THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:46

Thêm nhiều chính sách giúp người khuyết tật phát triển kinh tế

 

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.


 Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội bảo trợ NTT&TMC Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong cơ chế mới, nhiều thương binh (TB), bệnh binh (BB), NKT đã tự tin, mạnh dạn đứng ra thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không những lo cuộc sống cho gia đình mình mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người khác, đóng góp cho ngân sách nhà nước.

 Phó Chủ tịch Trung ương Hội bảo trợ NTT&TMC Nguyễn Trọng Đàm: Số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh của TB và NKT chưa nhiều, hầu hết các qui mô nhỏ chỉ 10 – 15 lao động.


Từ chỗ chỉ có vài chục cơ sở, đến nay cả nước đã có gần 700 cơ sở sản xuất của TB và NKT, thu hút và giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có doanh nghiệp (DN) đạt 10 – 15 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể hàng trăm thương, BB, NKT khác là chủ kinh tế hộ gia đình làm ăn rất ổn định và hiệu quả. Chỉ tính riêng các cơ sở là thành viên của Hiệp hội sản xuất kinh doanh của NKT mỗi năm cũng đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh của TB và NKT chưa nhiều, hầu hết các qui mô nhỏ chỉ 10 – 15 lao động; vốn ít, công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, phần nhiều sản xuất thủ công; sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước. Mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của mô hình sản xuất kinh doanh đặc thù này như, chính sách ưu đãi về thuế, thuê mặt bằng, thuê đất, chính sách tín dụng, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ cải tạo môi trường làm việc… nhưng nhìn chung việc tiếp cận các chính sách ưu đãi trên của các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.

Tại buổi tọa đàm đa số các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT đều có chung một nhận định, làm thế nào để thúc đẩy nhiều hơn sự phát triển của các cơ sở sản xuất của NKT trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng của cơ chế thị trường là câu hỏi lớn. Để trả lời câu hỏi đó, đòi hỏi nhiều sự thay đổi từ chính sách dành cho NKT đến việc tăng cường những hỗ trợ tích cực cho các cơ sở sản xuất của NKT, trong đó tập trung vào hai vấn đề lớn là đào tạo nghề và hỗ trợ tín dụng.

 

Anh Nông Văn Chuân, khuyết tật vận động, Tổ hợp tác sản xuất chổi chít NKT Bình An, xã Cư Lễ, huyện Na Rì (Bắc Kạn).


Anh Nông Văn Chuân, khuyết tật vận động, Tổ hợp tác sản xuất chổi chít NKT Bình An, xã Cư Lễ, huyện Na Rì (Bắc Kạn), chuyên sản xuất các loại chổi chít, chổi tre chia sẻ, trong 2 năm 2016 - 2017, doanh thu của Tổ sản xuất đạt 200 triệu đồng, trừ chi phí cơ sở thu về 120 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 người với thu nhập bình quân từ 1,8 triệu đến 2 triệu đồng/người/tháng. Anh Chuân kiến nghị các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức, đào tạo nghề cho NKT và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh là NKT được vay vốn ưu đãi với lãi xuất thấp để hỗ trợ cho NKT tham gia sản xuất; phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho NKT và hỗ trợ cơ sở bao tiêu sản phẩm do NKT làm ra.

Chị Nguyễn Thị Thu Thương, khuyết tật vận động, Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade, ngõ 11 Lương Định Của, Phương Liên, Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Thành lập năm 2013, DN của chị chuyên dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, người thiếu máu bẩm sinh. Hiện có từ 12-15 NKT làm việc, với mức lương bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng và có thêm tháng lương 13. Chị thương mong muốn qua Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam có thể kết nối với các DN mua sản phẩm lưu niệm của công ty và có thêm nguồn kinh phí để mở thêm cơ sở sản xuất nội thành để sản phẩm đến với người tiêu dùng dễ dàng hơn, giúp được nhiều NKT có công ăn việc làm.

 

Ông Đinh Công Thạnh, khuyết tật vận động, xưởng dạy và sản xuất chạm khắc gỗ mỹ nghệ Diên Khánh, thôn 3, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa).


Ông Đinh Công Thạnh, khuyết tật vận động, xưởng dạy và sản xuất chạm khắc gỗ mỹ nghệ Diên Khánh, thôn 3, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) hiện đang tạo việc làm cho 11 NKT với lương tháng bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2016 đạt 240 triệu đồng, dạy nghề cho 4 học viên. Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Thạnh mong muốn thời gian tới Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho NKT tiếp cận nguồn vốn để họ có cơ hội sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhẹ cho gia đình và xã hội.

 

Chị Nguyễn Thị Hương, khuyết tật vận động, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khu 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long (Bình Phước).


Nhờ chiến lược kinh doanh với phương châm “ngon, bổ, rẻ” mà bước đầu chỉ là ở phạm vi nhỏ sau dần nhờ uy tín của dịch vụ nên ngày càng được nhiều khách hàng hơn. Giúp cho 10 – 15  lao động có công ăn việc làm với mức lương khoảng từ 3-5 triệu đồng/ tháng. Chị Nguyễn Thị Hương, khuyết tật vận động, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên có địa chỉ khu 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long (Bình Phước) chia sẻ tại hội nghị.  Chị Hương cũng mong muốn các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện về việc làm, vay vốn cho NKT hoặc nhận họ vào làm việc tại các cơ quan, DN mà họ có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc.

 

Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hiệp hội DN của TB và NKT Việt Nam.


Tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hiệp hội DN của TB và NKT Việt Nam cho biết, cả nước có 7,6 triệu NKT nhưng số lượng được đào tạo nghề còn quá ít, tỷ lệ tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn rất thấp, chủ yếu là tự tạo việc làm. Theo đánh giá chỉ có khoảng trên 12% tổng số NKT được học nghề, trong khi nhu cầu việc làm của đối tượng rất lớn. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cho NKT còn yếu cả về kiến thức, kỹ năng và nhận thức về các lĩnh vực kỹ thuật, sư phạm. Cùng với đó hầu hết các DN chưa nhiệt tình khi nhận lao động là NKT vào làm việc với các lý do như pháp luật lao động qui định thời gian làm việc của đối tượng không quá 7 giờ/ngày, 42 giờ/tuần là không phù hợp với dây chuyền sản xuất.

Chủ tịch Hiệp hội DN của TB và NKT Việt Nam đề xuất một số kiến nghị, Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan chức năng nhanh chóng nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật, chương trình, đề án, kế hoạch để hỗ trợ cho doanh nghiệp của NKT theo yêu cầu trong thời kỳ mới; đặc biệt là chương trình giải quyết việc làm đối với NKT cần triển khai có chiều sâu và hiệu quả hơn. 

HÒA CÙ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh