CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:52

TP.HCM cho bán hàng rong theo giờ

 

Hàng rong bán trên vỉa hè ở quận 1 ngày 20/3. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 

Chủ tịch UBND Q.1 Trần Thế Thuận cho hay đề án khu ẩm thực kinh doanh có thời gian trên một số tuyến đường ở quận nhằm tổ chức, sắp xếp cho người có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Trong giai đoạn thí điểm, Q.1 sẽ bố trí 100 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở quận. Thời gian kinh doanh từ 6 - 9 giờ và từ 11 - 13 giờ và sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế sau một tháng thí điểm. 
Quy định cách thức buôn bán
Theo đề án, có 3 tuyến đường và vị trí được thí điểm bán hàng rong ở Q.1 là vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm (dự kiến 20 hộ kinh doanh, diện tích quầy 2 x 3 m), Chu Mạnh Trinh (35 hộ kinh doanh, diện tích quầy 2 x 1,4 m), công viên Bách Tùng Diệp ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lý Tự Trọng (15 hộ kinh doanh, diện tích quầy 2 x 2 m). Đây là những tuyến đường, vị trí có vỉa hè rộng trên 5 m, thuận tiện trong việc đậu, giữ xe.
Theo đó, các hộ kinh doanh vận chuyển thực phẩm đã được chế biến sẵn tại nhà đến điểm bán. Tại nơi bán chỉ hâm nóng và cung cấp cho khách ăn uống tại chỗ hoặc mang về. Bàn ghế được đóng theo mẫu đảm bảo mỹ quan, phù hợp với cảnh quan nơi tổ chức. Sau thời gian hoạt động, bàn ghế, dù che được thu gọn trả lại diện tích cho người đi bộ. Trong thời gian đầu hoạt động sẽ thực hiện phát phiếu ăn trả trước, giống hình thức vé ăn, uống để vận động cán bộ, nhân viên ở khu vực xung quanh tới ủng hộ.
 
Phối cảnh của quầy bán hàng rong ở vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm. ẢNH: UBND Q.1

Song song với việc tổ chức điểm bán hàng rong, UBND Q.1 cũng tổ chức lực lượng y tế thường xuyên tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng que test nhanh kiểm tra thực phẩm; liên hệ với các công ty như Vissan, Cholimex để cung cấp thực phẩm sạch; khám sức khỏe cho người trực tiếp chế biến. Người bán cũng phải mặc đồng phục theo quy định. Ban đầu các hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ vật dụng, bàn ghế. “Đây là đề án được Q.1 rất tâm huyết để làm sao giải quyết căn cơ, bền vững vấn đề lập lại trật tự vỉa hè gắn với việc tổ chức lại đời sống của bà con lao động nghèo”, ông Thuận nói. 

 

Cũng trong chiều qua, Chủ tịch UBND Q.4 Trần Hoàng Quân báo cáo một số phương án tổ chức, sắp xếp việc buôn bán hàng rong ở quận. Theo đó, Q.4 sẽ dùng lô đất rộng trên 2.000 m2 ở đường Vĩnh Khánh đang trong quá trình chờ triển khai dự án để đưa 150 hộ bán hàng rong về đây kinh doanh, buôn bán. Hiện đã có 110 hộ kinh doanh đăng ký. Song song đó, quận cũng tổ chức sắp xếp lại các hộ kinh doanh buôn bán ở lòng lề đường khu vực chợ Xóm Chiếu; kiến nghị mở chợ phiên vào thứ bảy, chủ nhật ở đường 48 có vỉa hè rộng 8 - 10 m.
Nghe báo cáo xong, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đồng ý làm thí điểm bán hàng rong ở đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp. Riêng với đường Chu Mạnh Trinh, ông Tuyến không đồng ý bởi con đường này dù có vỉa hè rộng nhưng một phần vỉa hè dành cho trồng cây và thảm cỏ, nếu tổ chức bán hàng rong ở đây sẽ không còn diện tích cho người đi bộ.
Ngoài việc tổ chức bán trên vỉa hè, theo ông Tuyến, Q.1 cũng nên sắp xếp chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp, đưa các hộ kinh doanh vào buôn bán tập trung ở chợ. Đối với những gánh hàng rong có thương hiệu, nấu đồ ăn ngon, đảm bảo vệ sinh có thể kết hợp đưa vào các nhà hàng để phục vụ du khách.
Theo ông Tuyến, đề án này chỉ là tạm thời vì mục tiêu lâu dài vỉa hè phải dành cho người đi bộ, nhưng trong điều kiện hiện tại thì cần có bước đi thích hợp, có lộ trình để giải quyết nhu cầu mua bán, kinh doanh cho người dân nghèo. Ông Tuyến cũng nghe nhiều phường báo là người dân sau khi không được buôn bán ở vỉa hè gặp nhiều khó khăn vì một số hộ phải đóng tiền vay, tiền góp và rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. “Q.1 phải nghiên cứu, thống kê đầy đủ các hộ nghèo để giúp đỡ. Những trường hợp nào chưa được bố trí kinh doanh vỉa hè thì không được để bà con đói, các cháu bỏ học, không để tình trạng cho vay nặng lãi rồi vi phạm pháp luật. Nếu có khó khăn gì phải báo ngay cho TP”, ông Tuyến nói.
Chợ phiên Bạch Đằng, phố đi bộ Bùi Viện
Ngoài đề xuất kinh doanh ở vỉa hè, UBND Q.1 cũng đề xuất đề án “Chợ phiên cuối tuần công viên Bạch Đằng” và đề án phố đi bộ Bùi Viện. Theo đề xuất, chợ phiên sẽ hoạt động mỗi tuần 2 ngày (từ 10 - 22 giờ) thứ bảy, chủ nhật; và dịp lễ, tết. Mỗi tháng sẽ hoạt động với những chủ đề khác nhau. Chợ sẽ có bốn khu với 120 gian hàng kinh doanh ẩm thực, du lịch, văn hóa nghệ thuật… Mục đích của chợ phục vụ khách du lịch cũng như khách đi bộ ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Tuy nhiên, lo lắng nhất của những người tổ chức là vấn đề ùn tắc giao thông ở trước bến Bạch Đằng. Còn về phố đi bộ, UBND Q.1 cho hay ý tưởng có từ rất lâu nhưng qua đợt lập lại trật tự vỉa hè vừa qua càng thôi thúc quận đẩy nhanh thực hiện. Trước mắt, Q.1 đề xuất cho thí điểm cấm xe và tổ chức đi bộ ở đường Bùi Viện từ 19 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Nếu làm thí điểm ở đường Bùi Viện đạt hiệu quả tốt, được người dân ủng hộ sẽ áp dụng tại các đường ở phố Tây. Dự kiến phố đi bộ Bùi Viện sẽ được thực hiện trước ngày 30/4/2017.
Hai đề xuất này đều được Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đồng ý và yêu cầu sớm thực hiện thí điểm sau khi có sự tính toán, đánh giá kỹ lưỡng sự tác động, hiệu quả.
Ông Tuyến cũng giao 24 quận, huyện tính toán, đưa ra phương án sắp xếp, phương án lo cho người dân bán hàng rong chứ không phải chỉ dẹp xong vỉa hè là hết trách nhiệm.

 

Sẽ cho các sạp báo cơ động bán ở vỉa hè
Trả lời PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết UBND TP sẽ giao cho UBND quận, huyện nghiên cứu, cho phép các sạp báo đảm bảo văn minh, lịch sự phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Các sạp bán báo này nên được bố trí cơ động, bán chừng vài giờ buổi sáng và việc bán báo không ảnh hưởng đến đi lại của người đi bộ.
Sạp báo tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3. ẢNH: THẢO THƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh