THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:01

Hội chợ việc làm thu hút nhiều thanh niên, học sinh

Người lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp tại Hội chợ việc làm.

 

Tham dự hội chợ việc làm có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý; Phó Cục trưởng Cục việc làm Tào Bằng Huy; Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Sùng Đại Hùng và lãnh đạo huyện Bắc Quang cùng các nhà tuyển dụng lao động của các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước…

Cơ hội cho người lao động tiếp cận với các thị trường lao động trong và ngoài nước

Tại  hội chợ việc làm, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm việc làm tỉnh Hà Giang cho biết, Công tác giải quyết việc làm trên địa bàn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2015 - 2017, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 16.500 lao động, trong đó có trên 5.000 lao động đi xuất khẩu hoặc làm việc ngoài tỉnh. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, toàn tỉnh vẫn còn trên 25.000 lao động chưa tìm được việc làm. Công tác giải quyết việc làm tại chỗ gặp nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Do đó, việc tổ chức Hội chợ việc làm lần thứ nhất tỉnh Hà Giang năm 2018 sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất, cơ sở đào tạo và người lao động gặp gỡ, trực tiếp tư vấn, tuyển dụng lao động. Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác giải quyết việc làm.

 

Phó Chủ tịch Trần Đức Quý cho biết, hội chợ việc làm sẽ mang đến những cơ hội việc làm hấp dẫn cho rất nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh…

 

Phát biểu tại hội chợ, Phó Chủ tịch Trần Đức Quý đánh giá cao việc tổ chức Hội chợ việc làm, là cơ hội cho người lao động tiếp cận với các thị trường lao động trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch Trần Đức Quý đề nghị cấp ủy, chính quyền phải coi công tác giải quyết việc làm là nhiệm vụ chính trị, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; các ngành cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, đơn vị được tư vấn, tuyển dụng lao động; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan làm đầu mối để phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc; các tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu việc làm đến mọi tầng lớp nhân dân và tạo cơ hội cho người dân đi làm tại các công ty, doanh nghiệp.

Khuyến khích thanh niên chủ động học nghề hướng nghiệp, tạo cơ hội việc làm


Phó Chủ tịch Trần Đức Quý và Phó Cục trưởng Cục việc làm Tào Bằng Huy trao đổi với người lao động tại hội chợ việc làm.

Phó Chủ tịch Trần Đức Quý và Phó Cục trưởng Cục việc làm Tào Bằng Huy trao đổi với người lao động tại hội chợ việc làm.


Đến dự Ngày hội việc làm của tỉnh Hà Giang, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, năm 2017, các trung tâm DVVL đã tổ chức 1.211 phiên giao dịch việc làm; số lượt lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm qua trung tâm là 2.984 nghìn lượt lao động, số lao động nhận được việc làm do trung tâm giới thiệu và cung ứng là 953 nghìn lượt người (chiếm 32% số người được tư vấn, giới thiệu việc làm). Hoạt động dịch vụ việc làm ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc kết nối cung cầu lao động, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động cũng như góp phần hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động phát triển, không riêng tỉnh Hà Giang mà còn trên phạm vi cả nước nói chung. Tuy đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng tình hình thị trường lao động và các hoạt động thúc đẩy phát triển thị trường lao động cũng còn tồn tại nhất định như: Việc làm cho thanh niên vẫn là vấn đề nổi cộm; Thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật và đáp ứng kịp thời; Hiệu quả kết nối cung - cầu lao động thấp.


Tại Hội chợ, đại diện các doanh nghiệp đã tư vấn, tuyển dụng lao động trực tiếp thông qua các tờ rơi, áp phic, hình ảnh trực tiếp cho người lao động tham gia Hội chợ việc làm tỉnh Hà Giang lần thứ nhất năm 2018

Tư vấn, tuyển dụng lao động trực tiếp thông qua các tờ rơi, áp phic, hình ảnh trực tiếp cho người lao động. 

 

Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại hội chợ không chỉ góp phần tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho người lao động tại địa phương mà còn tạo ra sự phát triển ở vùng biên giới trong tương lai. Hà Giang cần chú trọng chất lượng đào tạo, dạy nghề gắn với chương trình nông thôn mới, phục vụ xuất khẩu lao động để học viên tốt nghiệp có việc làm ngay, có thu nhập.

Do vậy, ông Tào Bằng Huy nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động, tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận thị trường của doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tổ chức thu thập và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho người lao động và người sử dụng lao động; Tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận với Trung tâm cho doanh nghiệp, người lao động, trong đó chú trọng các dịch vụ trực tuyến thông qua website của Trung tâm và của cả hệ thống; Đa dạng hóa các loại hình giao dịch việc làm để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và việc làm của người lao động; Tổ chức hỗ trợ, hướng nghiệp, đào tạo nâng cao kỹ năng làm việc, kỹ năng nghề, kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho người lao động…

MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh