Bến Tre: Nhiều đột phá từ công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động
- Bài thuốc hay
- 15:39 - 26/04/2018
Nhu cầu tuyển dụng hơn 10.000 lao động những tháng đầu năm
Ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện nay, các công ty tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.000 lao động, chủ yếu ngành nghề về may mặc, chế biến thủy sản, công nhân lắp ráp...
Tuy nhiên, nguồn lao động của tỉnh hiện nay rất ít, cụ thể, Công ty TNHH Unisoll Vina chuyên về lĩnh vực may mặc tại Khu Công nghiệp Giao Long (Bến Tre) tuyển lao động hơn 2 tháng qua để mở rộng sản xuất, nhưng đến nay số lượng công nhân nộp hồ sơ rất ít, gây khó khăn trong việc mở rộng qui mô sản xuất. Bà Huỳnh Thị Mai Liên, Phó Phòng nhân sự Công ty cho biết: Công ty cần hơn 3.000 lao động để mở rộng dây chuyền sản xuất trong đầu quí II/2018, nhưng doanh nghiệp tuyển không được nhiều lao động như mong muốn, số lượng lao động mỗi ngày nhận được chỉ vài hồ sơ.
Theo bà Liên, hiện Công ty đưa vào hoạt động hai xưởng mới mà không có lao động để tuyển, kể cả lao động phổ thông nên Công ty không tuyển được, dù đã hạ tiêu chí như: Trên 18 tuổi, biết đọc, biết viết là đủ điều kiện. Ngoài ra, Công ty đăng thông tin tuyển lao động trên nhiều kênh thông tin, tổ chức đội tuyển dụng bên ngoài tại các huyện ở Bến Tre và các tỉnh lân cận, nhưng nguồn lao động vẫn không đáp ứng được. Công ty có hơn 7.000 lao động đang làm việc, nhu cầu Công ty cần tuyển thêm hơn 8.000 lao động mới hoạt động đủ công suất, bà Liên chia sẻ.
Tư vấn việc làm cho bộ đội xuất ngũ
Thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre, đầu năm 2018, nhu cầu tuyển lao động ở các Công ty trên địa bàn là gần 6.000 lao động, trong khi nguồn cung chỉ khoảng hơn 4.000 lao động. Ngoài ra, nhu cầu lao động đầu năm 2018 tại các tỉnh lân cận Bến Tre và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 16.000 người, nên thu hút lao động Bến Tre đi nơi khác làm việc rất lớn.
Ông Nguyễn Minh Lập cho hay: Người lao động tại Bến Tre vẫn còn tâm lý đi các thành phố lớn để làm việc. Bên cạnh đó, vấn đề thu nhập, điều kiện làm việc cũng thu hút người lao động tìm đến các thị trường lao động lớn để có điều kiện làm việc tốt hơn. Ngoài ra, hiện nay nhu cầu lao động ở các tỉnh lân cận quá lớn, nên dễ thu hút người lao động đi khỏi địa bàn Bến Tre.
Theo ông Lập, về lâu dài, bên cạnh chính sách của các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động tại địa phương, doanh nghiệp cần có chiến lược tuyển dụng lao động chứ không treo bảng tuyển dụng tại Công ty như vẫn làm. Người lao động hiện có nhiều lựa chọn việc làm dựa vào các chính sách ưu đãi cho người lao động như: Thu nhập bảo đảm, phúc lợi dành cho người lao động… Bên cạnh đó, quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động phải hài hòa thân thiện để giữ chân người lao động làm việc lâu dài.
Riêng Trung tâm dịch vụ việc làm Bến Tre, quý I/2018, đã tư vấn cho 5.718 lượt lao động; giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 892 người.
Thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo cầu nối cho người lao động tiếp cận các doanh nghiệp trong tỉnh, qua đó dự kiến sẽ giới thiệu giải quyết việc làm cho hơn 18.000 lao động trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức đào tạo nghề, dạy nghề cho các lao động tại địa phương, nhằm cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
Nâng cao nguồn nhân lực
Thời gian qua, công tác XKLĐ luôn được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo. Các chủ trương, chính sách liên quan XKLĐ được tuyên truyền đến từng tổ nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, người lao động nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia thị trường lao động ngoài nước có thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Lập cho biết, hai năm 2016-2017, số lao động của tỉnh tham gia XKLĐ trúng tuyển là 1.436 người, đạt tỷ lệ 130% so với kế hoạch. Thị trường Nhật Bản chiếm đa số chọn lựa của người lao động. Hình thức tham gia của người lao động (NLĐ) chủ yếu thông qua các doanh nghiệp và NLĐ tự liên hệ với các công ty XKLĐ. Nguồn lực tài chính mà NLĐ tham gia XKLĐ gởi về nước trong hai năm khoảng trên 200 tỷ đồng, bình quân khoảng 20 triệu đồng/người/tháng.
Tư vấn xuất khẩu lao động cho người lao động
Để có đủ nguồn vốn phục vụ nhu cầu NLĐ tham gia XKLĐ, ngoài những chính sách theo quy định của Nhà nước, cần lấp đầy nguồn vốn hỗ trợ bằng cơ chế phù hợp với điều kiện của tỉnh như vốn của doanh nghiệp XKLĐ, ngoài nguồn vốn phân bổ về Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm từ nguồn ngân sách tỉnh phục vụ cho NLĐ tham gia XKLĐ; đồng thời, ngân sách địa phương cũng phân bổ thêm vốn ngân sách để góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho XKLĐ hiện nay, và nguồn quỹ tài chính của một số đơn vị hội, đoàn thể cho NLĐ vay.
Theo ông Lập nhận định, XKLĐ góp phần lớn vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, phát triển kinh tế tại địa phương… Khó khăn nhất nổi lên là về vốn. Để giải quyết vấn đề này, phía người tư vấn và NLĐ cần ưu tiên đầu tư vay vốn cho XKLĐ thay vì làm kinh tế, vì chỉ cần đầu tư 100 triệu đồng cho 3 năm có thể thu lại từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (mức bình quân của một NLĐ tham gia XKLĐ tại Nhật Bản), hiệu quả khá cao và ít rủi ro.
Để đạt mục tiêu năm 2018 đưa 800 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các ban, ngành, đoàn thể các cấp cùng phối hợp để tuyên truyền, vận động sâu rộng cho người lao động thuộc mọi đối tượng nắm bắt hiểu về chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia XKLĐ. “Cán bộ phụ trách công tác XKLĐ quan tâm tình hình thực tế để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, băn khoăn, lo lắng của người lao động, giúp họ an tâm, động viên con em mình tham gia XKLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả XKLĐ trong thời gian tới”, ông Nguyễn Minh Lập đề nghị.