Nghề Lắp đặt điện - Nhu cầu thị trường lao động đang rất cần
- Giáo dục nghề nghiệp
- 20:36 - 23/03/2018
Hướng dẫn sinh viên thực hành nghề lắp đặt điện
Thầy Nguyễn Quang Huy, Chuyên gia trưởng nghề lắp đặt điện kỳ thi tay nghề thành phố Hà Nội năm 2018, cho biết: nghề lắp đặt điện có nội dung thi gồm 3 modun: Lắp đặt; Đấu nối và Lập trình, thời gian thi là 7 giờ. Điểm mới của kỳ thi năm nay là có phần lắp đặt thiết bị điều khiển nhà thông minh. Phần thi này giúp các em có thêm kỹ năng để tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới, đặc biệt là khi các trường nghề đang triển khai đào tạo theo xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với thế giới và ASEAN, SmartHome là tiêu chuẩn của nghề điện dân dụng, thi lắp đặt điện là phải thi Smarthome. Trước kia nghề điện khá phổ biến, nhiều trường đào tạo, nhưng điện thông minh thì vẫn còn khá mới mẻ và mới chỉ đưa vào một số chung cư cao cấp như Tân Hoàng Minh, Vincom... Các căn hộ đều đưa tiêu chuẩn nhà thông minh vào nột thất. “Trong tương lai gần, khi các nhà thầu đưa tiêu chuẩn nhà thông minh vào sản phẩm của họ, thì thị trường sẽ bùng nổ mạnh mẽ, và thu hút nguồn nhân lực lớn trong lĩnh vực này. Như vậy cơ hội nghề nghiệp của các em học sinh sẽ tốt hơn, không chỉ với lắp đặt điện đơn thuần mà học viên có trình độ về lập trình hệ thống điện sẽ có tính cạnh tranh cao hơn”, thầy Huy khẳng định.
Thep bà Phạm Quỳnh Diệp, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Hawee, trong quá trình triển khai các dự án, tập đoàn phát hiện vấn đề quan trọng: đối với các dự án 5 sao, công nhân của các nhà thầu phụ thường không đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật, điều này đặt ra yêu cầu phải đào tạo công nhân kỹ thuật cao. Vì vậy, hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính là phương án khả thi nhất, khi các kỹ thuật viên tại nhà trường đã được đào tạo bài bản... Theo chương trình hợp tác đào tạo, Hawee tuyển các kỹ thuật viên tại nhà trường để đào tạo thêm các kỹ năng nghề nghiệp thực tế mà doanh nghiệp đang cần. Chương trình này có thời gian đào tạo từ 3 - 6 tháng, để các kỹ thuật viên quen với các công việc thực tế và làm việc luôn tại các dự án ngay sau tốt nghiệp. Đối tượng của khóa đào tạo này bao gồm: Các tổ trưởng thi công; Kỹ thuật viên cơ điện chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật viên đã có kinh nghiệm. Về thu nhập, đối với các kỹ thuật viên mới tốt nghiệp, mức lương khởi điểm là từ 7 - 9 triệu đồng/tháng, cuối năm sau khi quyết toán lại các phần việc đã làm, phần dôi ra của sản lượng kỹ thuật viên sẽ được lĩnh tiếp các khoản này. Các kỹ thuật viên có trình độ cao hơn, có mức lương tăng dần lên tới 20 triệu đồng/tháng.
Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội cho biết: Đây là khóa đào tạo hợp tác đầu tiên về kỹ thuật viên ngành cơ điện với tập đoàn Hawee. Qua trao đổi, nhà trường nhận thấy đây là một hoạt động rất phù hợp với chủ trương của ngành giáo dục nghề nghiệp, và cũng trùng khớp với hướng đi của nhà trường “gắn dạy nghề với doanh nghiệp”.
Là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực thi công cơ điện, Hawee có tốc độ tăng trưởng nhân sự khá mạnh từ 1.700 công nhân vào năm 2017, đặc biệt nhu cầu về nhân lực đặt điện là rất lớn. Dự kiến con số này sẽ lên tới 2.700 công nhân vào năm 2018. Riêng việc phối hợp với trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Hawee đặt mục tiêu đào tạo 500 công nhân vào năm 2018; năm tiếp theo sẽ là 1.000 công nhân. Việc chủ động đào tạo ra những công nhân lành nghề, đang là chiến lược của Hawee nói riêng và rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ điện nói chung. Đây còn được xem là cơ hội cho rất nhiều lao động trẻ, học nghề và lập nghiệp trong lĩnh vực cơ điện.