Vẻ đẹp Tây Bắc trên đất Tây Nguyên
- Văn hóa - Giải trí
- 13:34 - 02/10/2017
Ruộng bậc thang (Krông Bông) len lỏi giữa những núi đồi trùng điệp
Đến với Tây Nguyên ta không chỉ bị hấp dẫn bởi nền văn hóa đa dạng nhiều màu sắc của các dân tộc vùng cao, mà còn bị mê đắm trước vẻ đẹp của ruộng bậc thang nằm vắt ngang các sườn đồi. Khi thời tiết chuẩn bị giao mùa, khi nắng hanh vàng trên những nẻo đường, những thửa ruộng bậc thang thay lớp áo xanh non bằng màu vàng óng ả, làm nên bức tranh thiên nhiên vô cùng ấn tượng.
Ruộng bậc thang ẩn mình trong màu đất đỏ bazan
Khi nhắc đến ruộng bậc thang, mọi người nghĩ ngay đến vùng núi Tây Bắc với ruộng bậc thang hùng vĩ, uốn lượn mềm mại như những dải lụa nhưng ít ai biết được rằng ở trên mảnh đất Tây Nguyên cũng có những ruộng bậc thang đẹp không kém gì vùng núi Tây Bắc, chỉ khác là ở đây xuất hiện nhỏ lẻ, len lỏi giữa những vạt rừng trùng điệp hay ẩn mình trong màu đất đỏ bazan. Ruộng bậc thang trên mảnh đất Tây Nguyên có ở các nơi như Măng Đen, Măng Buk, rẻo cao Ngọc Linh… ở tỉnh Kon Tum. Gia Lai có ruộng bậc thang ở huyện Chư Sê. Ruộng bậc thang Đắk Lắk tập trung ở các huyện Cư Mgar, Lắk, Krông Bông.
Ruộng bậc thang (huyện Cư Mgar) chạy dài theo triền đồi nhấp nhô, uốn lượn
Hoàng hôn nhạt đáp xuống mặt ruộng bậc thang ở buôn Húk B (xã cư Mgar, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) được bà con cải tạo chạy dài theo triền đồi nhấp nhô, uốn lượn, uyển chuyển theo những cung bậc của núi đồi nơi đây. Ông Y Cương Niê, người dân buôn Húk B cho biết: “Ở đây bà con mỗi năm thường làm 2 vụ lúa nước trên ruộng bậc thang. Buôn tôi thường tập trung cấy lúa ngay khi mùa mưa bắt đầu, lúc các con suối đã có nước dẫn về ruộng”. Ruộng bậc thang ở các địa phương trên Tây Nguyên bắt đầu hình thành cách đây hơn 20 năm, do bà con dân tộc Mông, Tày, Nùng di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào khai hoang, cải tạo những quả đồi dốc thành những thửa ruộng bậc thang đẹp mắt, mở rộng diện tích sản xuất lúa nước. Dần dần, các dân tộc bản địa học hỏi, cải tạo đất đồi thành ruộng bậc thang ngày càng nhiều.
Hoàng hôn nhạt đáp xuống mặt ruộng bậc thang ở buôn Húk B
Anh Lý văn Sinh, dân tộc Mông (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) cho biết: Miền núi phía bắc do địa hình chủ yếu đồi núi, nếu san cả quả đồi bằng sức người để làm ruộng là điều không thể, để khắc phục người dân đã nghĩ cách bạt đất theo bậc tam cấp làm ruộng. Việc làm bậc tam cấp giúp người dân tận dụng tối đa diện tích triền đồi và giảm hiện tượng rửa trôi, sạt lở. Đây không chỉ đơn giản là phương thức sản xuất của đồng bào dân tộc phía Bắc mà còn chứa đựng một bề dày văn hóa bản địa lâu đời, là di sản đặc sắc được tạo nên bởi thiên nhiên và con người. Họ di cư vào mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió mang theo nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Nếu có dịp đến vào mùa lúa chín sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh các sơn nữ gặt những bông lúa chín vàng bên ruộng bậc thang uốn lượn giữa mênh mông núi rừng. Những thửa ruộng bậc thang không chỉ là nơi cung cấp lương thực mà còn cho thấy ý chí vươn lên, khát vọng ấm no và trình độ, sự sáng tạo trong lao động sản xuất của người dân vùng cao.