Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em nam: Cần chế tài mạnh hơn
- Pháp luật
- 23:12 - 13/09/2015
Câu chuyện về cậu bé khuyết tật bị xâm hại tình dục
Gần 10 năm làm việc cho Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, công việc của anh ban đầu là giúp đỡ trẻ em đường phố, sau đó là phòng chống buôn bán người, phòng chống lạm dụng sức lao động trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em, hỗ trợ trẻ em tái hòa nhập cộng đồng và bảo vệ nạn nhân là trẻ em trong các phiên toà.
“Chúng tôi đã làm việc với rất nhiều trẻ em đường phố. Tuy nhiên, đến năm 2013 trong quá trình làm việc thì chúng tôi được nghe rất nhiều các em kể rất nhiều về việc mình bị những đối tượng ấu dâm lạm dụng tình dục đồng tính (gồm cả người Việt Nam và nước ngoài), và nhờ chúng tôi giúp đỡ. Chúng tôi đã làm việc với lực lượng công an để điều tra xác minh về sự việc mà các em kể. Năm 2014, công an đã bắt một đối tượng người nước ngoài và một gã thầy bói có hành vi quan hệ tình dục đồng tính với trẻ em nam”, luật sư Tạ Ngọc Vân chia sẻ.
Trong suốt hành trình hỗ trợ trẻ em của mình, có một trường hợp ám ảnh khiến anh không thể quên được là trường hợp về cậu bé 14 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ ở một tỉnh miền Trung, bị lạm dụng tình dục. Khi biết thông tin về vụ việc, anh đã lập tức tìm gặp cậu bé với mong muốn giúp đỡ bản thân em, một phần cũng muốn làm một điều gì đó giúp đỡ em và gia đình.
“Tôi đến bệnh viện cùng với một người bạn. Những gì tôi nhìn thấy thật sự đau lòng. Cậu bé nằm trên giường bệnh với rất nhiều chấn thương ở những bộ phận nhạy cảm. Tôi đã cố gắng giao tiếp với cậu bé, nhưng em chỉ ú ớ trong miệng và tỏ ra đau đớn. Giá như cậu là một cậu bé bình thường, chắc chắn cậu sẽ hét lên cho cả thế giới biết về những việc làm khủng khiếp mà người ta gây ra cho mình. Nếu như cậu hiểu được, thì chắc chắn cậu sẽ rất căm phẫn (có lẽ cả xấu hổ) vì bị làm nhục. Nếu cậu nhận thức được thì có lẽ những ám ảnh về những lần tra tấn, hành hạ và lạm dụng sẽ còn theo cậu dai dẳng đến suốt cuộc đời. Nhìn ánh mắt của cậu, tôi cảm thấy xót xa, tức giận và bất lực!”, luật sư Tạ Ngọc Vân nhớ lại.
Sự quan tâm của gia đình và xã hội là nhân tố quan trọng ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em. Ảnh: Chu Lương
Luật sư Vân cho biết, vì nạn nhân bị thiểu năng trí tuệ, việc chứng minh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trai lại khó khăn, nên mặc dù đối tượng đã bị trừng trị nhưng lại bằng một tội khác - Tội cố ý gây thương tích (Điều 104, Bộ luật Hình sự năm 1999).
Cần những chế tài mạnh tay
Theo luật sư Tạ Ngọc Vân, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, dưới góc độ luật pháp, luật sư Vân cho rằng, nguyên nhân sâu xa nhất là do luật pháp chưa rõ ràng. Vì luật chưa rõ ràng, nên các cơ quan thực thi pháp luật chưa hoặc rất khó xử lý các đối tượng này. Điều này dẫn đến tình trạng những đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em vẫn ngang nhiên thực hiện các hành vi của mình. Do đó, không có tính răn đe những đối tượng khác.
“Dân số Việt Nam hiện tại khoảng 91 triệu người, trong số đó 50% là nam giới. Theo định nghĩa hiện tại về tội phạm liên quan đến hành vi giao cấu, thì hơn 40 triệu người là nam giới sẽ không được bảo vệ theo quy định của pháp luật, ngay cả khi họ bị xâm hại tình dục”, luật sư Vân nói.
Luật sư Vân dẫn chứng, Bộ luật Hình sự Việt Nam có 10 tội liên quan đến định nghĩa “giao cấu”, tuy nhiên khi nạn nhân là trẻ em nam hoặc nam giới nói chung bị “ giao cấu trái ý muốn”, thì các cơ quan chức năng chỉ xử lý được một hành vi đó là “Dâm ô trẻ em” theo Điều 116- Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Bởi lý do rất đơn giản, “Giao cấu” hiện nay vẫn được hiểu theo hướng dẫn của Bản tổng kết 329/HS2 ngày 11/5/1967 của TANDTC là “sự cọ sát dương vật vào bộ phận sinh dục người phụ nữ...”. Tức là, chủ thể phạm tội hiếp dâm chỉ có thể thuộc giới tính nam và nạn nhân thuộc giới tính nữ.
“Điều này đối với thực tiễn hiện nay nên chăng cần có phạm vi rộng hơn. Bởi, thực tế trong xã hội phát triển, hiện đại hôm nay, sự xuất hiện tràn lan của “sex toys” (đồ chơi tình dục: với những công cụ, thiết bị, đồ vật được sản xuất có kết cấu giống bộ phận sinh dục nam hoặc nữ nhằm kích thích khoái cảm về tình dục), thuốc kích dục, sự quan hệ đồng giới (đồng giới nam hoặc đồng giới nữ),…. Nhưng người đồng tính xâm hại trẻ em nam thì không thể có hành vi như trên, dù hậu quả chúng để lại là vô cùng đáng sợ. Trong khi đó nếu như nữ giới hoặc trẻ em gái mà bị đối tượng dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực buộc phải giao cấu (thỏa mãn nhu cầu tình dục) trái với ý muốn thì rất có thể đối tượng sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất, có thể đến mức chung thân hoặc tử hình (khoản 4 Điều 112 tội hiếp dâm trẻ em; khoản 3 Điều 114 tội cưỡng dâm trẻ em - Bộ luật Hình sự).
Do đó, chúng ta phải cùng lên tiếng và hành động ngay để sửa khái niệm “giao cấu”, đồng thời bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ đầy đủ được cho 50% dân số là trẻ em nam và nam giới nói chung trước nạn xâm hại tình dục”, luật sư Vân đề xuất.
Trong những năm gần đây ở Việt Nam, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục.
Theo luật sư Tạ Ngọc Vân, các nạn nhân bị xâm hại ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật, còn phải đối mặt với rất nhiều trạng thái tâm lý nguy hiểm, phát triển lệch lạc. Ví dụ, đối với những trẻ em nam bị xâm hại, các em chán nản rồi lâm vào đường dùng ma túy, các em nghĩ rằng mình không giá trị và là đồ bỏ đi...và có nhiều em từng là nạn nhân đã trở thành đối tượng môi giới các em khác cho những gã đồng giới. Vì vậy, bên cạnh việc sửa Luật, gia đình và xã hội cũng phải chung tay bảo vệ các em khỏi vấn nạn này.
Đối với các bậc cha mẹ, cần tăng cường mối quan hệ giao tiếp với con cái; cần phải biết/tìm hiểu về các mối quan hệ xung quanh con. Hạn chế người lạ tiếp xúc với trẻ, và các địa điểm để trẻ có thể ở một mình với người lớn.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường đối thoại công khai về bảo vệ trẻ em trên các phương tiện thông tin truyền thông, trong trường học và các nơi khác tại cộng đồng. Cần tuyên truyền để xã hội hiểu được, không chỉ có trẻ em gái mới là nạn nhân của xâm hại tình dục mà còn cả trẻ em nam. Đặc biệt cần phải hành động ngay lập tức khi nhận được thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, hoặc đã bị xâm hại. Có như vậy thì trẻ em mới được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn.