THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:48

Trợ giúp người khuyết tật là công việc đầy tính nhân văn

Tặng quà NKT đang được quản lý, nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày NKT Việt Nam

Ngày 17/4, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã tổ chức buổi Tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam  (18/4/1980 – 18/4/2018). Đây là chương trình nhằm hưởng ứng các hoạt động của cả cộng đồng, vì mục tiêu chung tay chăm sóc cho người khuyết tật (NKT).

Theo Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 22.147 NKT nặng và đặc biệt nặng; 3.449 gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng NKT được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng ở cộng đồng. Tính đến tháng 3/2018, có 22.147 NKT đặc biệt nặng NKT nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế và những NKT nhẹ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; 100% số trạm y tế xã có cán bộ chuyên trách về chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; 100% bệnh viện huyện có tổ chức phục hồi chức năng; 100% bệnh viện đa khoa cấp tỉnh thành lập khoa phục hồi chức năng và có 1 bệnh viện phục hồi chức năng

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay cũng đã có mạng lưới chương trình phục hồi chức năng dịch vụ cộng đồng hoạt động ở 152 xã, phường, thị trấn với 1.275 cộng tác viên của chương trình là nhân viên y tế thôn, tổ dân phố.

Công tác giáo dục, trợ giúp về văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch; trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng công cộng, tham gia giao thông; trợ giúp pháp lý, công nghệ thông tin; trợ giúp về đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT… cũng đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, riêng tại Trung tâm hiện đang quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 540 bệnh nhân. Các bệnh nhân tại đây ngoài việc được nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng còn được dạy nghề, tham gia lao động sản xuất trị liệu. Các bệnh nhân khi vào trung tâm được cán bộ, nhân viên, người lao động trong Trung tâm xem như người thân; được chăm sóc tận tình, chu đáo. Những bệnh nhân sau khi thuyên giảm bệnh, tái hòa nhập cộng đồng được Trung tâm và các mạnh thường quân hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập tại gia đình, địa phương nơi cư trú.

Người khuyết tật tâm thần kinh tham gia lao động trị liệu tại Trung tâm bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế

“Với trách nhiệm của người làm công tác trong lĩnh vực Bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành thích đã đạt được; không ngừng nỗ lực rèn luyện phấn đấu vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu vì công tác trợ giúp xã hội của Đảng, Nhà nước hướng đến”, ông Ngô Duy Bình nói.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh này nói riêng, của toàn thể các tổ chức, cá nhân đang từng ngày chăm sóc, nuôi dưỡng những NKT trên địa bàn. Ngoài ra, bà cũng mong muốn các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể cũng như toàn xã hội, các mạnh thường quân tiếp tục quan tâm, trợ giúp để công tác bảo trợ xã hội ngày càng đạt được những kết quả tốt hơn, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho NKT, để cho tương lai của NKT có thêm nhiều mảng màu hồng tươi sáng.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh