THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:04

Hiệu quả từ chính sách vay vốn qua Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm

Vốn chính sách đến với cộng đồng

Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, ngày 11 tháng 4 năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới, trong đó có quy định về việc thành lập Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (nay là Quỹ quốc gia về việc làm) để cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình. 

 

Giai đoạn 2008 - 2015, hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động, Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm, Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn. Từ năm 2015 đến nay, hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và các văn bản hướng dẫn. Các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm được ban hành tương đối đầy đủ, đảm bảo tính kế thừa và có những sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và bảo toàn vốn.

Theo quy định hiện hành, Quỹ quốc gia về việc làm cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất, kinh doanh) và người lao động với lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định, thời hạn vay tối đa 60 tháng, mức vốn vay tối đa đối với dự án của cơ sở sản xuất, kinh doanh là 01 tỷ đồng/dự án, mức vốn vay tối đa đối với người lao động là 50 triệu đồng/người lao động; điều kiện vay vốn, hồ sơ vay vốn, trình tự, thủ tục vay vốn được đơn giản hóa theo hướng phân cấp cho cấp huyện đối với nguồn vốn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và phân cấp cho cấp tỉnh đối với nguồn vốn do tổ chức thực hiện chương trình quản lý và rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt (tối đa 15 ngày). Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm được phân bổ cho Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thực hiện chương trình (TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội người mù Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam) để thực hiện cho vay.

 

 

Giai đoạn 2008 - 2015, hoạt động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm nên nguồn vốn bổ sung mới cho Quỹ quốc gia về việc làm được phân bổ từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm hằng năm (bình quân ngân sách Trung ương cấp bổ sung cho Quỹ từ 250-300 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2013-2015, ngân sách Trung ương chỉ cấp bổ sung cho Quỹ 45- 50 tỷ đồng (năm 2013 là 46 tỷ đồng, năm 2014 là 50 tỷ đồng và năm 2015 là 50 tỷ đồng)). Từ năm 2016 đến nay, dự án cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm không còn nằm trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời do khó khăn về kinh tế, ngân sách Trung ương chưa bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm.

Dự án nhỏ, hiệu quả lớn

Mặc dù nguồn vốn không nhiều, nhưng hoạt động cho vay của Quỹ rất hiệu quả, góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, nguồn vốn được bảo toàn, chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng Quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội không ngừng được mở rộng.  Đặc biệt, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhiều mô hình cho vay hiệu quả từ Quỹ quốc gia về việc làm như mô hình khôi phục làng nghề truyền thống; mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; mô hình tổ tiết kiệm & vay vốn của Hội phụ nư... đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình họ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay tổng nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 4.453 tỷ đồng, doanh số cho vay hằng năm từ 2.200-2.500 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động mỗi năm, tỷ lệ nợ quá hạn thấp (khoảng 0,8% tổng dư nợ), tỷ lệ sử dụng vốn cao (hàng năm đạt trên 98% tổng nguồn vốn của Quỹ). Giai đoạn 2011 - 2015, cả nước hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm cho khoảng 530 nghìn lao động. Năm 2016 thông qua Quỹ quốc gia về việc làm hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 105.000 lao động, năm 2017 hỗ trợ tạo việc làm cho 114.186 lao động.

 

 

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cũng gặp những khó khăn, tồn tại: chất lượng việc làm tạo ra chưa cao, hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng vay là các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao; tỷ lệ tăng trưởng vốn thấp (khoảng 1,1%, đây là chương trình tín dụng có tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn vốn từ Quỹ mới chỉ đáp ứng 30-35% nhu cầu vay vốn của người dân...

 

 

Trong giai đoạn tới, để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay vốn tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm, nhất là cho lao động nông thôn, lao động yếu thế, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

- Một là, đảm bảo nguồn vốn vay của Quỹ quốc gia về việc làm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động; đồng thời có cơ chế linh hoạt cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc huy động các nguồn lực để tăng nguồn vốn vay;

- Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội trong xây dựng kế hoạch tạo việc làm và giải ngân nguồn vốn, đặc biệt thực hiện tốt việc hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong thực hiện mục tiêu hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm;

- Ba là, ưu tiên cho vay các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp; ưu tiên cho vay đối với lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thanh niên, lao động bị thu hồi đất;

- Bốn là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

 

Chương trình cho vay GQVL đã góp phần tích cực giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội, góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, đã hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, lao động là người tàn tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Như ở tỉnh Hà Nam có chương trình ‘làng có nghề’ và ban hành quy định mở rộng đối tượng được vay vốn ưu đãi sang cả hộ cận nghèo. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh