Tiếp nhận và bảo vệ trẻ em từ các nguồn tin trên mạng xã hội
- Dược liệu
- 15:02 - 23/12/2016
Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ trẻ em
Đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Chương II Dự thảo quy định, các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dẫn đến tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần, bị bóc lột, phải sống trong vùng thiên tai, thảm họa chưa xác định được cha mẹ,... thì được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Các trường hợp khác được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí đi lại tại các cơ sở y tế công lập.
Nhiều chính sách cần thiết đảm bảo cho sự phát triển của trẻ em được xây dựng trong Dự thảo
Bên cạnh đó, Nhà nước đóng toàn bộ hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với các trường hợp gồm: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, không nơi nương tựa, bị khuyết tật nặng, bị nhiễm HIV/AIDS, mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo và cận nghèo; Trẻ em bỏ học kiếm sống, bị mua bán, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Nhằm đảm bảo cho trẻ em có cuộc sống ổn định, đầy đủ cả về vật chất và không thiếu thốn về tinh thần, Dự thảo cũng quy định cụ thể các chính sách trợ cấp xã hội. Theo đó, trẻ em bị xâm hại tình dục, bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tinh thần do bị bạo lực, bị bóc lột sống trong hộ gia đình nghèo, bị mua bán, di cư, lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ và người chăm sóc thay thế, bị bỏ rơi, mồ côi cả cha và mẹ, bị khuyết tật, bị nhiễm HIV/AIDS,.... tùy vào tính chất, mức độ trẻ em được trợ cấp chi phí ăn, ở, sinh hoạt, bằng tiền mặt, bằng các phương pháp trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý, chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
Tiếp nhận tin tố giác qua tổng đài và không bỏ lọt nguồn tin trên mạng
Trong công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Dự thảo cũng đưa ra lấy ý kiến về việc mở Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Mục đích là để tiếp nhận, khai thác thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em qua điện thoại, đơn, thư, phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng. Liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để xác minh thông tin, thông báo, tố giác.
Những trẻ em là nạn nhân của bạo lực, HIV cũng được quan tâm bảo vệ như trẻ em bình thường
Đồng thời Tổng đài còn hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; Theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ em trực tiếp hoặc qua điện thoại và các kênh thông tin, truyền thông khác; Cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em và hỗ trợ nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu…
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đặt tại Hà Nội, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động, được sử dụng số điện thoại ngắn 3 số và không thu phí viễn thông của người gọi cung cấp thông tin, thông báo, tố giác, được tiếp nhận viện trợ, hỗ trợ tài chính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được quy định rất rõ tại Chương IV. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông, thông tin, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng, các tổ chứ, cha, mẹ, giáo viên có trách nhiệm truyền nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng về lợi ích cũng như tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em, đặc biệt là việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng thiết lập các cơ chế trực tuyến để tiếp nhận thông tin từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em, qua đó sàn lọc, đánh gía và phân loại theo mức độ, đưa ra danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em và đảm bảo phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.
Bên cạnh đó, cơ quan phòng, chống tội phạm công nghệ cao xây dựng hệ thống tiếp nhận khai báo trực tuyến các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, gồm: lăng nhục, lừa đảo, lấy trộm thông tin, xâm hại tình dục, khiêu dâm trẻ em, mua bán trẻ em; kết nối và xử lý thông tin theo quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại; xây dựng cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ thông tin về nạn nhân và tội phạm xâm hại trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Ngoài ra, Dự thảo còn quy định chi tiết về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Dự thảo tiếp tục lấy ý kiến đến hết ngày 20/2/2017.