THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:28

Vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp?

Trước những con số trên, một đại diện làm việc trong doanh nghiệp (DN) liên doanh với nước ngoài cho rằng: “Không thể thế được, ở chỗ tôi người Việt Nam làm việc bên cạnh người nước ngoài không thua kém là bao, thậm chí có người còn giỏi hơn”. Điều đó hoàn toàn không sai. Song, nguyên nhân làm cho NSLĐ thấp không chỉ phụ thuộc vào kỹ năng, tay nghề hay trình độ của mỗi người lao động, mà nó còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác như: Quy mô nền kinh tế; cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động; trình độ công nghệ; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động; trình độ hiệu quả sử dụng các nguồn lực; và một số vấn đề trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính … Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến NSLĐ của chúng ta còn thấp?. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin đề cập mấy nguyên nhân cơ bản sau:

Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn bất hợp lý

Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến NSLĐ ở Việt Nam còn thấp. Thật vậy, những năm qua, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của chúng ta tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm và còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính, tín dụng của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế. Tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm từ 55,1% năm 2005 xuống 49,5% năm 2010 và còn 44,3% năm 2015, nhưng tốc độ vẫn còn chậm và ít so với yêu cầu  (về số tuyệt đối chỉ giảm được 112,3 nghìn người).  Năm 2015 chúng ta còn 23,5 triệu người đang làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, phần lớn lao động làm việc ở đây là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến NSLĐ thấp...

Tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức tại Việt Nam chiếm 2/3 số LĐ có việc làm là nguyên nhân khiến NSLĐ ở khu vực này thấp.

Một nguyên nhân nữa làm cho NSLĐ thấp là do tỷ lệ lao động có việc làm ở khu vực phi chính thức ở mức khá cao: Ước tính năm 2015, con số này là 67% chiếm gần 2/3 số lao động có việc làm. Điều đó có nghĩa là những người này có việc làm, nhưng hết sức bấp bênh, có thể mất việc bất cứ lúc nào, thu nhập thấp, NSLĐ thấp và chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (khó tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai; đầu ra của sản phẩm; không có bảo hiểm xã hội...).

Chất lượng lao động thấp

Chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất tác động đến NSLĐ, đó là chất lượng lao động của chúng ta hiện rất thấp. Về số lượng, hiện cả nước có hơn 10,5 triệu lao động được đào tạo trong tổng số 52,9 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2015, chiếm 19,9%. Như vậy, có tới 80,1% tổng số lao động chưa được đào tạo. Chất lượng lao động có sự chênh lệch rõ nhất giữa khu vực nông thôn và thành thị. Ở thành thị lao động đã được đào tạo chiếm 36,3%, trong khi ở nông thôn chỉ có 12,6%. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ. Cơ cấu nguồn nhân lực chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo.

Nhân lực được đào tạo trong các ngành kỹ thuật - công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp. Lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là các ngành trọng điểm như cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện, các lĩnh vực tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế còn thiếu hụt. Công nhân kỹ thuật đang còn thiếu, trong khi đó số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học ra không xin được việc làm lên tới trên 200 nghìn người. Trong đó, đa số học các ngành kinh tế xã hội là tình trạng báo động về cơ cấu đào tạo.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam cũng còn nhiều bất cập. Nghiên cứu của WB năm 2012 cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp phàn nàn về những kỹ năng công nhân được đào tạo tại trường không phù hợp với những kỹ năng mà doanh nghiệp cần còn rất lớn, trong đó gần 65% chủ doanh nghiệp FDI cho rằng những kỹ năng mà trường dạy nghề đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ này ở các doanh nghiệp trong nước thấp hơn, khoảng 35%.

Thêm nữa, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động hiện chưa cao. Lao động Việt Nam chưa thật sự cần cù, chăm chỉ. Không ít người chỉ muốn làm việc nhàn nhã mà thu nhập cao. Hình ảnh người lao động uể oải trong lúc làm việc dễ nhìn thấy. Khả năng phát huy sáng kiến, sáng tạo thấp. Tình trạng tham nhũng (vặt), lãng phí của công khá phổ biến. Tư tưởng nhảy việc làm cho các DN đau đầu trong tuyển dụng, đào tạo... Thể lực người Việt Nam yếu cũng làm cho sức làm việc hạn chế.Việc khai thác và sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo cũng chưa hiệu quả: Tỷ lệ người thất nghiệp đã qua đào tạo tăng từ 18,6% năm 2010 lên 40% năm 2014. Có không ít lao động tốt nghiệp đại học đi học nghề để kiếm việc làm hoặc làm việc dưới khả năng gây lãng phí cho người học và người dạy và là một minh chứng cho việc đào tạo không gắn với thị trường.

Thực tế này cho thấy, để nâng cao NSLĐ cần phải giảm sự khác biệt giữa kỹ năng được đào tạo và kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Nhà nước cần tạo ra cơ chế kết nối doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, đồng thời phải tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo. Những cơ sở không đáp ứng được yêu cầu của thị trường cần phải đào thải. Việc giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho người lao động cần được đề cao và quan tâm hơn nữa trong hệ thống giáo dục đào tạo.

Trình độ công nghệ thấp, lạc hậu

Hiện tại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta chủ yếu là sơ chế, gia công có hàm lượng giá trị tăng thêm kết tinh trong sản phẩm rất thấp (dệt may, da giầy, lắp ráp điện tử...). Năm 2012 tính trong toàn ngành này, công nghệ sản xuất thấp và trung bình  chiếm 88%, công nghệ cao chỉ chiếm 12%; giá trị tăng thêm của các ngành có công nghệ cao năm 2012 chỉ chiếm 26,5% toàn ngành chế biến, chế tạo.

Sức sáng tạo của trí tuệ con người là động lực không có giới hạn của tăng trưởng, là chìa khóa giúp một số nước Đông Á vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Tuy nhiên, công nghệ và sáng tạo vẫn là “vùng trũng nhất” (có xếp hạng thấp nhất), kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Thêm vào đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô quá nhỏ, (nghĩa là tiềm lực về vốn về con người đều nhỏ), với 90% số doanh nghiệp hiện chưa đạt được quy mô tối ưu để có được NSLĐ cao nhất. Số lượng doanh nghiệp lớn với tiềm lực vốn lớn còn ít, chưa xâm nhập được vào các thị trường, trung tâm công nghệ của thế giới, do đó chưa thực hiện được chức năng cầu nối về công nghệ tri thức của thế giới vào thị trường trong nước.

Điều này cho thấy, Nhà nước cần tạo dựng môi trường thuận lợi cùng với các thể chế, chính sách mới cho khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ và sáng tạo. Tiếp tục tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp có điều kiện tăng cường đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực... góp phần nâng cao NSLĐ. Sử dụng Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ vốn cho nuôi dưỡng và triển khai các ý tưởng sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp. Đây được coi là một nội dung quan trọng của sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.

TRẦN THỊ LỘC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh