Bình đẳng giới góp phần phát triển bền vững
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:17 - 14/09/2015
Bà Lê Thị Sương Mai.
* Thưa bà, Sở LĐ-TB&XH TP đã có những đề án, chương trình và giải pháp gì để thực hiện tốt công tác này?
- Được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp vối các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành phố, quận, huyện và các đơn vị liên quan tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước về bình đẳng giới, công tác nữ trên địa bàn.
Thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, Nghị quyết 57/2009/NQ-CP của Chính phủ về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Thành uỷ, UBND TP đã ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện công tác bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ nhằm giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Sở LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 53/ KH-SLĐTBXH ngày 2/8/2012 về việc hướng dẫn thực hiện mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh....
* Mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới được triển khai thực hiện từ năm 2012. Vậy, những kết quả đạt được như thế nào, thưa bà?
- Thạnh Lộc hiện là xã vùng ven của huyện Vĩnh Thạnh được chia tách từ huyện Thốt Nốt năm 2004. Đây là xã thuần nông, ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, một số ít là nghề thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, đời sống người dân còn khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo tỷ lệ còn cao, nhận thức của một bộ phận người dân còn mang nặng tính truyền thống về phong tục, tập quán sự phân biệt đối xử với giới nữ trong việc hưởng thụ, áp đặt, vì vậy tình trạng bất bình đẳng thường xảy ra.
Lao động nữ nghề dệt may.
Ngoài việc triển khai mô hình “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” -hoạt động trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015. BCĐ xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời thường xuyên đôn đốc các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong cán bộ và nhân dân. Từ đầu năm 2015 đến nay, BCĐ thực hiện mô hình đã tuyên truyền việc thực hiện mô hình bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các cuộc hội nghị, các buổi sinh hoạt CLB, tổ, nhóm để lồng ghép tuyên truyền. Ngoài ra, còn phân công thành viên trong BCĐ xuống từng khu dân cư kết hợp các ấp tuyên truyền được 12 cuộc có 404 người tham dự.
Hai tháng một lần, CLB tổ chức nói chuyện chuyên đề, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về giới và bình đẳng giới. Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về giới và bình đẳng giới vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần. Nhờ đó, tình trạng bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới giảm về cả số vụ lẫn tính chất nghiêm trọng. Các CLB phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn xã đã phát hiện, can thiệp được 4 vụ bạo lực gia đình, giảm 3 vụ so với cù#ng kỳ năm 2014. Thời gian triển khai thực hiện mô hình chưa dài, nhưng đã làm chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới. Có những đối tượng trước đây thường gây bạo lực trong gia đình, sau khi được tư vấn đã có suy nghĩ tích cực biết sửa sai, tự nguyện chia sẻ gánh vác công việc gia đình cùng vợ con...
* Từ những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện các mô hình, TP. Cần Thơ có kế hoạch gì trong thời gian tới?
-Thời gian tới, BCĐ tiếp tục tham mưu, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, tư vấn chuyển đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong công tác bình đẳng giới. Tiếp tục rà soát, nắm lại một số hộ có nguy cơ, thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình để có biện pháp tiếp cận, vận động kết nạp vào hội viên sinh hoạt ở các CLB, tư vấn chuyển đổi nhận thức, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, góp phần làm giảm bạo lực trên cơ sở giới.
Đa dạng hóa các hoạt động để duy trì CLB, thu hút hội viên, thành lập đội ngũ tư vấn viên có đủ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng xã hội để các thành viên mạnh dạn nói ra những vấn đề khó trong đời sống gia đình, đồng thời phối hợp với công an, an ninh trật tự xã, phường để giảm thiểu, ngăn chặn và giải quyết kịp thời khi có những tình huống bạo lực giới xảy ra.