THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:43

“Hậu” chiến dịch vỉa hè: Bài toán mưu sinh cho người nghèo đô thị

 

Bán hàng sau vạch kẻ, nhường lại vỉa hè cho người đi bộ

Gần một tháng sau chiến dịch giành lại vỉa hè của thành phố, những khách hàng quen thuộc của quán phở gà nhà chị Thịnh nằm ngay trên góc phố Hoàng Ngọc Phách hàng ngày vẫn đều đặn ghé vào đó ăn sáng. Tận dụng gầm cầu thang của khu chung cư để bán hàng nên cửa hàng phở gà của chị  không bị ảnh hưởng nhiều khi thành phố ra quân lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. “Khách vẫn thế thôi, có điều bây giờ không được để xe trên vỉa hè nữa, nói với khách cho xe vào gầm cầu thang, chật chội một chút nhưng nếu sắp xếp khéo thì vẫn ổn.”- chị Thịnh vui vẻ cho biết.

 

Hàng bán bánh mì nhỏ trên phố Hoàng Ngọc Phách đã nép sát vào bờ tường để nhường đường cho người đi bộ

 

Không may mắn có được “góc trú ẩn an toàn” như quán phở của chị Thịnh, hàng bánh mì pate cạnh đó trước đây vốn tận dụng phần vỉa hè để bán hàng. Tuy chỉ chiếm một phần rất nhỏ của vỉa hè do khách không ăn tại chỗ, chủ yếu mua bánh mì mang về nhưng vào những ngày ra quân cao điểm của lực lượng chức năng, hàng bánh mì này cũng phải nghỉ mất vài hôm. Gần đây, hàng bánh mì đã bán trở lại, tuy nhiên, không còn cái tủ kính nhỏ bày đồ ăn như trước nữa. Giờ mọi thứ đã được chị bày biện lại theo phương thức nhẹ nhàng và gọn nhẹ hơn để sẵn sàng di chuyển khi có lực lượng chức năng. Chiếc tủ kính đã được thay bằng một hộp nhựa, bên trong đựng pate, xúc xích, thịt, rau, phía ngoài gắn thêm lọ tương ớt, bột canh, cạnh đó là một hộp đựng bánh mì bằng xốp.  Hai chiếc hộp và cả người bán đều nép sát vào bờ tường để chiếm diện tích tối thiểu nhất. Chiếc bếp than dùng để rán trứng thì được gửi nhờ vào phía bên trong hàng phở. “Chị chỉ bán đến hơn 9h sáng thôi, giờ lại ngồi dẹp sát vào tường để không ảnh hường đến lối đi trên vỉa hè. Vẫn biết là phải tuân thủ chính sách của thành phố nhưng miệng ăn cả nhà, rồi con cái đi học đều trông chờ vào mấy cái bánh mì này,  đành phải nghĩ cách để duy trì. Giá thành phố có chính sách gì đó tạo điều kiện cho những người buôn bán nghèo như bọn chị thì tốt quá”- chị chủ hàng bánh mì buồn bã nói.

Không kinh doanh trên vỉa hè nhưng chị Trang, chủ một cửa hàng quần áo ở đường Láng cho biết, nhưng việc làm ăn của chị cũng bị ảnh hưởng ít nhiều sau chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ. Trước đây, cửa hàng của chị rất đông khách nhưng gần đây doanh thu đã giảm hẳn do không có chỗ để xe cho khách.  “Nhiều người ngó vào cửa hàng, ngồi trên xe ngần ngừ một lúc rồi bỏ đi do sợ không dám đỗ xe trên vỉa hè. Doanh thu của cửa hàng vì thế cũng giảm khoảng 20-30%. Tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách của thành phố tuy nhiên cũng mong thành phố sớm bố trí được các điểm gửi xe trên các tuyến đường để việc kinh doanh buôn bán của chúng tôi được thuận lợi”- Chị Trang chia sẻ.

Làm sao vừa giữ mỹ quan đô thị, vừa giữ được sinh kế cho người nghèo

Có thể thấy, chiến dịch đòi lại vỉa hè của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang làm hiện nay là một chủ trương rất hợp lòng dân. Vỉa hè cần phải được trả lại cho đúng mục đích sử dụng của nó, nghĩa là trả về phục vụ công cộng cho người đi bộ. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu, chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ được phát động. Trước đây, ở Hà Nội và rất nhiều đô thị khác trên cả nước đã tổ chức những chiến dịch tương tự, nhưng chỉ được ít ngày thông thoáng, sau lại “đâu vào đấy”. Nhiều người cho rằng, chiến dịch hiện nay tuy rất rầm rộ nhưng chỉ là phần ngọn. Với áp lực dân số, không gian chật hẹp như hiện nay, cùng với việc lực lượng xử lý mỏng, ý thức người dân chưa cao thì việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ nếu không làm quyết liệt và kiên trì sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

 

Giành được vỉa hè đã khó, giữ được vỉa hè còn khó hơn

 

Theo nhiều chuyên gia về giao thông đô thị, việc đưa vỉa hè trở lại đúng chức năng của nó cần phải có thời gian, kết hợp với quy hoạch đô thị và mạng lưới giao thông.  Là người dân sống và gắn bó với Hà Nội, Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, khi người Pháp quản lý ở Hà Nội ngày xưa, người ta đánh thuế mái hiên, ban công không phải để tận thu ngân sách đâu mà để thể hiện quyền của Nhà nước với không gian kiến trúc. Người dân chỉ có quyền với diện tích trong phần đất của nhà mình mà thôi. Còn bây giờ thì nhiều người ngộ nhận vỉa hè phía trước nhà mình là của mình. Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng liên quan đến hạ tầng, giao thông tĩnh. Hiện nay,  nhu cầu có chỗ để xe ở đô thị đang rất bức thiết, cần thiết phải tổ chức lại vỉa hè thông thoáng nhưng cũng phải định rõ những khu vực đỗ xe. Phải tổ chức dịch vụ hạ tầng cho giao thông tĩnh thật tốt, tạo thói quen đi bộ trong người dân.

Bên cạnh đó, vỉa hè  là nơi mưu sinh, nguồn sống của nhiều gia đình nghèo, do đó, sau chiến dịch giành lại vỉa hè, bài toán mưu sinh cho người nghèo đô thị cũng đang được đặt ra với lãnh đạo thành phố Hà nội và TP. Hồ Chí Minh. Mới đây, thông tin về việc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang lên kế hoạch sắp xếp công việc cho những hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi việc giành lại vỉa hè đã khiến nhiều người hy vọng rằng các cấp chính quyền sẽ có lộ trình cụ thể, có biện pháp làm sao chuyển đổi, tạo công ăn việc làm mới, chỗ buôn bán mới đúng quy định cho người dân sao cho vừa giữ được mỹ quan đô thị, vừa đảm bảo sinh kế cho những hộ kinh doanh nghèo.  

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh