Hiện theo các quy định của pháp luật, mục tiêu quan trọng nhất của vỉa hè là ưu tiên nhất là dành cho người đi bộ. Cũng có ý kiến cho rằng với những vỉa hè rộng trên 3,5m thì cho thuê kinh doanh trên vỉa hè. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng của các chuyên gia, chưa có quy định cụ thể nào cho phép kinh doanh trên vỉa hè.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh