Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách BHTN tại Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương
- Bài thuốc hay
- 17:01 - 17/07/2019
I. Thông tin về địa phương
- Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Hiện tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp và trên 20 cụm công nghiệp với diện tích gần 12.000 ha. Với nhu cầu tăng thêm hàng năm là 50.000 lao động.
- Tổng số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh: 15.299 đơn vị.
- Số cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 10.944 đơn vị.
- Số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trên địa bàn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 894.604 người.
II. Tổ chức thực hiện
Để đảm bảo thực hiện giải quyết chính sách BHTN cho người lao động (NLĐ) được nhanh chóng, khoa học, phù hợp với Luật việc làm, Trung tâm có phòng Truyền thông phụ trách các công tác như: Công tác hướng dẫn, tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho NLĐ; tiếp nhận hồ sơ; trả kết quả; thông báo tìm việc làm; kiểm soát hồ sơ đầu vào. Phòng BHTN với các bộ phận: Báo cáo; lưu trữ hồ sơ.
Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương có 4 điểm tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như sau:
+ Tại Trung tâm: Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của TP.Thủ Dầu Một, Thị xã Thuận An.
+ Tại Chi nhánh Tân Uyên: Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của thị xã Tân Uyên, huyện Phú Giáo, huyện Bắc Tân Uyên.
+ Tại Chi nhánh Dĩ An: Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của thị xã Dĩ An.
+ Tại Chi nhánh Tân Định: Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng.
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ và cũng với mong muốn nâng cao hiệu quả, hướng tới công khai, minh bạch, đơn giản, rõ ràng trong việc giải quyết chế độ cho người lao động từ tháng 8/2015, TT đã xây dựng mô hình hoạt động một cửa. Theo mô hình này các dữ liệu sẽ được kết nối liên thông, đồng bộ về tư vấn GTVL - BHTN - Đào tạo nghề vào phần mềm một cửa để nhân viên một cửa dễ dàng tra cứu thông tin tư vấn cho NLĐ một cách đầy đủ nhất. Việc thực hiện mô hình này đã góp phần giảm phiền hà cho người lao động khi có yêu cầu giải quyết công việc tại Trung tâm cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên. Một ưu điểm nữa của mô hình một cửa là có sự phân loại lao động là đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người có con nhỏ, phụ nữ mang thai, người khuyết tật.
Từ tháng 6/2018, mô hình một cửa được thực hiện đồng bộ tại 3 chi nhánh.
III. Tình hình thực hiện chế độ trợ cấp thất nghiệp tại Bình Dương
1. Kết quả thực hiện chế độ trợ cấp thất nghiệp từ 1/1/2010 đến 31/5/2019:
Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp: 619.973 người
Số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 529.342 người
Số người bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 11.936 người.
Số người chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đi địa phương khác: 66.719 người.
Số người có quyết định hỗ trợ học nghề: 13.847 người.
Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm: 521.568 người
Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp: 9.696.088.167.548 đồng
Số tiền chi hỗ trợ học nghề: 96.877.510.000 đồng
Trong tổng số NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN thì có 85.4% số NLĐ được hưởng TCTN. Số lao động thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm là 521.568 người đạt 84% so với tổng số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Lao động được hỗ trợ học nghề là 13.847 người, tuy nhiên con số này chỉ bằng 2,6 % so với tổng số lao động có quyết định hưởng TCTN, điều này phản ánh nhu cầu học nghề chưa được NLĐ thất nghiệp chú trọng.
Đầu năm 2017 đã thành lập “Tổ hậu kiểm hồ sơ BHTN” nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát hồ sơ BHTN để có thể hạn chế những sai sót khi thực hiện chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo sự chuyển biến mới tích cực trong việc phối hợp thực hiện chức năng nhiệm vụ giữa các phòng và chi nhánh.
2. Công tác tư vấn giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề
Với phương châm “việc làm là bảo hiểm tốt nhất cho người lao động”, Trung tâm xác định nhiệm vụ trọng tâm là hướng đến tư vấn GTVL chuyên sâu hiệu quả nhất cho đối tượng hưởng BHTN. Trung tâm thay đổi mô hình tổ chức sàn GDVL, theo đó mở rộng về thời gian, phạm vi và cách thức thực hiện. Hiện 1 sàn tổ chức vào chủ nhật và các sàn còn lại vào thứ 2, thứ ba (đây là những ngày tập trung nhiều NLĐ hưởng BHTN chưa có việc làm). Đặc biệt, Trung tâm phân chia theo đối tượng lao động (tách riêng sàn dành cho lao động phổ thông và lao động chuyên môn). Ngoài ra, vẫn duy trì sàn GDVL trực tuyến kết nối doanh nghiệp, người lao động qua Website, Email, yahoochat, skype, zalo, facebook... và sàn GDVL online kết nối với các tỉnh bạn để đưa lao động về Bình Dương làm việc.
Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức tư vấn tập trung vào những ngày có đông lao động: Tại các phòng tư vấn tập trung người lao động cũng được tư vấn đầy đủ về giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, học nghề... giống như tại các quầy tiếp nhận. Thêm vào đó, còn kết hợp với doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, nhất là tuyển lao động phổ thông. Mô hình tư vấn tập trung cũng được Trung tâm đẩy mạnh vì đây là mô hình tư vấn phù hợp với địa phương có đông lao động như Bình Dương.
Trung tâm còn thực hiện kết nối việc làm cho NLĐ bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Điển hình như trong năm 2018, công ty TNHH Foster thông báo với Trung tâm về việc giảm 6.500 lao động. Trung tâm đã thực hiện kết nối việc làm cho gần 5.000 lao động chuyển sang các công ty TNHH Yazaki, Công ty TNHH Gre Alpha, Công ty Dae Young Harness, công ty May mặc Premier Global, công ty TNHH thực phẩm Lacusina... Song song đó, Trung tâm đã giải quyết chế độ BHTN cho khoảng 1.500 NLĐ chưa có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Để bắt kịp xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Trung tâm đặc biệt chú trọng phát huy vai trò kết nối cung - cầu LĐ. Cụ thể: thường xuyên đưa thông tin tuyển dụng; kết nối DN và NLĐ lên các kênh: trang website vieclambinhduong.vn/ trang facebook/ nhóm zalo của Trung tâm để DN và NLĐ tham gia vào Website nhiều hơn. Công tác kết nối, thông tin đến với NLĐ và DN thuận lợi, nhanh chóng hơn. Đưa thông tin DN và NLĐ lên Website đồng thời Trung tâm thực hiện phương án gửi danh sách thông tin NLĐ thất nghiệp cho DN để họ chủ động liên hệ ứng viên phỏng vấn.
Bên cạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm Trung tâm còn hỗ trợ để NLĐ được nâng cao kỹ năng nghề và học thêm nghề mới. Đa phần khi tham gia các lớp đào tạo, người lao động đều được hỗ trợ tối đa học phí giúp học viên yên tâm tham gia các khóa học. Bên cạnh đó với cơ sở vật chất khang trang và đội ngũ giáo viên nhiệt tình giảng dạy, luôn cập nhật những kiến thức mới, Trung tâm đã tạo điều kiện cho người học môi trường tốt nhất. Ngoài những ngành nghề hiện có, Trung tâm cũng đã liên kết các trường nghề, cơ sở dạy nghề có uy tín trong và ngoài tỉnh để đa dạng hóa các ngành nghề, mang lại cho người lao động nhiều lựa chọn nghề học thích hợp.
Trung tâm còn ký biên bản hợp tác giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm đảm bảo tăng cường công tác giới thiệu việc làm cho NLĐ sau khi được hỗ trợ học nghề.
3. Ứng dụng CNTT trong thực hiện giải quyết chính sách BHTN
Với hơn 70.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm, việc quản lý khối lượng lớn hồ sơ BHTN này bằng phương pháp thủ công là gần như không thể. Trung tâm đã xây dựng và hoàn thiện phần mềm BHTN theo yêu cầu quản lý thực tế tại địa phương. Với định hướng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc, ngoài phần mềm BHTN, Trung tâm còn có các phần mềm nghiệp vụ khác như phần mềm GTVL, phần mềm tra cứu thông tin cho người lao động, phần mềm một cửa, phần mềm đào tạo, phầm mềm lưu trữ hồ sơ.
Hệ thống phần mềm một cửa gồm các phần mềm như: Phần mềm quản lý mã vạch và in đơn, phần mềm lấy số thứ tự và gọi số, phần mềm tiếp nhận hồ sơ.
- Phần mềm quản lý mã vạch, in đơn được cài đặt tại quầy hướng dẫn, làm nhiệm vụ quét mã vạch (đối với người lao động đã có mã vạch) và in các biểu mẫu tương ứng với nhu cầu người lao động. Ví dụ: Người lao động đến thông báo việc làm hàng tháng, hoặc người lao động có nhu cầu chuyển hưởng đi nơi khác, sau khi quét mã vạch, thông tin người lao động sẽ được hiển thị trên màn hình, lúc này nhân viên chỉ cần chọn loại biểu mẫu để phần mềm in ra. Như vậy người lao động chỉ cần ghi thêm một vài thông tin thay đổi, các thông tin khác đã được in sẵn. Việc này giúp tiết kiệm thời gian cho người lao động, giảm bớt sự khó khăn, lúng túng khi phải ghi nhiều thông tin trong các biểu mẫu quy định.
- Phần mềm lấy số thứ tự: Đối với người lao động lần đầu đến Trung tâm, nhân viên hướng dẫn sẽ bấm lấy số thứ tự. Trường hợp người lao động đã có phiếu hẹn (trên phiếu hẹn có mã vạch) thì nhân viên sẽ quét mã vạch để lấy số thứ tự. Khi lấy số thứ tự, phần mềm sẽ kiểm tra xem quầy nào còn ít người lao động chờ nhất sẽ lấy số thứ tự cho người lao động vào quầy đó. Tại mỗi quầy, có màn hình hiển thị số thứ tự đang xử lý, hình ảnh, tên của nhân viên tiếp nhận.
- Phần mềm tiếp nhận hồ sơ, tư vấn việc làm và học nghề làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, phát sinh mã vạch, in phiếu hẹn và gửi thông tin về các phòng nghiệp vụ để xử lý và trả kết quả. Phần mềm được kết nối dữ liệu đến phần mềm BHTN, phần mềm GTVL, phần mềm đào tạo để lấy thông tin. Ví dụ: Khi người lao động đến nhận kết quả, nhân viên tại quầy sẽ quét mã vạch để lấy thông tin cá nhân người lao động và thông tin kết quả hồ sơ. Dựa trên thông tin đó, nhân viên sẽ tra cứu thông tin việc làm, học nghề ngay trên phần mềm một cửa để tư vấn cho người lao động. Do phần mềm đã được kết nối thông tin nên nhân viên chỉ cần ngồi tại quầy đã có đầy đủ thông tin cần thiết. Vào cuối ngày, nhân viên tại quầy sẽ bàn giao hồ sơ về cho các phòng chuyên môn.
Bắt đầu từ tháng 8/2015, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Bình Dương được cấp mã vạch hai chiều (mã vạch hai chiều chứa được nhiều thông tin hơn mã vạch một chiều). Trong mã vạch chứa một số thông tin về khách hàng như số chứng minh nhân dân, ngày nộp hồ sơ. Những thông tin này được mã hóa để đảm bảo chỉ phần mềm một cửa mới có thể giải mã được thông tin trong mã vạch.
Khi chưa được ứng dụng công nghệ thông tin để mã hóa các thông tin trên mã vạch, nhân viên phải mất thời gian nhập dữ liệu về thông tin cá nhân người lao động. Mặt khác khi tiếp nhận và giải quyết nhiều hồ sơ dẫn đến sai sót trong việc nhập liệu. Việc sử dụng mã vạch có ưu điểm hơn vì nhân viên chỉ cần dùng thiết bị đọc mã vạch để tra cứu thông tin người lao động, in các biểu mẫu, xác nhận việc nhận quyết định hưởng, thông báo tìm việc làm... Điều này mang lại lợi ích cho cả Trung tâm và người lao động.
+ Đối với Trung tâm: hình thành được hệ thống quản lý, tác nghiệp hiện đại, chính xác, hạn chế sai sót, tiết kiệm thời gian và nhân lực, tăng tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả công việc.
+ Đối với người lao động: Lợi ích lớn nhất là giảm được thời gian chờ đợi, thời gian được tư vấn sẽ nhiều hơn, chất lượng tư vấn được đảm bảo.
Ngoài ra, Trung tâm còn ứng dụng CNTT vào công tác lưu trữ hồ sơ BHTN. Để công tác lưu trữ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp được khoa học, thuận tiện cho việc tra cứu, Trung tâm đã thực hiện việc scan hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm có 1 phần mềm scan hồ sơ riêng. Tất cả hồ sơ scan được lưu trên hệ thống phần mềm và có lưu trên ổ cứng dự phòng. Khi cần tra cứu hồ sơ thì chỉ việc đăng nhập phần mềm, tìm kiếm theo họ tên hoặc theo số CMND là tìm được và có thể in hồ sơ ngay, không cần phải ra kho để lấy hồ sơ mất thời gian. Hiện tại đã scan xong toàn bộ hồ sơ BHTN từ năm 2010 đến hết năm 2017.
Hướng phát triển hiện tại và trong tương lai, Trung tâm thực hiện mục tiêu phát triển công tác tư vấn GTVL đạt hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động để Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương thực sự trở thành kênh thông tin thị trường lao động chính thức, là địa điểm tin cậy của người lao động và người sử dụng lao động.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Huyệt Giải khê, vị trí huyệt Giải khê, tác dụng huyệt Giải khê, giai khe
Huyệt Giải khê, vị trí huyệt Giải khê, tác dụng huyệt Giải khê, giai khe, giaikhe
7 tháng trước
Tin nên đọc