CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:42

Hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

 

Hiện hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm ở Trung ương (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và 63 Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố.
Lãnh đạo Cục việc làm và lãnh đạo 63 Trung tâm dịch vụ việc làm.
Hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trải qua hai giai đoạn:
- Giai đoạn  2009 - 2013: Tại Trung ương, bảo hiểm thất nghiệp thành lập theo Quyết định số 1199/QĐ-LĐTBXH ngày 22/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thuộc Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tại địa phương, các Trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện những nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BLĐTBXH ngày 16/10/2009 sửa đổi, bổ sung Thông tư 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/1/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN.
- Giai đoạn từ 2013 đến nay: Tại Trung ương, Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm được thành lập theo Quyết định số 755/QĐ-LĐTBXH ngày 14/5/2013 trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Cục Việc làm. Tại địa phương 63 Trung tâm Giới thiệu việc làm đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 38 Luật Việc làm, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp và Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015.
Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện các nhiệm vụ:
- Tại Trung ương, Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm thực hiện các nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 của Quyết định số 239/QĐ-LĐTBXH ngày 9/3/2018 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm: (1) Hỗ trợ triển khai thực hiện các hoạt động sự nghiệp về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; (2) Nghiên cứu, đề xuất, phân tích, tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
- Tại địa phương, các Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp: (1) Tổ chức, thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; (2) Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề, xem xét và thực hiện các thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề theo quy định của pháp luật; (3) Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động theo quy định của pháp luật; (4) Kiểm tra, theo dõi, cập nhật các thông tin của người lao động liên quan đến việc hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; (5) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng, quý, năm và báo cáo đột xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; (6) Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan về bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của người lao động, tổ chức công đoàn và cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (7) Lưu trữ, bảo quản hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; (8) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định; (9) Tham gia thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp; (10) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức của các Trung tâm dịch vụ việc làm
- Tại Trung ương, Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm bao gồm 6 phòng: Phòng Nghiệp vụ Bảo hiểm thất nghiệp, Phòng Thông tin thị trường lao động và Dịch vụ việc làm, Phòng Phân tích dự báo, Phòng Truyền thông, Phòng Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng.
- Tại địa phương, các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố có cơ cấu tổ chức phù hợp với điều kiện của địa phương được quy định tại Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 về quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm.
Với hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp như trên đã đạt được một số kết quả:
- Trung tâm đã tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt quan tâm đào tạo về kỹ năng, quy trình tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp;
- Cục Việc làm ban hành Công văn số 671/CV-CVL ngày 30/6/2017 đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm nghiên cứu áp dụng “Mô hình khung về hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm gắn với giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm” theo điểu kiện của từng địa phương;
- Công tác giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động được các trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện trên phương châm 3 đúng: Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn, kịp thời bù đắp một phần thu nhập để người lao động đảm bảo cuộc sống trong thời gian tìm việc;
- Tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, tận tình không để xảy ra các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện về bảo hiểm thất nghiệp; người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn việc làm, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề để sớm quay lại thị trường lao động;
- Tạo môi trường thân thiện giữa người lao động và cán bộ trung tâm dịch vụ việc làm (đặc biệt là chuyên viên BHTN);
- Một số trung tâm dịch vụ việc làm đã thực hiện áp dụng những mô hình phù hợp với đặc điểm của địa phương giúp công tác giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp đạt kết quả tốt;
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục việc làm chia sẻ chính sách BHTN với đoàn viên thanh niên.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, rà soát, sửa đổi và hoàn thiện đồng bộ các chính sách từ tạo việc làm, đào tạo, tuyển dụng, chế độ hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tư vấn, giới thiệu việc làm... đến chính sách BHTN đảm bảo ổn định trong thời gian dài;
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện “Mô hình khung về hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm gắn với giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm” để áp dụng đồng bộ tại các Trung tâm dịch vụ việc làm;
Thứ ba, đào tạo nâng cao năng lực đối với đội ngũ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, về chính sách pháp luật lao động bảo hiểm nói chung (như hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội...), đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng tâm lý, ứng xử;
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin,  hệ thống phần mềm đồng bộ đối với tất cả các hoạt động của nghiệp vụ để Trung tâm dịch vụ việc làm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp;
Thứ năm, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Trung tâm dịch vụ việc làm với các cơ quan có liên quan để cùng kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện giải quyết BHTN ở địa phương đảm bảo thông suốt, có hiệu quả;
Thứ sáu, thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất theo vụ việc, đơn thư, kiểm tra từng khâu trong quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đến lưu trữ hồ sơ người thất nghiệp để kịp thời kiến nghị các cơ quan nhà nước xử lý theo thẩm quyền;
Thứ bảy, thí điểm tổ chức hoạt động theo mô hình trung tâm dịch vụ việc làm theo ngành dọc ở một số địa phương (khoảng 10 địa phương) trong thời gian từ 1 - 2 năm để rút kinh nghiệm, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy để thực hiện trên toàn quốc.

 

PHÒNG NGHIỆP VỤ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh