CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:09

Về “đất chèo” Hoằng Hóa

  Một tiết mục hát chèo của CLB hát chèo làng Phượng Mao (xã Hoằng Phượng, Hoằng Hóa).

 

Đường về quê lúa hôm nay/ Nghe lòng xao xuyến đắm say bồi hồi/ Quê em có từ bao đời/ Phượng Mao em đó là nơi hát chèo...

 Lần theo câu hát, chúng tôi tìm về làng Phượng Mao, xã Hoằng Phượng (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), hỏi già trẻ, gái trai ở làng hầu như ai cũng biết hát chèo. Chúng tôi gặp cụ Tô Quốc Phương, một trong hai nghệ nhân hát chèo còn lại của làng và cũng là của huyện Hoằng Hóa, dù đã ở vào tuổi xưa nay hiếm (82 tuổi), nhưng cụ vẫn còn khá minh mẫn.

Cụ Phương cho biết, cụ có thể nhớ và hát được hơn một trăm làn điệu chèo cổ, như: Tống Trân Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ, Trương Viên, Tấm Cám... và nhiều bài hát chầu văn, hát xẩm... Đặc biệt, cụ có thể vừa hát, vừa sử dụng kết hợp các loại nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, sáo, nhị, trống... Tùy vào tâm trạng vui hay buồn, hài hay bi tráng... của mỗi nhân vật trong vở diễn mà cụ nhập vai và có thể hát cả bài dài hay hát trích đoạn.

Khi chúng tôi hỏi về gốc tích của làng chèo, cụ Phương xúc động nói: “Chẳng biết từ bao giờ, chỉ biết khi tôi sinh ra ở làng đã có chèo. Đến tôi là thế hệ thứ 3 của làng biết hát chèo. Được xem các cụ hát tuồng, hát chèo ở sân đình từ hồi tôi còn nhỏ, cho nên câu chèo cũng theo tôi lớn lên từng ngày cho đến tận bây giờ”... 

Người thứ hai được phong tặng nghệ nhân hát chèo là bà Nguyễn Thị Oanh (66 tuổi). Bà cũng sinh ra và lớn lên tại cái nôi hát chèo làng Phượng Mao. Từ lúc 14, 15 tuổi, bà được xem các cụ diễn chèo, bà thích và hát theo. Lúc đầu, bà chỉ hát để quên đi những mệt nhọc trong lúc lao động, về sau càng hát bà càng thấy say đắm điệu chèo quê mình. Bà có thể hát được vài chục làn điệu chèo như: “Đường trường quyên đề”, “Thu không”, “Vị thủy”, “Trong rừng”...; hóa thân vào các nhân vật, như: vai bà Hà trong vở “Sám hối”, vai nữ chủ tịch xã trong vở “Những nẻo đường quê hương”...

Bà đã truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ trong làng biết hát chèo và yêu chèo nhiều hơn, góp phần giữ gìn vốn quý của dân tộc. Bà còn tham gia viết lời, biên soạn rồi tự phổ nhạc các làn điệu chèo mới cho phù hợp với ngữ cảnh tổ chức các sự kiện quan trọng của địa phương.       Bác Hàn Ngọc Hường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) chèo làng Phượng Mao cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống và để những người yêu chèo có “đất diễn”, CLB chèo làng Phượng Mao ra đời đã được 8 năm, với 20 diễn viên và nhạc công.

Hát chèo làng Phượng Mao đặc biệt quan trọng gắn liền với lễ hội Kỳ phúc của làng, diễn ra từ ngày 10 đến 13 tháng 2 âm lịch hàng năm, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Vui nhất là vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết Nguyên đán, từ chập tối, già trẻ, gái trai nô nức kéo nhau đến rất đông tập trung ở khu vực sân đình của làng để nghe hát chèo. Những câu chèo cổ xen lẫn với những làn điệu chèo mới thôi thúc lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cứ thế ngân nga hòa quện lấy người xem cho đến mãi đêm khuya... 

Anh Lê Thanh Cảnh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoằng Hóa, cho biết: Để khôi phục và phát huy vốn văn hóa phi vật thể, trong đó có bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống, phòng văn hóa – thông tin đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các nghị quyết, đồng thời hỗ trợ mỗi CLB chèo trên địa bàn huyện với mức 20 triệu đồng đối với việc khôi phục và hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi CLB để duy trì hoạt động hằng năm lấy từ nguồn ngân sách huyện và xã hội hóa.  

Hoằng Hóa hiện nay có 10 CLB hát chèo đang hoạt động và duy trì thường xuyên ở các xã: Hoằng Phượng, Hoằng Đạo, Hoằng Thái, Hoằng Hà, Hoằng Quỳ, Hoằng Minh và thị trấn Bút Sơn. Cả huyện có 3 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng, trong đó có 2 nghệ nhân hát chèo và 1 nghệ nhân ở thể loại trống hội cung đình.

Hát chèo được coi là thế mạnh của huyện, đã có nhiều giải cao trong các hội thi, hội diễn văn hóa nghệ thuật quần chúng của ngành, trong các sự kiện quan trọng và góp phần vào việc xây dựng văn hóa trong phong trào nông thôn mới của địa phương.  

Anh Nguyễn Cao Thiên, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa – thể dục – thể thao huyện, chia sẻ: Thời gian qua, trung tâm thường xuyên mở lớp tập hát chèo và sử dụng các nhạc cụ dân tộc truyền dạy các làn điệu chèo cổ cho những người có đam mê hát chèo.

Năm 2014-2015, trung tâm mở được 1 lớp với 90 học viên tham gia. Bằng cách gửi công văn xuống các địa phương để đăng ký số lượng người tham gia lớp, sau đó chia thành hai nhóm: học hát và học nhạc cụ, cuối kỳ sáp nhập lại để ghép phần nhạc và lời. Lớp học có trẻ, có già, từ 35 đến 75 tuổi có nhu cầu học hát chèo đều được tham gia lớp học.

Trung tâm đã mời các chuyên gia, nghệ sĩ am hiểu chèo, các loại nhạc cụ dân tộc ở trong và ngoài tỉnh về truyền dạy, hướng dẫn hát mẫu, cầm tay chỉ việc cho mọi người; trung tâm cũng đã mua sắm các trang thiết bị, trang phục, đạo cụ... phục vụ đầy đủ cho các buổi học.  Tuy nhiên, lớp nghệ nhân tiền bối nay đã tuổi cao, trí nhớ không còn minh mẫn, rồi sẽ mất đi, trong khi lớp hậu thế chưa kịp tiếp nối, bộ môn hát chèo sẽ có nguy cơ mai một dần.

Hơn nữa, hầu hết những người đến với chèo vẫn chưa thực sự say mê, nhiệt huyết, bởi họ đều là người dân lao động tay liềm, tay hái còn phải mưu sinh kiếm sống, do đó nhiều người chỉ đến với chèo cho vui chứ chưa coi đó là nghề. Cũng chính vì thế mà trong nhiều hội thi, hội diễn văn hóa nghệ thuật quần chúng, chèo vẫn thiếu màu sắc tươi mới vì thiếu những diễn viên trẻ, có tài năng và đam mê thực thụ.

Bên cạnh đó có một phần là do chế độ cho cán bộ văn hóa còn thấp, chưa đáp ứng đời sống để họ yên tâm gắn bó với công việc chuyên môn. Về lâu dài, cần đào tạo tìm nguồn kế cận, hỗ trợ tập huấn, mở rộng đối tượng không chỉ với người yêu chèo mà còn vận động những giảng viên dạy nhạc ở các trường tham gia đào tạo. Mời các CLB chèo tham gia và hỗ trợ một phần kinh phí khi có các sự kiện tổ chức của địa phương, để bộ môn hát chèo được duy trì thường xuyên hơn. Có như vậy, hát chèo mới có hy vọng được bảo lưu gìn giữ, phát huy. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh