THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:45

Tây Nguyên "khát" nhân lực

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Quốc Cường nhấn mạnh: “Dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động phục vụ phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên trong giai đoạn đến năm 2020”. Theo ông Trần Quốc Cường, mặc dù công tác đào tạo nghề đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Toàn cảnh hội nghị

Dự báo đến năm 2015, toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 5,5 triệu người, đến năm 2020 là 6 triệu người, bằng 6% dân số của cả nước. Đến năm 2015 có khoảng 3,6 triệu người đến độ tuổi lao động, đạt 4 triệu người vào năm 2020. Để đáp ứng công cuộc CNH-HĐH, nhu cầu nhân lực trong toàn vùng phải tăng nhanh cả số lượng lẫn chất lượng. Theo đó, tốc độ tăng lao động qua đào tạo toàn vùng bình quân hàng năm giai đoạn 2011- 2020 phải khoảng 7%/năm(giai đoạn 2011- 2015 khoảng 9%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 5,5%/năm). Tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng đến năm 2015 đạt khoảng 41% và đến năm 2020 đạt 50%. Năm 2015, nhân lực qua đào tạo của vùng sẽ đạt khoảng 1,3 triệu người và đến năm 2020 đạt khoảng 1,7 triệu người. 

Trong giai đoạn 2011-2020, vùng Tây Nguyên sẽ tập trung đào tạo đủ nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn như: công nghiệp thủy điện, khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, nhân lực kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển của ngành trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, ca cao, điều…Phát triển nhân lực tại chỗ cho các ngành khác như tài chính ngân hàng, tín dụng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Mai Thúy Nga phát biểu tham luận tại hội nghị

Để đạt mục tiêu này, đến năm 2020, mỗi tỉnh Tây Nguyên phải có ít nhất một trường cao đẳng nghề (trong đó, mỗi trường có ít nhất 2 đến 3 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 3 đến 5 nghề cấp độ quốc gia), đầu tư xây dựng các trường dân tộc nội trú hoặc thành lập khoa dân tộc nội trú tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, đồng thời, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở tất cả các huyện thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, bổ sung đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, có chính sách hỗ trợ người học nghề thích hợp, phù hợp với tình hình thực tế…

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành trung ương sửa đổi, bổ sung một số chính sách dạy nghề đối với các đối tượng đặc thù như sửa đổi, bổ sung Quyết định 267, 195 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú theo hướng mở rộng đối tượng, hình thức đăng ký.Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ dạy nghề cho các địa phương thuộc các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, càn điều chỉnh các mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế. ..

Thanh niên Tây Nguyên học nghề cạo mủ cao su.

Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đổi mới và cơ cấu lại hệ thống dạy giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo hợp lý về số lượng, quy mô, ngành nghề, cấp trình độ, đi đôi với nâng cao chất lượng và hiệu quả. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính cho các cơ sở dạy nghề cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động học nghề trong vùng, nhất là chính sách hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi để được tham gia học nghề, tự tạo việc làm, nghiên cứu, hướng dẫn các hình thức tổ chức đào tạo phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Giai đoạn 2005- 2013, các tỉnh Tây Nguyên đã giải quyết việc làm cho trên 800 nghìn lao động, chủ yếu là thanh niên nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng Tây Nguyên hiện đạt khoảng 37%(qua đào tạo nghề được 30%). Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có 162 cơ sở dạy nghề, gồm 1 trường đại học, 9 trường cao đẳng nghề , 25 trường trung cấp nghề, còn lại là các trung tâm dạy nghề… Quy mô, năng lực đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề các tỉnh khu vực Tây Nguyên được nâng lên đáng kể và các ngành nghề đào tạo chủ yếu là phục vụ cho phát triển kinh tế của các địa phương, gắn với thế mạnh của vùng như: du lịch, lâm sinh, chế biến cà phê, ca cao, kỹ thuật máy nông nghiệp, chế biến gỗ, vận hành điện trong nhà máy thủy điện, khai thác khoáng sản…

Trọng Độ-Thanh Phúc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh