THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:30

Hạn hán gây thiệt hại cho Ninh Thuận hàng trăm tỷ đồng/năm

 

*Xin ông cho biết những ảnh hưởng rõ nét nhất đối với tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua?

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Bình: Tỉnh Ninh Thuận có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng là khô, nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, lượng mưa trung bình năm thấp (700 - 800 mm) và là tỉnh có điều kiện khí hậu khô hạn nhất cả nước. Những năm hạn hán, lượng mưa chỉ đạt 40-50% so với trung bình hàng năm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, trong đó Ninh Thuận là một trong những tỉnh chịu tác động rõ nét. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, xảy ra trên phạm vi rộng, không theo quy luật, gây ra nhiều loại hình thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Một số loại hình thiên tai có tác động nghiêm trọng tại Ninh Thuận, đó là: Hạn hán, lũ lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, hoang mạc hoá, xâm nhập mặn…

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình (bên trái) đi kiểm tra mô hình hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn ở huyện Bác Ái.

 

Ninh Thuận được cả nước biết đến là một vùng có khí hậu khắc nghiệt. Các tháng về mùa khô, nắng nóng kéo dài, tình hình hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất và dân sinh diễn ra hết sức gay gắt và thư­­ờng xuyên. Phần lớn dân cư trong tỉnh­­ sinh sống chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, hạn hán ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và đời sống của nhân dân trong vùng.  Đối với Ninh Thuận, hạn hán là thiên tai gây tác hại được xếp hàng thứ nhất, trên cả lũ lụt và bão.

Đặc biệt, từ cuối năm 2014 đến cuối tháng 6/2016, tình hình hạn hán diễn ra gay gắt và trên diện rộng, đây là đợt hạn hán khốc liệt nhất trong 11 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Năm 2015, thời kỳ cao điểm trên địa bàn tỉnh đã có 43.935khẩu/8.916hộ, cư trú tại 24 thôn/12 xã/5 huyện thiếu nước sinh hoạt phải vận chuyển nước hỗ trợ hàng ngày;  2.079 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại; tổng diện tích phải dừng sản xuất trong 3 vụ là 22.759ha; số gia súc chết do hạn hán là 2.515 con...

Năm 2016, số hộ dân thiếu nước sinh hoạt phải vận chuyển nước hỗ trợ hàng ngày là 1.600 hộ/6.045 khẩu/7 thôn/4 xã/2 huyện; 461 ha cây trồng bị thiệt hại; tổng diện tích kế hoạch phải dừng sản xuất 15.000 ha;  61 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn; tổng số gia súc chết 5.307 con. Tuy nhiên, khi hết mùa khô, mưa triền miên 2 – 3 tháng nên việc sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

*Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Ninh Thuận đã có những hỗ trợ gì để giúp nhân dân đối phó với tình hình thời tiết thưa ông?

 - Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, trong năm 2015 tỉnh xác định công tác chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, với mục tiêu cao nhất đó là: Không để dân đói, không để dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh. Từ năm  2015 - 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức hỗ trợ 13.119,3 tấn gạo cho hơn 246.000 khẩu/65.000 hộ (8 đợt) trên địa bàn các huyện từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ.

 

Trẻ em vùng hạn hán

 

UBND tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ tiền mua nước cho nhân dân; hỗ trợ vận chuyển cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân vùng khô hạn; tổ chức đào giếng chống hạn; tập trung nguồn lực xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng các hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân...Thông qua các hoạt động trên, không có trường hợp nào nhân dân trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó cũng vận động nhân dân nạo vét, đào mới ao chứa nước, hỗ trợ thức ăn, trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giải quyết thức ăn cho đàn gia súc; tổ chức di chuyển gia súc từ nơi thiếu nguồn thức ăn, nước uống đến các nơi có nguồn thức ăn, nước uống; thực hiện giám sát, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, chủ động dừng sản xuất những vùng không có khả năng cung cấp nước; thực hiện điều tiết nước luân phiên giữa các hệ thống thủy lợi, điều tiết nước theo phương pháp tiết kiệm, hợp lý, ưu tiên dành nước cho sinh hoạt và nước uống cho gia súc. Chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang các loại cây trồng cạn ít sử dụng nước nhưng vẫn đảm bảo thu nhập có hiệu quả cho người dân.

* Xin ông cho biết những giải pháp căn cơ để để hạn chế thiệt hại của biến đổi khí hậu?

-  Về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai trong thời gian tới, Ninh Thuận triển khai thực hiện các nội dung: Tiếp tục củng cố Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp, chủ động và có kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Tuyên truyền về diễn biến tình hình hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu để người dân nhận thức đúng và tham gia tích cực.

Với mục tiêu: “Không để dân đói, không để dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh”, tỉnh chỉ đạo  thực hiện tốt các nội dung như: Tham mưu hỗ trợ gạo cứu đói; hỗ trợ nước sinh hoạt kịp thời cho nhân dân ở các vùng hạn hán thiếu nước, trong đó tập trung sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn; đào ao, khoan giếng để cấp nước sinh hoạt ở các vùng khó khăn không có hệ thống cấp nước, chở nước sinh hoạt phục vụ nhân dân hàng ngày ở các vùng quá khó khăn; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh cho người và vật nuôi.

Rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống hồ chứa và công trình thủy lợi phục vụ cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Điều tra, đánh giá hiện trạng mực nước ngầm, nước bề mặt ở các ao hồ, sông suối nhỏ và lập quy hoạch sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước. Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và các hoạt động sản xuất khác nhằm ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu.

Chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề; hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với điều kiện hạn hán. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng nhanh độ che phủ rừng. Thực hiện các biện pháp hiệu quả, tích cực nhằm duy trì sĩ số học sinh đến lớp, không để học sinh bỏ học giữa chừng do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán. Giải quyết vấn đề miễn giảm học phí và những khoản đóng góp khác cho học sinh nghèo, đặc biệt khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

VÂN KHÁNH (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh