THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:39

Bác sĩ ơi, con tôi “chậm thường” hay “chậm bệnh”?

"Lo xa" không thừa

Không chỉ là với đứa con đầu tiên, mà ngay cả khi đã sinh em bé thứ 2, thậm chí thứ 3, vẫn rất nhiều bậc cha mẹ băn khoăn về sự phát triển của con mình. Nếu bạn không phải là một nhà chuyên môn, kinh nghiệm nuôi dạy con dường như chưa bao giờ là đủ. Ngoài những thông số đo đếm hoặc có dấu mốc phổ biến để theo dõi như chiều cao, cân nặng, thời điểm mọc răng, biết đi, biết nói… thì còn biết bao nhiêu vấn đề khác như mức độ nhận thức, khả năng tương tác với người khác, khả năng giải quyết vấn đề theo độ tuổi, hoặc các dấu hiệu khác lạ về phát triển, hành vi.

Bên cạnh đó, một vài trẻ tự kỷ có các mối quan tâm đặc biệt đến số hoặc chữ, và có năng lực trí nhớ bằng hình ảnh cao nên có thể biết đọc, biết tính toán từ khi rất nhỏ. Điều này làm các gia đình nghĩ rằng con phát triển vượt bậc mà bỏ qua những khó khăn khác của trẻ trong việc chơi, kết bạn với những trẻ khác, kiểm soát về cảm xúc hay hành vi, học các kỹ năng để chăm sóc bản thân.

Bác sĩ ơi, con tôi “chậm thường” hay “chậm bệnh”? - Ảnh 1.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) (2), "1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của một đứa trẻ rất quan trọng đối với sự phát triển về mặt xã hội, cảm xúc, nhận thức và thể chất của các em".

Chính vì thế, việc cha mẹ tiếp cận và sử dụng các công cụ theo dõi sự phát triển toàn diện của trẻ từ sớm quan trọng hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Quan tâm sớm tới sự phát triển toàn diện của trẻ không chỉ thể hiện sự trách nhiệm của cha mẹ đối với thế hệ tương lai mà còn góp phần giảm thiểu gánh nặng cho gia đình (nếu phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm ở trẻ) cũng như giúp quá trình phát triển toàn diện sau này của các bé thuận lợi hơn.

Ngày càng có nhiều cha mẹ nhận thức được tầm quan trọng của theo dõi và sàng lọc trẻ từ sớm. Hình ảnh từ tập huấn tại Hà Nội giúp cha mẹ hiểu về chứng tăng động, kém chú ý ở trẻ và các rối loạn khác thu hút sự tham gia của rất đông phụ huynh.

Nắm bắt "giai đoạn vàng" cho tương lai con trẻ

Thực tế cho thấy, có một lằn ranh vô hình trong nhận thức của những người làm cha mẹ, khi đứng ở bên này là "để trẻ phát triển tự nhiên" và bên kia là "áp dụng kiến thức khoa học" vào việc nuôi dạy con. Vì nhiều lý do, rất nhiều người đã bỏ qua hoặc chỉ sử dụng một cách nửa vời những bộ công cụ giúp theo dõi sự toàn diện của trẻ.

Tại sao gọi là "nửa vời"? Đó là khi cha mẹ chỉ quan tâm đến những chỉ số phát triển thể chất, như đo cân nặng, chiều cao theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới WHO, mà vô tình hoặc xem nhẹ các tiêu chí khác quan trọng không kém về phát triển vận động, nhận thức và trí tuệ của trẻ.

Trong khi đó, theo các chuyên gia của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), nếu không sớm phát hiện tình trạng chậm phát triển hoặc rối loạn phát triển về hành vi, không có những bước can thiệp cần thiết và kịp thời, trẻ sẽ gặp khó khăn khi đến trường, khó hòa nhập xã hội và sống độc lập về sau.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu quốc gia về tự kỷ, nhưng theo nghiên cứu dịch tễ học do Đại học Y tế công cộng thực hiện năm 2019, cứ 1.000 trẻ thì có khoảng 7-8 trẻ có rối loạn phổ tự kỷ (tỷ lệ 0,75%). Nhưng, việc phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ rất hạn chế, nhiều phụ huynh chỉ phát hiện sự bất thường ở trẻ giai đoạn sau 3 tuổi, hoặc nhờ có giáo viên mầm non nhắc nhở thì mới để ý quan sát và đưa bé đi tư vấn chuyên gia.

Bác sĩ ơi, con tôi “chậm thường” hay “chậm bệnh”? - Ảnh 2.

Trẻ Tự kỷ hay rối loạn phát triển nếu được phát hiện sớm và có sự đồng hành của cha mẹ cùng cộng đồng xã hội sẽ giúp cuộc sống và sự phát triển của trẻ bớt khó khăn hơn.

Để giảm thiểu những nỗi ân hận muộn màng ấy của những bậc phụ huynh, có lẽ hơn lúc nào hết, cần truyền thông rộng rãi về các công cụ theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ. Đơn cử, A365 là dự án chăm sóc thông minh cho trẻ đã được tổ chức Grand Challenges Canada và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ để xây dựng và phát triển website https://a365.vn/ giúp mọi bố mẹ chăm sóc con một cách dễ dàng. Tại đây, A365 không chỉ cung cấp miễn phí cho cộng đồng các công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ, mà còn đồng hành và hỗ trợ cha mẹ/người chăm sóc trẻ trong việc can thiệp tại nhà cho các trẻ tự kỷ và có rối loạn phát triển.

Hãy "đầu tư 15 phút" cho tương lai của trẻ

Là một dự án không chỉ giàu ý nghĩa nhân văn mà còn vô cùng thiết thực với cộng đồng, A365 có một hệ thống kiến thức tập trung và mang tính chuyên môn cao về hội chứng tự kỷ ở trẻ cũng như các biện pháp can thiệp sớm.

Theo đó, A365 định nghĩa, việc "theo dõi phát triển" là quan sát trẻ lớn và thay đổi theo thời gian, từ đó xác định trẻ có đạt các mốc phát triển thông thường hay không. Tiến đến mức cao hơn, "Sàng lọc phát triển" là việc đánh giá cẩn thận hơn việc phát triển của trẻ, để xác định liệu trẻ có nguy cơ có rối loạn phát triển đặc thù nào đó không.

Từ máy tính cá nhân hay điện thoại di động, các bậc cha mẹ có thể truy cập website a365.vn để sử dụng Ứng dụng A365 – Chăm sóc thông minh cho trẻ, với các bước cụ thể nhằm theo dõi phát triển và tìm hiểu các chiến lược can thiệp phù hợp. Tại đây, có bộ câu hỏi ASQ-3 về sự phát triển của trẻ từ 1 – 66 tháng tuổi và Bảng hỏi sàng lọc nguy cơ tự kỷ M-CHAT.

Trong đó, ASQ – 3 do các chuyên gia Đại học Oregon (Mỹ) xây dựng và hoàn thiện, giúp theo dõi sự phát triển của trẻ ở 5 lĩnh vực: giao tiếp, vận động thô, vận động tinh, cá nhân xã hội, và giải quyết vấn đề, từ đó phát hiện các điểm mạnh cũng như các lĩnh vực mà trẻ cần hỗ trợ. Chỉ với 10 – 15 phút trả lời câu hỏi, cha mẹ và nhà chuyên môn có thể sử dụng bộ ASQ-3 phiên bản tiếng Việt (có bản quyền) để làm căn cứ sàng lọc và theo dõi sự phát triển cho trẻ. Được biết, tháng 2 năm 2020 , Bệnh viện Nhi Trung ương đã có ý kiến thẩm định bộ công cụ ASQ-3, M-CHAT-R và MCHATR/F trên website a365.vn.

Tiếp đó, Bảng hỏi sàng lọc tự kỷ M-CHAT-R (giúp sàng lọc trẻ tự kỷ từ 16 – 30 tháng), được thiết kế để phát hiện tối đa các trường hợp "có nguy cơ", từ đó cha mẹ và người giám hộ có thể chuyển gửi đánh giá chuyên sâu nhằm xác định có rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ hay không. M-CHAT-R được giới thiệu bởi nhiều tổ chức có uy tín như Tổ chức Tự kỷ lên tiếng, Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ và sử dụng rộng rãi trên thế giới. Cũng cần lưu ý thêm, do mục đích cơ bản của M-CHAT là phát hiện tối đa các trường hợp có nguy cơ bị rối loạn phổ tự kỷ, nên tỷ lệ dương tính giả rất cao. Kết quả của M-CHAT mang ý nghĩa tham khảo, giúp cha mẹ và người chăm sóc có hành động kịp thời là đưa con đi đánh giá chuyên sâu. Đây sẽ là nền tảng bước đầu để các bậc phụ huynh nâng cao ý thức về sự phát triển toàn diện của trẻ, cũng như những nguy cơ tiềm ẩn cần được xác định và can thiệp sớm.

Bác sĩ ơi, con tôi “chậm thường” hay “chậm bệnh”? - Ảnh 4.

Theo UNICEF, việc đầu tư cho trẻ em được coi là "khoản đầu tư quan trọng vì sự thịnh vượng lâu dài của một quốc gia" (3), nên trong số tất cả những gì tốt đẹp nhất dành cho trẻ em, các bậc cha mẹ đừng bỏ qua 15 phút trả lời bảng hỏi quan trọng này nhé!.

Ứng dụng M-Chat trên A365.vn rất hữu ích để cha mẹ theo dõi sự phát triển của con trong những năm đầu đời.

Nguồn:(2)và(3)https://www.unicef.org/vietnam/vi/ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-tr%E1%BA%BB-th%C6%A1-to%C3%A0n-di%E1%BB%87n

(Hình ảnh sử dụng trong bài đã được sự cho phép của gia đình trẻ)

H.H

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh