THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:24

Chủ tịch xã được phép ra quyết định cách ly trẻ em bị xâm hại

 

Bộ LĐ-TB&XH vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em 2016. Về Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (gọi chung là trẻ em bị xâm hại) Dự thảo quy định:

Sau khi việc đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em bị xâm hại, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã cần thực hiện việc thu thập, đánh giá cụ thể các thông tin, bao gồm: Tình trạng thể chất, tâm lý, tình cảm; nhu cầu chăm sóc y tế, chữa trị các tổn hại về thể chất và tinh thần của trẻ em; hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ của trẻ em và năng lực bảo vệ trẻ em của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình; mối quan hệ của trẻ em với đối tượng xâm hại, các yếu tố làm trẻ em có thể bị hoặc tiếp tục bị xâm hại; điều kiện, khả năng học tập và khả năng tự bảo vệ của trẻ em; mức độ an toàn và khả năng hỗ trợ của cộng đồng dân cư nơi trẻ em sinh sống.

Trẻ em bị bạo hành


Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND xã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các cá nhân, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em; đại diện địa bàn dân cư nơi trẻ em cư trú, sinh sống hoặc xảy ra vụ việc; cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em để xác định nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp cho trẻ em nhu cầu hỗ trợ trị liệu tâm lý, chăm sóc y tế, giám định mức độ tổn hại, nhu cầu trợ giúp pháp lý, nhu cầu thiết lập môi trường an toàn cho trẻ em, hỗ trợ trẻ em phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND cấp xã kịp thời điều chỉnh kế hoạch phù hợp với diễn biến của cá nhân trẻ em và môi trường an toàn của trẻ em; kết nối dịch vụ, hoạt động trên địa bàn xã hoặc yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em các cấp, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài địa bàn; vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia hỗ trợ.

Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, cơ quan công an, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp xã, huyện, tỉnh có trách nhiệm tham gia thực hiện, hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có trách nhiệm giới thiệu, kết nối các dịch vụ đặc biệt hoặc các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cần thiết nhưng không có ở địa bàn cấp tỉnh khi có yêu cầu của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

Trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp thì trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã là phải thông báo, kết nối với công an xã hoặc cảnh sát 113 triển khai việc ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em xảy ra trên địa bàn hoặc khi nhận được thông tin; Tiếp tục thực hiện quy trình đánh giá mức độ tổn hại của trẻ em và an toàn môi trường sống, xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trình Chủ tịch UBND xã; Tiếp nhận hoặc trao đổi thông tin với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để được hướng dẫn, hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp và xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Chủ tịch xã được phép các ly trẻ bị xâm hại


Cũng trong trường hợp này, công an cấp xã có trách nhiệm phối hợp với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã triển khai việc ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em xảy ra trên địa bàn; Tiếp nhận hoặc trao đổi thông tin với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cảnh sát 113 để được hướng dẫn, hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp các trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp, đảm bảo sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Ngoài ra, cảnh sát 113 có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu, trao đổi thông tin với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và công an cấp xã để thực hiện việc can thiệp khẩn cấp các trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp, đảm bảo sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Trường hợp cấp thiết hơn nữa thì phải cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế. Việc cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp thay thế được thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc không có năng lực hành vi bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Chủ tịch UBND xã nơi trẻ cư trú hoặc nơi có trẻ em bị xâm hại có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp thay thế theo quy định của pháp luật trong vòng 12 giờ và có giá trị thi hành tối đa 3 tháng hoặc hủy bỏ quyết định theo đề nghị của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã hoặc Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; Trong trường hợp cần thiết kéo dài thời gian cách ly và chăm sóc thay thế, Chủ tịch UBND xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; Quyết định cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và của Tòa án nhân dân cấp huyện có giá trị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. 

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh