Phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán
- Dược liệu
- 00:44 - 06/05/2017
Phòng chống rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm
Theo đánh giá của Liên Hiệp quốc, trên thế giới mỗi ngày có khoảng 800 trẻ tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng nước ô nhiễm, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường không tốt. Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi và 45% ca tử vong ở trẻ dưới năm tuổi liên quan đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Đặc biệt trong năm 2016, do hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua, đã có tới 2 triệu người trong đó có 520.000 trẻ em và 1 triệu phụ nữ sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng và cần được trợ giúp nhân đạo. Trường học, các cơ sở y tế, các hộ dân, người nông dân, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng bởi việc thiếu nước nghiêm trọng. Những trẻ em và các hộ gia đình dễ bị tổn thương đã phải sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý hoặc mua nước đóng bình với giá cao dẫn đến sự gia tăng số trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, kiết lỵ, các bệnh về tay, chân, miệng và mắc các bệnh về da.
Trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán.
Quyền Trưởng Đại diện UNICEF Jesper Moller cho biết: UNICEF là đối tác của Việt Nam trong chương trình hỗ trợ khẩn cấp về nước sạch vệ sinh. UNICEF chọn cách tiếp cận giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm, các dịch vụ nước sạch vệ sinh bền vững hướng trọng tâm vào việc tiếp cận lâu dài nhằm xây dựng khả năng phục hồi cho mọi trẻ em, gia đình, trường học và toàn xã hội. “Chúng ta cần chú trọng hơn nữa vào việc đảm bảo độ tin cậy và bảo vệ an toàn của nguồn nước uống, vào những thay đổi nhỏ trong việc xây dựng nhà vệ sinh và truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân trong trường học và cộng đồng. Điều đó sẽ đóng góp đáng kể trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng năng lực phục hồi cho trẻ em trước những hiện tượng thời tiết cực đoan và phòng tránh các dịch bênh liên quan đến nguồn nước”, ông Jesper Moller nhấn mạnh.
Hơn 91% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh
Theo ông Jesper Moller, hiện mùa khô đã bắt đầu ở Việt Nam và dự báo khả năng tiếp diễn hiện tượng El Nino nên cộng đồng và các trường học tích cực trữ nước đã qua xử lý để trẻ em có thể tiếp cận đầy đủ nước sạch và giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Mặc dù 80% các hộ gia đình ở Việt Nam đã có điều kiện tiếp cận các cơ sở vệ sinh môi trường ở thành thị và nông thôn, nhưng vẫn còn rất nhiều nhóm cộng đồng và trường học dễ bị tổn thương, không có khả năng tiếp cận với nhà vệ sinh và đi tiêu ngoài trời. Nhà vệ sinh sạch sẽ chính là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo môi trường sống khỏe mạnh cho mọi trẻ em trong cộng đồng. Việc rửa tay với xà phòng và nước sạch là phương pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất nhằm phòng tránh các loại bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy và viêm phổi. Chính quyền địa phương, trường học và phụ huynh có thể chung sức vì một thế hệ khỏe mạnh thông qua việc hỗ trợ trẻ em thực hành rửa tay từ nhỏ và làm gương cho bạn bè đồng trang lứa.
UNICEF kêu gọi tăng cường hoàn thiện các chính sách và kế hoạch cũng như nâng cao năng lực của trẻ em và cộng đồng nhằm chuẩn bị sẵn sàng và giảm nhẹ tác động của thiên tai. Đồng thời tái khẳng định những cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam, trong đó hợp tác lâu dài về giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm, nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân chính là những ưu tiên hàng đầu.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến hết năm 2016, tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng 91,5%, trong đó gần 49% sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02:2009/BYT, 90% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu, trong đó 67% có nhà tiêu hợp vệ sinh; 93% trường học có công trình cấp nước và vệ sinh.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong công tác cấp nước và vệ sinh nông thôn, nhưng hiện gặp phải không ít những khó khăn, thách thức: Nhiều công trình cấp nước được đầu tư xây dựng ở những giai đoạn trước đây bị xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động; công nghệ lạc hậu, tỉ lệ nước thất thoát lớn, nguồn thu không đủ các chi phí... Việc huy động nguồn lực xã hội hóa, PPP trong đầu tư, quản lý và khai thác công trình cấp nước và vệ sinh còn hạn chế; năng lực quản lý điều hành, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế và ít hiệu quả.
“Sự suy giảm tính bền vững của các công trình cấp nước và vệ sinh đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội dùng nước an toàn của người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em. Vì thế đã đặt các em trước nguy cơ bị lây nhiễm các loại dịch bệnh chết người như dịch tả và tiêu chảy, tước bỏ những cơ hội được chăm sóc về giáo dục và các quyền lợi khác mà đáng ra các em được hưởng”, đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.