Ước vọng cổng làng
- Văn hóa - Giải trí
- 19:28 - 09/02/2017
Nhớ ngày cha về đón mẹ con tôi đi xa làng, tôi chừng độ bảy, tám tuổi, trong đầu nhớ, khi thập thững vào sáng sớm, bước chân qua cổng làng ra cánh đồng, trời mới hé sáng... Lần này là chuyến đi xa, đi lâu, chẳng biết bao giờ mới trở lại. Nơi tôi sẽ đến, ở tận vùng rừng núi nào lắc xa lơ tít trên trời Tây Bắc. Bố nói với ông bà và họ hàng thế, chứ tôi là trẻ con, có được chuyện trò gì. Bà nội ôm tôi, sụt sịt, khổ thân cháu tôi, bao giờ mày mới về cho bà ôm ấp, hở giời?
Ra tới giữa cánh đồng, tôi quay lại nhìn cổng làng cao cao. Đấy là nơi tôi đã vui đùa, đánh đáo đánh khăng, lần bắt tổ chim sẻ chim sáo… Tôi cố ghi nhớ, để khi nào trở lại, nhìn thấy, là biết mình được về lại làng. Phía trong cổng làng ấy là bao nhiêu thân thiết, đầm ấm. Phía ngoài cổng làng, qua cánh đồng này, là con đường xa hút đầy bỡ ngỡ chưa biết tới, bao mới mẻ, đầy hấp dẫn…
Cũng không quá lâu, vài năm sau, tôi đã được theo bố mẹ về thăm quê trong mấy chuyến nghỉ phép nhọc nhằn đường xá ô tô, tàu thủy. Về tới cánh đồng, nhìn thấy cổng làng xa xa, tôi reo lên: “Tới làng mình rồi! Cổng làng kia kìa!”. Bố tôi gật đầu. Mẹ tôi cười tươi. Bao nhiêu mệt nhọc đường xa đã tan biến đi…
Lớn lên, đi đại học, thành thanh niên, tôi tự mình tìm về làng. Rồi cha mẹ tôi già, đã về lại với cố hương, tôi càng hay về làng, gắn bó với làng… Có một điều tiếc nuối, bỗng một ngày không thấy còn cổng làng đâu. Cái cổng làng cao vợi trong mắt tôi ngày thơ dại đã trở nên nhỏ bé, cũ kỹ, không hợp với sự sinh sôi, phát triển của làng nên người ta đã phá đi chăng?
Những người làng Phú La thuộc tổng An Lạc xưa của tôi, bao nhiêu đời nay, sinh ra, lớn lên, rồi tỏa đi, hòa vào trong số phận chung cả đất nước với những binh lửa và nhọc nhằn mưu sinh, có người ra đi là mãi mãi, cũng nhiều người đã trở về hẳn với làng khi tuổi đã cao… Cứ hết lớp này đến lớp khác làm dày thêm cái hồn cốt truyền thống ngôi làng của mình, cả chuyện vui lẫn buồn, bất ý…
Ngày trẻ, về làng, câu chuyện thường là thăm hỏi, nghe chuyện người của họ này, người của xóm ấy, giờ đang cư ngụ ở những đâu đâu mà mình đã tới, đã biết, chuyện họ đang gắng gỏi ra sao, từ đó tự dặn mình cố gắng noi theo hay có dịp thì tìm đến mà gặp gỡ, kết liên… Lúc trung tuổi thì nghe chuyện bác nọ, anh đó đã về làng, góp cho làng việc này công kia, như làm đường, điểm tô trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, góp công đức vào đình chùa, miếu mạo, tôn tạo khu mộ dòng họ, tổ tiên… Rồi dần dà, trong những câu chuyện, có lồng cả những thăng trầm thế sự, lo lắng, mừng vui, hồi hộp, liên quan đến nhiều người khác nữa, đi đó đi đây, đầu Bắc cuối Nam, lúc êm thuận phát đạt, khi trúc trắc chẳng ngờ… Những câu chuyện tưởng như đồn thổi, có khi chẳng khớp lắm với chuyện người trong cuộc, nhưng đại thể thì lại đúng, mà đầy tình nghĩa, mong ngóng, phập phồng… Rồi lại dò hỏi thêm, tin cho nhau thêm. Người làng mà cứ như người trong nhà mình.
Về làng ngồi trò chuyện la đà mới thấy làng cũng thật nhiều chữ nghĩa, văn thơ. Cụ Thắng Đàn hàng xóm hay qua tôi chơi. Cụ bà ngoài tám mươi, dáng thanh mảnh, tóc trắng như cước. Lần nào cũng khẽ khàng ngồi nghe, rất ít khi góp chuyện. Một hôm ngồi riêng với tôi, thì thào bảo, cái ao lớn sau nhà anh là nơi hai quả bom Pháp ném xuống, thành ra rộng thế đấy. Cụ than: “Chao ôi, ngày ấy sợ lắm. Có bà mẹ trẻ, con đang còn bú, cứ vục vào ngực mẹ vương đầy máu me. Con bú xong rồi mẹ mới nhắm mắt mà chết… Rồi đói kém, khổ sở nữa anh ạ”. Cụ Thắng Đàn ngâm nga mấy câu thơ: “Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi/Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương/Những thây ma thất thểu ngoài đường/Rồi ngã gục, không đứng lên… vì đói/Đói từ Bắc Giang, đói về Hà Nội/Đói ở Thái Bình, đói tới Gia Lâm…”. Tôi như “a” lên trong lòng vì cái cách dùng ngôn ngữ kể tả của cụ bà, lại thán phục khi thấy cụ trích ngâm thơ của Bàng Bá Lân về nạn đói năm 1945, nào đã mấy người biết tới…
***
Đầu năm nay, tôi có được một mảnh đất giữa làng, hóa ra lại là đất tổ tiên từ thời ông nội. Tôi đang trồng thêm cây, xây kè, xây ao để sau này về ở chơi, viết lách. Tôi nhờ anh Tùng trông nom, quản lý công việc cho tôi. Anh Nhã là người cung cấp, chở vật liệu. Nhã người hiền khô, đồng niên với tôi, đa số lần tôi gặp anh là thấy anh ngồi trên chiếc xe kéo nhỏ chở đầy vật liệu xây dựng, gạch, đá, cát sỏi, xi măng… chạy ngang dọc trên đường làng. Làng tôi mấy năm nay xây dựng nhộn nhịp hơn mọi khi. Năm ngoái, đường chính của làng được nâng cấp phong quang như đường huyện để đón danh hiệu xã Anh hùng. Năm nay thì đến các loại đường nhánh, đường ngõ. Trong làng thì hàng loạt nhà đang xây mới, đang sửa chữa, nâng cấp… Làng tôi từ xa xưa, lúc nào cũng có người đi ra làm ăn kiếm sống khắp bốn phương trời, có lẽ vì thế mà khi trở về làng, họ mang theo cái phóng khoáng, cái tầm nhìn trong việc kiến thiết, xây dựng. Không nhiều làng ở Bắc bộ như làng tôi, đường xá rộng rãi, đa số nhà trong làng ô tô có thể vào đến tận sân, hoặc chưa vào được thì để đất cổng, đất ngõ rộng rãi, cần là mở ra được ngay.
Trong lúc ngồi nói chuyện, anh Nhã nhắc đến cái cổng làng xưa. Cả ký ức ùa về trong tôi. Cái cổng làng thần bí ảo mờ của tuổi thơ…
Vừa hôm trước, VTV1 giới thiệu tác phẩm mới, bài hát “Trống hội cổng làng” của nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Hồi mới viết xong, anh Tạo đến chơi với tôi, trong cuộc rượu, anh gõ bàn hát hào sảng. Tôi nghe mà thấy hiện lên cái ngày xa hút, bước qua cổng làng đi xa: “Bên trong cổng làng, cây đa giếng nước, sân đình hội hè, chiêng trống vang vang… Bên ngoài cổng làng, chân trời mơ ước, rừng vàng biển bạc, nâng bước đi xa…”. Bài hát của anh Tạo chắc chắn sẽ có sức sống lâu bền vì đã gọi lên được bao nhiêu ký ức trong những con người ra đi trưởng thành từ làng quê: “Ký ức cha ông trong mạch đất… Những bước tha phương mong đổi đời… Nổi chìm trong gân đá… Ghim vào từng kiếp cây…”.
Tôi và Nhã cùng phác họa lại theo trí nhớ cái cổng làng mình. Sao chưa thật xa mấy mà không thấy ở đâu có tấm ảnh chụp cổng làng mình nhỉ? Cổng làng tôi, phía trên có ba chữ Hán “Rong cái mã”, tức là chỉ lệnh, đường phải xuống dắt ngựa, ít người quên, nhưng đôi câu đối chữ Hán hai bên cổng thì không còn mấy người nhớ, nói chi là tỏ nghĩa. Hóa ra, ông nội của anh Nhã là cụ Khóa Suất, một giáo làng nổi tiếng đầu thế kỷ XX, đã cùng mấy đồng môn, đồng nghiệp bàn soạn ra cặp câu đối ấy trước khi xây cổng làng.
Cậu Thản (Nguyễn Thanh Thản, Phụ trách đội an toàn bay, Cảng Hàng không Nội Bài), em út của mẹ tôi, khẳng định như đinh đóng cột là cổng làng được dựng vào năm 1942-1943. Mẹ tôi xác nhận và cho biết thêm, cụ Vệ Thê, anh trai ruột của bà ngoại tôi, là người chỉ huy đám thợ xây cất cổng. Ngày xưa gọi cổng làng là cổng điếm Phú La.
Nghe anh Nhã đọc đôi câu đối ở hai bên cổng làng: “Đa văn vi phú la thiên hạ/Tri ngộ như an lạc tính tình”, tôi nhập tâm ngay. Với vốn Hán văn lõm bõm, tôi tạm giải nghĩa ý tứ truyền dạy con cháu của cặp câu đối, đại thể là, nhiều chữ nghĩa là giàu có để hòa vào thiên hạ, hiểu biết đủ thì bằng an mà vui cùng muôn người. Đôi câu đối còn có nghĩa khác nữa, nói lên cái kiêu ngầm của dân làng tôi, nhiều chữ trong thiên hạ là người Phú La (tên làng), hiểu thấu lẽ giữa muôn người thì chỉ có dân An Lạc (tên tổng xưa). Hôm vừa rồi, gặp anh Kim (Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Bưu điện Quảng Ninh), tôi gọi anh là ông đồ tân thời vì thấy anh say mê Hán Nôm. Trò chuyện cùng giải nghĩa đôi câu đối, anh Kim tủm tỉm: “Còn nhiều nghĩa nữa, ông ơi. Nhiều chữ nghĩa thì hãy hòa vào thiên hạ mà sống là giàu có, hiểu biết nhiều thì nên vui với muôn người là bằng an. Như tiền nhân khuyên bảo ta tri chỉ, biết đủ là vậy. Phú La An Lạc là đất chữ, đất học, con cháu mà thấm được nhiều nghĩa lý của đôi câu đối này thì còn phát nữa”.
Tôi nghĩ, sắp tới đây, phải bàn với thôn xã, nhắn nhủ với các doanh nhân người làng và bà con góp ít công, ít của để dựng lại cổng làng. Không cần phải là một công trình thật to lớn, hoành tráng. Chỉ là một cái cổng làng của thời mới, vừa hiện đại, lại vừa giản dị, hài hòa. Và dứt khoát phải tạc đôi câu đối xưa. Như một cảm hứng của tiền nhân truyền lại cho con cháu. Để càng thêm thấm sâu nhiều nghĩa lý ở đời. Để nối dài và bền vững thêm cái đạo học tập, cái đạo làm người…
Mới chia sẻ ý tưởng này với vài ba người, như Kiên (đương chủ tịch xã), Tuân (phó chủ tịch), Thiện (trưởng công an xã), thì đã nhận được nhiều tâm đắc. Kiên còn bảo, chỗ đẹp nhất cho cổng làng xây mới là ngoài đầu cầu Phú La. Bước qua cổng làng mới là gặp cây gạo cổ thụ, tháng ba ra hoa đỏ chói, là gặp cây cầu với con sông và chợ làng Phú La… Có cổng làng mới, trên đường về làng, từ bên Liên Giang rẽ vào là nhìn thấy, là trong lòng tôi lại bật lên câu hát của Nguyễn Trọng Tạo: “Đi xa nhớ về… Cổng làng quê ta đó… Thanh bình cùng nước non… Cổng làng neo ở giữa… Trong ngoài là thế gian”…