CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:19

Ứng dụng mô hình “Một điểm đến” trong giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ

 

I. TỔNG QUAN 
Cùng với sự hình thành và phát triển thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ trong lĩnh vực việc làm ngày càng phát triển đa dạng và linh hoạt hơn. Các quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung để kịp thời thực hiện tốt mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp, nhanh chóng giúp người thất nghiệp tìm được việc làm, đồng thời thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính. 
Nắm bắt được xu thế phát triển chung của xã hội nói chung và của thành phố Cần Thơ nói riêng về nhu cầu dịch vụ tìm hiểu chính sách pháp luật, thủ tục về lao động, việc làm, học nghề của người lao động ngày càng tăng cao và đa dạng, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ (Trung tâm Cần Thơ) nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi phương thức hoạt động sao cho phù hợp với thực tế tại địa phương. Chính vì vậy, sau khi tiếp nhận dự án “Hỗ trợ thành lập Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam”  tại Cần Thơ năm 2011, Trung tâm Cần Thơ đã mạnh dạn đi đầu trong việc xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình “Một điểm đến” trong giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị. 

II. MÔ HÌNH TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM GẮN VỚI GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
1. Mô hình “Một điểm đến”
Thay đổi để tồn tại và phù hợp với xu thế, chính vì vậy mà Trung tâm Cần Thơ đã trải qua rất nhiều lần trong thay đổi mô hình tổ chức của đơn vị. Cụ thể như sau:
- Từ tháng 1/2010 đến tháng 4/2010, tổ chức phòng Bảo hiểm thất nghiệp và dàn hàng ngang để từng viên chức của phòng tiếp nhận, rà soát, thẩm định và tự giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp. Với phương thức này, phát sinh nhiều sai sót và chậm trễ về thời gian, vừa là do công việc quá mới, nhưng phần lớn là do cách tổ chức giải quyết công việc chưa hợp lý, mặc dù số lượng người đăng ký và đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn ít.

- Từ tháng 5/2010 đến tháng 3/2012, tăng cường nhân lực cho phòng Bảo hiểm thất nghiệp để hình thành các bộ phận: Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, rà soát, thẩm định trong phòng này, đồng thời tổ chức mặt bằng giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp với sự tham gia của viên chức ở nhiều phòng như: Phòng Giao dịch việc làm, Phòng Thông tin - Tư vấn, Phòng Đào tạo. Với phương thức này, kết quả và hiệu quả có khá hơn, nhưng người thất nghiệp phiền hà vì phải đi lại nhiều điểm, gặp nhiều người trong nhiều lần để giải quyết đồng thời các nhu cầu nghề nghiệp, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quan hệ lao động của mình.
Từ tháng 4/2012 đến nay, tiếp nhận mô hình giới thiệu việc làm mới One - Stop  được các Trung tâm Giới thiệu việc làm Hàn Quốc áp dụng rất thành công và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực từ dự án nêu trên. Trung tâm Cần Thơ đã tổ chức thực hiện theo mô hình “Một điểm đến” trong giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, với phương thức thực hiện như sau:
a) Vậy mô hình “Một điểm đến”    là gì?
Mô hình “Một điểm đến” là một dịch vụ trọn gói, cung cấp tất cả các dịch vụ tại một điểm tiếp nhận ban đầu. Mô hình này đã được triển khai và ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, đem lại lợi ích và thuận tiện rất nhiều. Nhưng riêng ở Việt Nam mô hình này vẫn còn mới mẻ, chưa được áp dụng rộng rãi và nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp và giới thiệu việc làm. 
Với mô hình “Một điểm đến” này, khi người lao động đến trực tiếp tại trụ sở của Trung tâm có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm, nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhận kết quả hưởng trợ cấp thất nghiệp, đề nghị hỗ trợ học nghề, nhận kết quả học nghề, thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng và nhu cầu khác đều sẽ được viên chức tư vấn ban đầu, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả trực tiếp đến người lao động theo các bước như sau:
Bước 1: 
- Tư vấn cho người lao động về các vị trí việc làm trống đang tuyển dụng, danh bạ đào tạo nghề đang chiêu sinh và nội dung, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, quyền lợi, trách nhiệm khi đề nghị và hưởng bảo hiểm thất nghiệp; trình tự, thủ tục đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. 
- Xác định nhu cầu của người lao động theo các trường hợp như sau: 
+ Trường hợp người lao động không có nhu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp do chưa đủ điều kiện hưởng hoặc chỉ muốn tìm việc làm mới và bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước đó.
Tư vấn xác định mức độ thích hợp nghề, hướng dẫn cách tạo dựng hình ảnh cho bản thân, hướng dẫn làm C.V, hướng dẫn hồ sơ dự tuyển chỗ làm việc mới, hướng dẫn cách thức tham dự phỏng vấn và tổ chức tham dự phỏng vấn thử (theo yêu cầu) với mục tiêu là cung cấp cho người lao động những kỹ năng cần thiết để tự tin, sẵn sàng tìm kiếm việc làm mới. 
Định hướng những vị trí việc làm mà xét thấy phù hợp với người lao động để giúp họ nhanh chóng trở lại thị trường lao động. 
Kết nối nghề nghiệp, kết nối     việc làm.
Ghi nhận thông tin để giữ mối quan hệ với người lao động để quản lý sau khi tiếp nhận và trả kết quả cho người lao động. 
Kết thúc khi người lao động không còn nhu cầu.
+ Trường hợp người lao động có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì thực hiện tiếp bước 2. 
Bước 2:
Tiếp nhận hồ sơ theo quy định (thực hiện quy trình về nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp). Xác định nhu cầu về việc làm và học nghề của người thất nghiệp, tiếp tục thực hiện tư vấn như trên.
Bước 3: 
- Chuyển hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ra tuyến sau (Bộ phận kết nối việc làm thuộc phòng Tư vấn và hỗ trợ khách hàng, phòng Xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp và phòng Đào tạo) để kiểm tra và thẩm định.
- Nhận kết quả từ tuyến sau để trả cho người lao động; tư vấn và thực hiện các quy định tiếp theo  (nếu có).
Bên cạnh việc tư vấn tại mô hình “Một điểm đến”, Trung tâm Cần Thơ còn đa dạng hóa bằng các hình thức tư vấn khác nhằm tạo sự phong phú hơn cho khách hàng, mỗi chương trình tư vấn sẽ mang đến cho khách hàng sự tiện lợi và hữu ích nhất định, như: 
- Tư vấn trực tiếp mang tính chất riêng tư (Tư vấn 1:1): Viên chức tư vấn sẽ hỗ trợ tư vấn cho khách hàng trực tiếp đến trung tâm tại không gian làm việc của phòng Tư vấn và hỗ trợ khách hàng, mỗi viên chức tư vấn tiếp nhận và quản lý khách hàng mà mình tiếp nhận từ lúc ban đầu đến khi trao trả kết quả và quản lý sau kết quả.
- Tư vấn nhóm, tư vấn chuyên sâu: Đây là hoạt động vừa để cung cấp thông tin cần thiết về việc làm, học nghề giúp người thất nghiệp nhanh chóng quay lại thị trường lao động, vừa kiểm soát được việc tư vấn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tránh tình trạng trục lợi từ chính sách hỗ trợ học nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã giảm được nhiều thời gian chờ của khách hàng, tránh phản ứng tiêu cực do phải chờ lâu.
- Ngoài ra, ứng dụng công nghệ hóa trong công tác tư vấn, Trung tâm Cần Thơ còn tổ chức tư vấn  qua tổng đài điện thoại (Call-center), mạng xã hội Facebook và Zalo của Trung tâm để tư vấn cũng như     đưa tin, mời gọi người lao động     đến tham dự các sự kiện do Trung tâm tổ chức. 
Mô hình “Một điểm đến” đặt mục tiêu vì lợi ích cộng đồng lên hàng đầu. Hoạt động của mô hình này tạo sự gần gũi giữa khách hàng và người phục vụ, giúp người lao động định hướng được nghề nghiệp và tìm được công việc phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn của mình thông qua các bài trắc nghiệm về tính cách hay kiểm tra độ yêu thích nghề nghiệp, bổ sung kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho người lao động để họ dễ dàng thích nghi với môi trường mới đầy bỡ ngỡ.

2. Nhân lực thực hiện
a) Cơ cấu tổ chức của Trung tâm:
Trung tâm hoạt động với Ban Giám đốc và 5 phòng làm việc với 71 công chức, viên chức và người lao động, bao gồm 4 phòng chuyên môn và 1 phòng phục vụ, gồm: 
- Phòng Tư vấn và Hỗ trợ khách hàng;
- Phòng Xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp;
- Phòng Thông tin thị trường lao động;
- Phòng Đào tạo;
- Phòng Tổ chức - Hành chính -Kế toán.
b) Nhân sự thực hiện tại mô hình “Một điểm đến”.
Con người luôn là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định hiệu quả làm việc của cá nhân và tổ chức. Vì vậy, Trung tâm Cần Thơ căn cứ vào trình độ chuyên môn, năng lực công tác của viên chức, người lao động và yêu cầu công việc để bố trí và phân công đúng người, đúng việc.
Viên chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp nói chung, điều kiện tiên quyết là phải nắm vững kiến thức quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp còn phải đảm bảo trình độ chuyên môn tối thiểu từ cao đẳng, đại học theo quy định của Cục Việc làm. 
Riêng đối với mô hình “Một điểm đến”: Đây là nơi trực tiếp gặp gỡ người lao động trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề nên đòi hỏi viên chức ngoài am hiểu về nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp còn phải hiểu biết cơ bản về tâm lý giáo dục, việc làm, nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động và phân tích tốt, để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của khách hàng.
c) Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức và người lao động của đơn vị để thực hiện hoạt động bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Cần Thơ:
Để thực hiện tốt các nghiệp vụ về chính sách pháp luật, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, hàng năm, căn cứ vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Ủy ban nhân dân thành phố và nhu cầu đào tạo của đơn vị thì Trung tâm Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để cử viên chức và người lao động đi đào tạo phù hợp theo các hình thức sau:
- Cử viên chức, người lao động dự các lớp tập huấn nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp do Cục Việc làm tổ chức. 
- Tổ chức tập huấn theo nhóm do lãnh đạo phòng Xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp phụ trách với nội dung các quy định về chính sách, trình tự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, các tình huống trong thực tế...
- Thực hành thực tế theo phương thức người đi trước hướng dẫn lại người đi sau.
- Viên chức, người lao động tự nghiên cứu văn bản, sau đó viên chức hướng dẫn hoặc lãnh đạo Trung tâm sẽ kiểm tra mức độ ứng dụng công việc bằng nhiều hình thức: hỏi, dự nghe tư vấn cùng khách hàng.
- Tổ chức tập huấn theo hình thức thảo luận giữa các viên chức, người lao động với nhau.
Ngoài việc được đào tạo về nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp, viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm Cần Thơ còn được tham gia bồi dưỡng chính trị, an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả mô hình “Một điểm đến”, viên chức và người lao động tại mô hình này còn được cử tham gia các lớp kỹ năng để phục vụ công việc tư vấn, như sau:
Kỹ năng làm việc nhóm, Kỹ năng đàm phán và Kỹ năng xử lý phàn nàn của khách hàng, Tập huấn kiến thức cải cách hành chính, Kỹ năng phân tích và xử lý vấn đề trong công tác quản trị nhân sự, Lớp quay và dựng phim bằng điện thoại thông minh...
 d) Công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Trung tâm Cần Thơ đối với mô hình này:
- Thường xuyên liên hệ bằng nhiều hình thức và phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp để thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giải quyết hồ sơ và tháo gỡ các vấn đề, vướng mắc phát sinh.
- Thường xuyên báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và hướng dẫn nghiệp vụ từ các đơn vị có liên quan của Cục Việc làm, đặc biệt là để giải quyết các vấn đề về tổ chức nhân sự của Trung tâm và để giải quyết hợp tình, hợp lý các vướng mắc do quy định pháp luật hiện hành.
- Phân chia nhân lực thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thành từng tuyến theo mô hình “Một điểm đến”: Tư vấn, tiếp nhận và trả kết quả - Thực hiện - Kiểm tra - Giải quyết hồ sơ - Lưu trữ, không dàn hàng ngang để thực hiện như trước đây. 
- Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo nhiều mức độ khác nhau: Tự kiểm tra, kiểm tra của bộ phận, kiểm tra của phòng, kiểm tra của Trung tâm.
- Hoà quyện và gắn kết trên cơ sở phân định rạch ròi nghiệp vụ, nhân lực, trang bị và kinh phí của bảo hiểm thất nghiệp với các phòng nghiệp vụ có liên quan của Trung tâm để vừa thực hiện đầy đủ, kịp thời và chính xác các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhanh chóng đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động, tìm được việc làm thích hợp, duy trì được việc làm; vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chung của đơn vị.

III. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP TRONG 10 NĂM QUA
Từ ngày 1/1/2010, các trung tâm dịch vụ việc làm được phân công thực hiện tiếp nhận đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian này, Trung tâm Cần Thơ cũng đã kịp thời thực hiện các công việc về phân công nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự, bố trí địa điểm làm việc; đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và người lao động. Các hoạt động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được triển khai có kế hoạch, trình tự và từng bước chuẩn hóa quy trình, nội dung thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trong kỳ báo cáo, đơn vị đã thực hiện đúng và đầy đủ chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Với kết quả thực hiện nêu trên, Trung tâm Cần Thơ luôn phấn đấu thực hiện giải quyết bảo hiểm thất nghiệp: Đúng quy trình, tiến độ, hạn chế xảy ra sai sót với tiêu chí: 
- Tất cả người được hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được Trung tâm tư vấn nội dung cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc làm và học nghề.
- Người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được Trung tâm tổ chức giải quyết hưởng đúng trình tự hiện hành.
- Tỷ lệ rà soát kiểm tra hồ sơ chính xác, tỷ lệ thẩm định hồ sơ, dự thảo Quyết định đúng quy trình và tiến độ hàng năm.
Trong quá trình rà soát, kiểm tra, thẩm định hồ sơ vẫn còn một số sai sót về thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, quyết định nghỉ việc, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp do viên chức tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ có những thời điểm chưa kiểm tra chặt chẽ nội dung trên hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, những trường hợp này đã phát hiện kịp thời trước khi trình ký quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

IV. ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP CỦA MÔ HÌNH “MỘT ĐIỂM ĐẾN” CỦA TRUNG TÂM CẦN THƠ TRONG GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP 
Xác định mô hình “Một điểm đến” là xu thế hàng đầu trong việc tiếp xúc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nên Trung tâm Cần Thơ luôn nỗ lực phấn đấu và hoàn thiện mô hình này trong thời gian qua, với:
1. Ưu điểm
- Giúp người lao động thất nghiệp bớt e ngại khi đến Trung tâm để liên hệ làm hồ sơ, thủ tục; tránh phải đến nhiều nơi, gặp nhiều viên chức để được giải quyết nhu cầu về bảo hiểm thất nghiệp. 
- Tổ chức tư vấn tận tình, hỗ trợ cụ thể cho người lao động trong quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả và phục vụ nhiều tiện ích khác giúp nâng cao năng lực người tìm việc, có thêm cơ hội có được việc làm, nghề nghiệp thích hợp. 
- Không gian thực hiện được bố trí mở, đa dạng, đa tầng, tạo sự thân thiện, thoải mái và tiện lợi cho người lao động trong suốt quá trình, đồng thời giúp Trung tâm nắm chắc hồ sơ, tình cảnh người lao động, làm tiền đề để mời gọi người lao động lựa chọn và sử dụng các dịch vụ khác do Trung tâm cung cấp.    
- Nâng cao năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vị thế công tác của cả Trung tâm và của từng công chức, viên chức. Cải thiện nhanh hình ảnh của Trung tâm đối với công chúng và cấp trên.
- 100% người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp và các vấn đề có liên quan; tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề.
- Tăng cường hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng các hình thức đào tạo chuyên sâu các kỹ năng tìm việc cho người lao động, nhằm sử dụng tốt các kiến thức, kỹ năng, tiện ích cần thiết trong quá trình tìm việc, tìm nghề đã học, làm cơ sở nhanh chóng chọn được nghề, việc làm phù hợp với bản thân, quay lại thị trường lao động với một vị thế tốt hơn. 
- Bố trí các dịch vụ tiện ích để thiết thực phục vụ và tạo tâm lý thoải mái, thân thiện cho người lao động ngồi chờ khi đến giao dịch. 
2. Hạn chế
- Việc tư vấn, tiếp nhận và trả kết quả được thực hiện tại một điểm và có thể do một viên chức đảm nhận nên có thể xảy ra tiêu cực nếu viên chức cố tình vi phạm và đơn vị không thường xuyên kiểm tra, kiểm soát bằng nhiều hình thức.
- Đòi hỏi cao về kỹ năng tư vấn, kỹ năng giao tiếp, kiến thức và nghiệp vụ của viên chức phải vững, viên chức tư vấn phải linh hoạt trong xử lý tình huống.
- Về cơ sở vật chất tại trụ sở và các văn phòng quận, huyện: Với cơ sở vật chất được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư theo kết cấu các phòng, ban và mục đích sử dụng được trang bị hiện nay tại bộ phận tư vấn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo mô hình “Một điểm đến” chưa đầy đủ và hoàn thiện. Máy móc thiết bị được trang bị từ những năm 2010 nên một số máy tính, máy in đã bị hỏng không thể sử dụng được.
- Một số trường hợp phát sinh về hồ sơ của người giữa các tuyến chưa có sự phối hợp kịp thời (đề nghị người lao động cung cấp thông tin để xử lý hồ sơ).
- Thời gian xử lý hồ sơ theo quy trình thủ tục ISO nên việc chuyển trả hồ sơ giữa các tuyến, các bộ phận đôi khi chưa kịp thời.
- Không gian thực hiện được bố trí mở nên viên chức dễ bị lây nhiễm các bệnh thông qua giao tiếp trực tiếp.
- Viên chức làm việc tại mô hình này bao gồm tiếp nhận và trả kết quả tương tự như bộ phận Một cửa của các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy định mức chi hỗ trợ cho viên chức và người lao động làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đối với đơn vị sự nghiệp như Thông tư số 172/2012/TT-BTC ngày 22/10/2012 của Bộ Tài chính quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước.
3. Lưu ý về các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhân viên, đánh giá năng suất, hiệu quả công việc
Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện, phòng tránh những vấn đề tiêu cực xảy ra, Trung tâm đã và đang xác định tiêu chí, phương pháp đánh giá năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng viên chức, từng phòng, từng tuyến như sau:
- Sự hài lòng của khách hàng khi đến liên hệ thông qua các phiếu khảo sát mức độ hài lòng của người lao động.
- Mức độ sai sót khi tư vấn tiếp nhận hồ sơ bằng cách kiểm tra chéo giữa tuyến tư vấn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và tuyến kiểm tra, thẩm định hồ sơ.
- Kết quả tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề hàng tháng.
- Kiểm tra nghiệp vụ thường xuyên (trao đổi trực tiếp hoặc đóng vai khách hàng gọi điện yêu cầu tư vấn).
4. Các biện pháp hoàn thiện mô hình “Một điểm đến” trong thời gian tới
- Xây dựng sự đoàn kết, nhất trí  trong nội bộ với mục tiêu là tạo được niềm tin và sự hài lòng của khách hàng.
- Tổ chức đào tạo bằng nhiều hình thức để nhanh chóng nâng cao năng lực và kỹ năng cho viên chức về nhiều mặt; đồng thời có biện pháp để khuyến khích bản thân từng viên chức tự trau dồi kiến thức, tự học tập nâng cao năng lực của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ cho việc thực hiện nghiệp vụ.
- Xây dựng các phần mềm quản lý dữ liệu hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ để có thể đáp ứng được việc truy xuất dữ liệu phục vụ cho việc kết nối việc làm và quản lý sau xin việc cũng như các biểu mẫu báo cáo theo qui định.
- Phân quyền để kiểm tra chéo về việc giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp giữa các Phó Giám đốc Trung tâm và ban hành chế độ tự kiểm tra nghiệp vụ trong lĩnh vực này.

V. KẾT LUẬN
Trung tâm Cần Thơ đã và đang nỗ lực hết mình trong việc đưa mô hình “Một điểm đến” vào hoạt động ngày càng hoàn thiện hơn, phục vụ đúng và đủ cho nhu cầu về việc làm của cộng đồng. Điều này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, góp phần vào ổn định dân sinh xã hội. Mô hình “Một điểm đến” ra đời nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức Trung tâm đối với khách hàng và hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về nghề nghiệp, việc làm hơn cho mọi người với phương châm “Sự hài lòng của quý khách là niềm vui của chúng tôi!”. 

 

TRUNG TÂM DVVL THÀNH PHỐ CẦN THƠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh