THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:37

Định hướng phát triển thị trường lao động từ năm 2008 đến nay

 

 

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục việc làm phát biểu tại hội nghị Công tác tuyển sinh năm 2018: “Tạo việc làm phải là phần gốc trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp”.

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại hội nghị Công tác tuyển sinh năm 2018: “Tạo việc làm phải là phần gốc trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp”.

 

Số lao động có việc làm tăng lên hàng năm

Tính đến quý IV/2017, thỉ lệ tham gia TTLĐ là 76,9%, có thể nói thị trường lao động (TTLĐ) Việt Nam chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động (LLLĐ) cả nước tăng từ 48,34 lên 55,16 triệu người (tăng 6,82 triệu người). LLLĐ Việt Nam mặc dù vẫn tập trung phần lớn ở nông thôn, nhưng 10 năm qua, xu hướng chuyển dịch LĐ lớn từ nông thôn ra thành thị (mỗi năm từ 5 - 6%). LLLĐ nam hiện đạt trên 28,3 triệu người, chiếm 51,95%; LLLĐ nữ gần 26,2% triệu người, chiếm 48,05% - cơ cấu này không khác biệt nhiều so với năm 2008.

Trong đó, tỷ lệ LĐ qua đào tạo tăng trưởng khá cao trong 10 năm qua, từ 37% năm 2008 lên 56,1% năm 2017. Tỷ lệ LĐ có bằng, cấp chứng chỉ ở Việt Nam dù đã gia tăng đáng kể từ năm 2008 nhưng vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm 23,6% vào quý 2/2017. Đặc biệt, trong số LLLĐ có bằng cấp, chứng chỉ thì từ cao đẳng và đại học trở lên chiếm hơn một nửa, trung cấp chỉ chiếm 5,42% và có chứng chỉ nghề ngắn hạn 5,6% tổng LLLĐ Việt Nam. Số LĐ có việc làm tăng hàng năm. Hiện số LĐ có việc làm là 53,403 triệu người, trong đó nam là 27,675 triệu người (chiếm 51,82%), nữ là 25,729 triệu người (chiếm 48,18%). So với năm 2008, số người có việc làm đã tăng thêm 6,153 triệu người, gần bằng số tăng LLLĐ trong cùng giai đoạn, phản ánh nỗ lực giải quyết việc làm ở Việt Nam thời gian qua.

Từ năm 2008 đến nay, mặc dù số lượng LĐ có việc làm liên tục tăng nhưng chất lượng việc làm vẫn là những hạn chế của TTLĐ Việt Nam với 18,902 triệu LĐ làm việc phi chính thức còn lớn. Trong khu vực kinh tế chính thức, 6,728 triệu người làm việc phi chính thức, chiếm 35,6% tổng số LĐ làm việc phi chính thức (LĐ làm việc không có hợp đồng LĐ bằng văn bản). Tuy nhiên trong 10 năm qua, xu hướng việc làm có nhiều chuyển biến rõ rệt, số LĐ làm công hưởng lương tăng từ 23% lên 43,44%, LĐ tự làm và LĐ gia đình giai đoạn 2012 - 2024 có tăng, nhưng đến nay đã giảm còn 29,42 triệu người. Chuyển dịch cơ cấu LĐ việc làm đã diễn ra trong 10 năm qua (LĐ làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản giảm từ 47,7% xuống còn 39,75%); đặc biệt từ năm 2014, số LĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bắt đầu giảm nhanh từ 24,409 triệu giảm còn 21,596 triệu người, tăng số LĐ trong khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ (tỷ trọng LĐ khu vực công nghiệp – xây dựng tăng từ 21,2% lên 25,6%; khu vực dịch vụ tăng từ 31,4% lên 34%). Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp theo hướng ngày một tiến bộ hơn, nhất là 3 năm trở lại đây, tỷ trọng LĐ giản đơn đã giảm nhanh từ 40,8% còn 37,5%, tỷ trọng LĐ của các nhóm nghề nghiệp đòi hỏi LĐ phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật đều có xu hướng tăng, nhất là tỷ trọng thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị (tăng 2,3% so với năm 2012) và tỷ trọng LĐ có chuyên môn kỹ thuật bậc cao (tăng 1,6% so với năm 2012). Là một nền kinh tế đang phát triển, số đông LĐ còn làm việc trong khu vực nông, lâm và thủy sản, phụ thuộc vào tính chất mùa vụ và điều kiện tự nhiên nên số giờ làm việc bình quân tuần của LĐ Việt Nam không quá cao, hiện là 44,8 giờ/tuần. Do tính chất mùa vụ ở khu vực nông thôn nên LĐ nông thôn có số giờ làm việc bình quân thấp hơn so với LĐ thành thị, 43 giờ/tuần so với 47 giờ/tuần.

 

Thực hành nghề điện tử công nghiệp tại Trường cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.

Thực hành nghề điện tử công nghiệp tại Trường cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.

 

Trong 10 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam rất thấp và ổn định, chỉ tăng nhẹ từ 1,96% (năm 2012) lên 2,26 (năm 2017), tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở năm 2015 cũng chỉ là 2,33%. Tỷ lệ thất nghiệp thấp chủ yếu là do nền kinh tế Việt Nam còn lạc hậu, khu vực kinh tế phi chính thức lớn, năng suất LĐ thấp... nên mọi người dễ dàng kiếm được việc (nhiều việc làm với thu nhập thấp và không ổn định). Cùng với tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm ở Việt Nam rất thấp và có xu hướng giảm, từ 2,74% (năm 2012) xuống còn 1,62% (năm 2017). Tỷ lệ LĐ thiếu việc làm ở thành thị luôn thấp hơn so với ở nông thôn, chủ yếu là do số đông LĐ làm việc ở nông thôn làm nghề nông, phụ thuộc nhiều vào yếu tố mùa vụ.

Mặc dù TTLĐ đã có chuyển biến nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế, trong khi cung LĐ lớn song có không ít doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng LĐ, không chỉ LĐ qua đào tạo mà còn khó khăn trong tuyển dụng LĐ phổ thông; chuyển dịch cơ cấu LĐ chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. LĐ chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, phi chính thức, năng suất thấp. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và các ngành thâm dụng LĐ; chất lượng việc làm thấp, LĐ tự làm việc, LĐ gia đình không hưởng lương và LĐ làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh không chính thức vẫn là 3 nhóm LĐ chủ đạo của nền kinh tế; thất nghiệp gia tăng mạnh ở những người có trình độ cao (từ đại học trở lên).

Nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại của TTLĐ

Theo Cục Việc làm, để khắc phục những tồn tại của TTLĐ hiện tại, thời gian tới cần tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tiếp tục cải cách các quy định về TTLĐ và nâng cao hiệu quả TTLĐ, bảo đảm tính thống nhất và linh hoạt của TTLĐ, tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng LĐ; nâng cao chất lượng LĐ được đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm; rà soát, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất LĐ, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nhu cầu sống tối thiểu của người LĐ; rà soát, đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người LĐ, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng LĐ phù hợp.

Bên cạnh đó tổ chức triển khai hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của TTLĐ trong nước, khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển về quy mô và cơ cấu nghề đào tạo cho các ngành kinh tế quốc dân. Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển KT-XH cụ thể của từng địa phương, từng vùng, miền; cải thiện môi trường cạnh tranh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; cải thiện khu vực phi chính thức, thúc đẩy sự hội nhập của khu vực này vào chuỗi giá trị gia tăng quốc gia.

Đặc biệt mở rộng các thị trường tiếp nhận LĐ có trình độ cao, phấn đấu đưa từ 5.000 đến 6.000 LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa liên bang Đức. Tiến hành trao đổi, đàm phán để tăng cường ký kết các thỏa thuận hợp tác LĐ với: Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Đức, Australia, New Zealand. Thúc đẩy quá trình tự do lựa chọn việc làm và dịch chuyển LĐ đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng của TTLĐ (hướng nghiệp, dịch vụ việc làm, thông tin và dự báo TTLĐ) và tổ chức cung cấp các dịch vụ công về việc làm hiệu quả.

Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác dự báo, các giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin TTLĐ. Duy trì, phát triển hệ thống dịch vụ việc làm: Tổ chức các giao dịch của TTLĐ thường xuyên, công khai, minh bạch, lành mạnh; quy hoạch, phát triển các cơ sở giới thiệu việc làm (công lập, ngoài công lập) theo hướng mở rộng mạng lưới dịch vụ đến cấp quận, huyện và khu công nghiệp, trong đó khuyến khích phát triển mạnh dịch vụ việc làm tư nhân để mở rộng phạm vi phục vụ; tiếp tục mở rộng các kênh giao dịch về TTLĐ (thông tin, quảng cáo, trang tìm việc, ngày hội việc làm...).

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh