THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:32

Năng suất lao động: Bài toán lâu dài, đòi hỏi chung sức của toàn xã hội

Được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”, đến nay sau 5 năm thực hiện, Bộ Công Thương đã có rất nhiều hoạt động nhằm triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp đã từng bước tiếp cận với các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. 
Đại diện Bộ Công thương phát biểu tại hội thảo

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), sau 5 năm triển khai, dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của để doanh nghiệp và từ đó các doanh nghiệp này đã có kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp còn xây dựng lại quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, nâng cao quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nâng cao năng suất lao động vẫn là một bài toán lâu dài đòi hỏi sự chung sức của toàn xã hội. 

Năng suất lao động tổng hợp của Việt Nam được đánh giá thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Theo đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp thuộc các ngành đều tụt hậu về công nghệ so với các nước trong khu vực và phụ thuộc và máy móc thiết bị nước ngoài.

Cụ thể, ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, yếu điểm của các doanh nghiệp Việt Nam chính là lỗi tư duy, kinh doanh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, biểu hiện rõ nét nhất là trình độ quản lý còn lạc hậu, chưa bắt với những xu hướng hiện đại của thế giới.

Đáng chú ý, những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao như năng lượng, thép, hóa chất chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư, trên thực tế việc tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và phương thức quản lý hiện đại còn hạn chế.

Thừa nhận những yếu kém của doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam nhấn mạnh, hầu hết các doanh nghiệp đều tụt hậu về công nghệ so với các nước trong khu vực và phụ thuộc vào máy móc, thiết bị nước ngoài. Cùng đó là khả năng đầu tư và chuyển giao công nghệ mới phụ thuộc vào nguồn tài chính hạn hẹp.

Lực lượng chuyên gia cũng như nguồn kiến thức về việc cập nhật công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh doanh. Ngoài ra, bên cạnh khả năng đàm phán để ký hợp đồng công nghệ không được mở rộng thì doanh nghiệp trong nước phần lớn có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít và liên kết yếu. 

Cũng theo ông Cường, chúng ta cần phải phân biệt hai khái niệm, đó là năng suất cụ thể và năng suất tổng hợp. Nếu so sánh năng suất lao động cụ thể của từng công nhân Việt Nam so với các nước lân cận thì chúng ta không thua kém, nhưng năng suất lao động tổng hợp thì của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước.


"Tôi có thể lấy ví dụ, tổng giá trị lao động của ngành nào đó làm ra được 1 tỷ USD/năm nhưng cần tới 3 triệu lao động, tuy nhiên, cũng từng ấy số lao động nhưng tại Singapore thì họ có thể tạo ra giá trị sản phẩm lên tới 30 tỷ USD", ông Cường trao đổi. 


Như vậy, người ta không quan tâm làm ra bao nhiêu sản phẩm trong 1 giờ hoặc đào bao tấn than trong ngày, mà chúng ta quan tâm là năng suất lao động Việt Nam đang thấp là yếu tố tổng thể, bao gồm từ vốn đầu tư, máy móc thiết bị, công nghệ, mô hình quản trị dẫn đến hiệu quả của ngành đó giảm hơn so với các nước khác.

Tuy vậy, chỉ đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ thôi chưa đủ mà quan trọng hơn là phải có những mô hình quản trị tốt thì mới nâng cao được năng suất lao động.

Cùng với đó, các chuyên gia phân tích, thực tế, có những dây chuyền sản xuất mà doanh nghiệp Việt Nam nhập từ nước ngoài về thực tế với nước họ chỉ cần 300 lao động, trong khi đưa về Việt Nam phải cần tới 1.000 lao động, điều đó chứng tỏ số công nhân trên dây chuyền vẫn giống nhau nhưng số lao động gián tiếp lại nhiều hơn. Hoặc cùng dây chuyền đó thì sản phẩm của họ lại cao hơn vì tỷ lệ hỏng ít do mô hình quản trị của họ tốt hơn.


Điều đó chứng tỏ muốn cải thiện được năng suất lao động thì quan trọng phải nâng cao được hàm lượng công nghệ thay vì giá trị công nghiệp chỉ dựa vào khai thác tài nguyên.

Đưa ra giải pháp chung đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển về quy mô để từ đó nâng cao năng suất của toàn ngành. Mặt khác, tiếp tục tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và khuyến khích phát triển khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2017 – 2020. Ông Nguyễn Duy Hòa – Đại diện BQL Dự án, Vụ KH&CN cho biết, Bộ Công thương ưu tiên các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; phối hợp, hỗ trợ các Tập đoàn/Tổng công ty xây dựng Kế hoạch thúc đẩy hoạt động cải tiến năng suất chất lượng, hình thành phong trào năng suất chất lượng.
Ngoài ra, xây dựng mạng lưới chuyên gia, đơn vị tư vấn về hoạt động cải tiến năng suất chất lượng; phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, hướng dẫn phù hợp khuyến khích doanh nghiệp cải thiến năng suất chất lượng.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh