CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:13

“Uống nước nhớ nguồn” - đạo lý truyền thống của dân tộc

Phong trào đền ơn đáp nghĩa ở nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Là nơi công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) là nơi khởi nguồn của phong trào đền ơn đáp nghĩa. Phát huy truyền thống tốt đẹp này, trong thời gian qua chính quyền nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ đã thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, tạo nguồn lực lớn hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần đối với các gia đình chính sách tại địa phương.

Huyện Đại Từ hiện có trên 3.500 NCC. Để thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", hàng năm, huyện đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức và nhân dân đối với công tác chăm sóc, phụng dưỡng NCC. Trung bình mỗi năm, huyện vận động được 500 - 700 triệu đồng ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Quỹ được sử dụng để hỗ trợ NCC sửa chữa nhà ở, tặng quà đối tượng NCC, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ...

“Uống nước nhớ nguồn” - đạo lý truyền thống của dân tộc - Ảnh 1.

Các thế hệ trẻ đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Nhờ những chính sách hỗ trợ tích cực, đến thời điểm này, 100% gia đình NCC và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện Đại Từ có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của nhân dân cùng địa bàn cư trú; 100% xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC. Nhiều địa bàn xã trong huyện đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp gia đình NCC vươn lên trong cuộc sống.

Tại Mỹ Yên, mỗi năm xã đã tổ chức lựa chọn hỗ trợ cho 5 gia đình chính sách chăm sóc vườn cây tình nghĩa. Gia đình ông Đặng Quốc Việt, thương binh mất sức 43%, xóm Đầm Pháng được nhận hỗ trợ 1 tạ phân bón chăm sóc vườn chè; đồng thời, đoàn viên, thanh niên, Hội Phụ nữ xã đã đến giúp gia đình chăm sóc, thu hái chè mỗi khi đến lứa. Ông Đặng Quốc Việt cho biết: "Hàng năm, dịp 27/7, chúng tôi rất xúc động khi được các cấp chính quyền đến thăm, động viên, tặng quà, giúp đỡ ngày công lao động".

Còn tại xã Bản Ngoại nơi có 150 gia đình NCC, ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với NCC, chính quyền và nhân dân trong xã còn triển khai các hoạt động thiết thực chăm sóc, giúp đỡ gia đình NCC như các trường học trên địa bàn; Đoàn Thanh niên xã tổ chức giúp đỡ gia đình NCC neo đơn, thiếu sức lao động thu hoạch mùa vụ, vệ sinh môi trường khu vực nghĩa trang nhân dịp lễ, Tết hằng năm. Từ nguồn tiền hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn huy động khác, 10 năm gần đây, 132 hộ NCC sinh sống ở xã Bản Ngoại đã được hỗ trợ về nhà ở với tổng số tiền gần 3,3 tỷ đồng. Hiện là một trong những xã của tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên là NCC...

“Uống nước nhớ nguồn” - đạo lý truyền thống của dân tộc - Ảnh 2.

Các cựu chiến binh tại Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Nguyễn Nam Tiến cho biết, hàng năm, các cấp ủy, chính quyền địa phương đều có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong huyện tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân với tấm lòng nhường cơm sẻ áo; giúp đỡ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về ngày công lao động trong sản xuất, gieo cấy, huy động đóng góp ngày công vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình; nhận đỡ đầu chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu các em nhỏ là con thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ; tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho thương, bệnh binh, đối tượng chính sách.

Thiết thực những hoạt động hỗ trợ gia đình chính sách trong đại dịch

Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, trong đó có gia đình chính sách. Để chăm lo cho các gia đình chính sách trong tâm dịch, TP đã có những mô hình hoạt động thiết thực hiệu quả. Mới đây, Cục Chính trị Quân khu 7 đã phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) TP. Hồ Chí Minh, Báo Công lý (TAND TC) tổ chức Chương trình 1.000 phần quà tặng gia đình chính sách khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Mỗi phần quà trị giá 500 nghìn đồng, gồm: Gạo, nước mắm, đường, dầu ăn, trứng… được chuẩn bị trao tặng cho gia đình chính sách các quận, huyện trên địa bàn TP. Tổng kinh phí thực hiện chương trình trị giá 500 triệu đồng.

Đại tá, Cựu chiến binh Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội HTGĐLS TP cho biết, 2 tháng qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, trong đó có các gia đình chính sách. Với mong muốn kịp thời chăm lo các gia đình chính sách, Chương trình 1.000 phần quà thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Quân khu 7, Hội HTGĐLS TP, các đơn vị đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã cống hiến, hy sinh to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân. Với tinh thần này, từ đầu tháng 6/2021 đến nay, Hội đã phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 7, các đơn vị tổ chức nhiều chương trình "Phiên chợ 0 đồng" huy động được hơn 1 tỷ đồng chăm lo các đối tượng chính sách trên địa bàn Thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Uống nước nhớ nguồn” - đạo lý truyền thống của dân tộc - Ảnh 3.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Tp Hồ Chí Minh tặng quà các gia đình chính sách.

Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn là nơi khởi phát nhiều phong trào, mô hình chăm lo gia đình chính sách. Mỗi lúc khó khăn, tinh thần năng động, sáng tạo, hào hiệp của quân, dân Thành phố lại càng được phát huy cao độ. Điểm nhấn là, Bộ tư lệnh (BTL) TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp các ban, ngành tham mưu Thành ủy, UBND TP bảo đảm ngân sách chăm lo gia đình chính sách, đồng thời chủ động trích quỹ tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và đóng góp của cán bộ, chiến sĩ kết hợp triển khai liên tục chương trình "Cây ATM gạo", "Phiên chợ 0 đồng","Suất cơm yêu thương"… chăm lo gia đình chính sách. Trong 2 tháng qua, LLVT Thành phố đã huy động được gần 35 tỷ đồng chăm lo gia đình chính sách, cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn .

Đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của mỗi người dân và toàn xã hội. Từ những hành động "hiếu nghĩa bác ái", phong trào "Mùa đông binh sĩ"… trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng 8/1945, sau này là những phong trào: Vườn cây, ao cá, thửa ruộng, hũ gạo nghĩa tình... trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, đã phát triển thành phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ với 5 chương trình lớn: Nhà tình nghĩa; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng trong thời kỳ đổi mới, đạt được hiệu quả to lớn.

Đến nay 99,7% hộ NCC trong cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC; cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng và không còn hộ NCC thuộc diện hộ nghèo. Năm 2020, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 470 tỷ đồng, phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 9.400 sổ với tổng kinh phí là gần 16,8 tỷ đồng, xây dựng mới, sửa chữa hơn 9.000 nhà tình nghĩa trị giá hơn 270 tỷ đồng; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tập thể và cá nhân phụng dưỡng suốt đời.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh