Ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách, đề án trợ giúp người khuyết tật
- Dược liệu
- 05:41 - 14/07/2018
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật đã dự và chỉ đạo Hội nghị.
Triển khai các trợ giúp tương đối đồng bộ cho NKT
Ngày 13/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam.
Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã – Văn phòng Chính phủ… Tham dự Hội nghị còn có đại diện các cơ quan hữu quan, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia cùng các đồng chí đại diện cho các thành viên trực thuộc UBQG về NKT.
Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam - Cục trưởng Cục Bảo trợ (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay Chính phủ và các Bộ liên quan đã ban hành 10 văn bản (02 nghị định, 04 thông tư, 04 quyết định) nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với NKT trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giao thông, y tế.
‘‘Do đó, tiếp tục tạo môi trường tương đối đồng bộ, đầy đủ, hoàn thiện cho việc triển khai các trợ giúp cho NKT’’, ông Hồi khẳng định.
Cũng theo báo cáo 6 tháng đầu năm, công tác tuyên truyền về các chính sách, đề án, chương trình trợ giúp NKT cũng được các Bộ, ngành, địa phương triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức về quyền của NKT và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác về NKT.
Với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống, cải thiện sinh hoạt cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT, năm 2018, ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.388 tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng) và 299 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT.
Đại diện các Bộ, ngành phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Cũng theo ông Hồi, hiện cả nước có gần 900 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng, 70 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Các hoạt động chăm sóc y tế, giáo dục cho NKT cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Về hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho NKT được thực hiện chủ yếu bằng các hình thức cấp thẻ BHYT, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và hỗ trợ dụng cụ trợ giúp.
Hiện, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện Dự án “Chăm sóc sức khỏe và Phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hoá học/dioxin” giai đoạn 2018 – 2021 triển khai tại 10 tỉnh/thành phố với tổng số 72,3 tỷ đồng tập trung vào phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT vận động.
6 tháng đầu năm, trên 6.000 NKT được hỗ trợ học nghề
Trong 6 tháng đầu năm 2018, các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào việc phê duyệt kế hoạch, phê duyệt nguồn lực thực hiện nên việc tổ chức đào tạo sẽ được tập trung triển khai từ quý III trở đi. Do đó, kết quả 6 tháng đầu năm, cả nước có trên 6.000 NKT được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956. Cùng với đó, các tổ chức Hội của NKT tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả hoạt động dạy nghề và cho vay vốn giải quyết việc làm đối với NKT.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trong lĩnh vực tiếp cận giao thông, công trình công cộng, các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé với mức miễn giảm từ 25% - 100% cho NKT khi tham gia giao thông công cộng; lĩnh vực hàng không giảm 15% giá vé cho NKT, các hãng hàng không đều chấp nhận vận chuyển khách với các dịch vụ đặc biệt không thu phí…
‘‘Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã đảm bảo việc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp NKT tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống xã hội thuận lợi; Nhà nước luôn quan tâm ban hành và điều chỉnh nhiều chính sách phù hợp với thực tế, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT’’, ông Hồi nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các Bộ ngành đồng thuận, đánh giá cao kết quả 6 tháng đầu năm của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, cho rằng việc tạo điều kiện cho NKT là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội.
Hội nghị đã được nghe các ý kiến đóng góp rất thẳng thắn, thiết thực và cụ thể của các đại biểu đại diện cho các cơ quan thành viên của UBQG về NKT. Các đại biểu đều đánh giá cao kết quả 6 tháng đầu năm của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, cho rằng việc tạo điều kiện cho người khuyết tật là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội.
Các đại biểu cũng đề xuất những kiến nghị mong muốn mọi người hiểu thấu đáo với cả tấm lòng về những nhu cầu của người khuyết tật để giúp cho người khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá các địa phương đều thực hiện tốt chính sách trợ giúp NKT.
Về hoạt động của các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật, các đại biểu mong muốn Nhà nước có thể chế và những hỗ trợ cần thiết đối với các tổ chức hoạt động hiệu quả để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ người khuyết tật…
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá, nhìn chung, các địa phương đều thực hiện tốt chính sách trợ giúp NKT như trợ giúp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho học sinh khuyết tật… Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao từng bước được cải thiện.
Thứ trưởng đề nghị, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT; Luật NKT và Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020; Phân tích và xây dựng báo cáo và công bố kết quả Điều tra quốc gia NKT năm 2016; Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện dự án “Thức đẩy quyền của NKT Việt Nam” do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ tại 6 tỉnh.
Cùng với đó, triển khai tuyên truyền về PHNC cho NKT tại cộng đồng, phòng ngừa và phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, tăng cường tham gia bảo hiểm y tế của NKT, trong đó tập trung triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày NKT 3/12; Tổ chức đoàn thể thao NKT Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế dành cho NKT; Tập trung duy trì mối quan hệ hợp tác về NKT với các đối tác song phương, đa phương trong khu vực và thế giới…