THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:51

Tỷ lệ cạnh tranh giữa người tìm việc giảm mạnh

Sau 3 quý đầu tiên tăng trưởng ở mức 20-30%, quý cuối cùng của năm 2014 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc ở mức 58% so với cùng kỳ năm trước đó, kết quả này góp phần quan trọng giúp cho nhu cầu tuyển dụng năm 2014 tăng đến 38% so với 2013.

Đóng góp một phần vào mức tăng trưởng ấn tượng đó là các Cty công nghệ thông tin, đặc biệt là các Cty của Nhật Bản, với các chiến dịch tuyển dụng số lượng lớn lao động trong năm  vừa qua.

Trong khi đó, về phía nguồn cung lao động, mức tăng trưởng đã chững lại. Kết quả toàn năm cho thấy nguồn cung lao động giảm nhẹ ở mức 1%.  Ông Gaku Echizenya, Giám đốc Điều hành của VietnamWorks, nhận xét: “Cùng với xu thế phục hồi của nền kinh tế, tình hình tuyển dụng nhân lực đang ngày càng khởi sắc.

Rất nhiều nhà tuyển dụng đang tìm kiếm nhân tài tại Việt Nam, tuy nhiên, số lượng nhân tài có kinh nghiệm chưa đáp ứng đủ nhu cầu này. Do đó, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn có rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai gần”.

Việc nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh và nguồn cung nhân tài giảm dẫn đến hệ quả là tỷ lệ cạnh tranh đối với người tìm việc giảm mạnh. Nếu như năm 2013, trung bình mỗi ứng viên phải cạnh tranh với 65 ứng viên khác cho một vị trí, thì năm 2014, con số ứng viên cạnh tranh giảm chỉ còn 48.

thị trường nhân lực trực tuyến 2014: Tỷ lệ cạnh tranh giữa người tìm việc giảm mạnh

Nguồn Báo cáo VietnamWorks.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thị trường lao động dễ dàng hơn với người tìm việc, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, bởi các công việc đều đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn.

Do đó, xảy ra tình trạng có nhiều lựa chọn công việc cho những người đã đi làm nhiều năm, thu thập được một “số vốn” kinh nghiệm kha khá. Trong khi đó, người mới ra trường không tìm được nhà tuyển dụng phù hợp, cho dù nhìn chung số lượng công việc được đăng tuyển đã tăng lên rất nhiều so với năm 2013.

Sự dư thừa công việc cấp cao được thể hiện rõ trong báo cáo số công việc dành cho sinh viên mới ra trường chỉ chiếm 3%, còn lại là các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng quản lý.

 Báo cáo nhân lực trực tuyến năm 2014 của VietnamWorks cũng cho thấy, Hà Nội là địa phương đăng tuyển nhiều nhất, vượt qua cả TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, số lượng ứng viên nộp đơn tại Hà Nội không nhiều bằng TP. Hồ Chí Minh, dẫn đến việc Thủ đô không nằm trong top 5 địa phương có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất về phía ứng viên.

TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng và Bắc Giang là 5 địa phương tuyển dụng “nóng” nhất về mặt cạnh tranh giữa các ứng viên. Đơn cử với TP. Hồ Chí Minh, để giành được một vị trí công việc, mỗi ứng viên trung bình phải vượt qua 58 ứng viên khác.

Tính theo ngành nghề, liên tục trong các quý của năm 2014, kế toán luôn đứng trong top đầu các ngành có tỷ lệ cạnh tranh giữa các ứng viên cao nhất. Nhìn chung toàn năm, trung bình một ứng viên ngành kế toán phải vượt qua 102 ứng viên khác để được tuyển dụng vào làm việc trong ngành này. Các ngành nghề: Hành chính, thư ký, xuất nhập khẩu và điện, điện tử cũng có tỷ lệ cạnh tranh rất cao trong năm 2014.

Về nhu cầu nhân lực, ngành tư vấn và kiến krúc, thiết kế nội thất tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt ở mức tăng 93% và 79% so với năm 2013. Trong khi đó, về nguồn cung nhân lực, hai ngành kiến trúc, thiết kế nội thất và dược phẩm, công nghệ sinh học dẫn đầu với mức tăng trưởng lần lượt là 31% và 22% so với năm ngoái.  

Văn Lý

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh