UNICEF cam kết hỗ trợ trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu
- Dược liệu
- 14:13 - 22/05/2017
Đây là thông tin đưa ra tại hội nghị “Hưởng ứng ngày truyền thống phòng chống thiên tai và Tổng kết Chương trình Hỗ trợ khẩn cấp hạn hán, xâm nhập mặn do UNICEF tài trợ” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Trong những năm gần đây, thiên tai tại Việt Nam xảy ra dồn dập với cường độ lớn, phạm vi rộng với diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, tài sản của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong vòng 30 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, hàng nghìn người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 1% -1,5% GDP. Trong đó, năm 2016, những trận thiên tai được ghi nhận đạt mức lịch sử: hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ diễn ra gay gắt nhất trong vòng 90 năm gần đây, lũ lớn liên tiếp xuất hiện ở các tỉnh Miền Trung (từ Nghệ An đến Phú Yên) đạt mức tương đương lũ lịch sử. Tính riêng năm 2016, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản làm 264 người chết và mất tích, 431 người bị thương, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng tương đương 1,7 tỷ USD.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel – Jelil cùng Phó đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai thăm trẻ em Ninh Thuận bị ảnh hưởng hạn hán.
Cuối năm 2015 và năm 2016, hạn hán và mặn xâm nhập lớn nhất trong vòng hơn 40 năm qua diễn ra khốc liệt ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại ước tính về vật chất là 750 triệu USD. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và người dân, các tổ chức quốc tế đã tích cực trợ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả hạn hán và mặn xâm nhập. Cụ thể, UNICEF đã huy động khoảng 4 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc và Chính phủ Nhật Bản triển khai Dự án hỗ trợ tại 10 tỉnh là: Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai, với mục đích giảm thiểu những tổn thương cho những đối tượng dễ bị tác động nhất là trẻ em và phụ nữ. Kết quả, đến nay, đã có trên 78 nghìn hộ gia đình, với gần 322 nghìn người được tiếp nhận hàng cứu trợ….
Phó đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai cho biết, năm ngoái Chính phủ Nhật Bản đã chi ra gói hỗ trợ 2,5 triệu USD cho Việt Nam thông qua UNICEF để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Sau khi có cuộc khảo sát ở Ninh Thuận, đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã triển khai ngay các chương trình hành động. Trong năm nay sẽ ủng hộ tỉnh Bến Tre chương trình ngăn ngừa sự xâm nhập nước mặn; ủng hộ tỉnh TT-Huế chương trình nước ngọt. Tại Tây Nguyên sẽ được triển khai chương trình tưới tiêu, sử dụng nước ngọt.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel - Jelil nhấn mạnh rằng, các chính phủ cùng UNICEF thực hiện tối đa hóa các chính sách tốt hơn cho phòng chống thiên tai. “Bởi hầu hết các tỉnh bị ảnh hưởng tại Việt Nam đều có điều kiện kinh tế khó khăn. Sự đe dọa của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng phần nào đến sự tăng trưởng, phát triển của đất nước”, ông Youssouf Abdel - Jelil nói .
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cam kết sẵn sàng hỗ trợ Bộ NN&PTNT trong các hoạt động phòng, chống thiên tai cũng như kết nối hoạt động với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ khác nhằm huy động nguồn lực, đưa những định hướng chiến lược phòng, chống thiên tai của Việt Nam ra các diễn đàn quốc tế. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm, chú trọng cách tiếp cận lâu dài trong ứng phó thiên tai, điều này đòi hỏi trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở quốc gia, cấp địa phương phải được lồng ghép quản lý thiên tai.
Bộ NN&PTNT và UNICEF đang xây dựng Dự án "Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng khả năng chống chịu với thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm giai đoạn 2017 – 2021”. Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về phòng, chống thiên tai; Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, tập trung vào các đối tượng dễ bị tổn thương (người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em...) đồng thời phục hồi sản xuất, ổn định dân sinh.