Bộ GD&ĐT: Lý giải hiện tượng “mưa điểm 10” kỳ thi THPT Quốc gia
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:29 - 07/07/2017
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Trước những băn khoăn về “cơn mưa điểm 10”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cho rằng, việc xuất hiện điểm 10 ở các môn thi là bình thường. Điểm thi năm 2017 đạt cao là vì đề thi được ra sát với năng lực của thí sinh. Trong đó, có 60% là phần cơ bản rồi cho nên hầu hết các em đều có thể làm được phần này, còn 40% nâng cao mà 40% nâng cao đấy đề thi chuẩn hóa nên bao quát tất cả chương trình, chứ không phải các em học tủ, trúng tủ mới làm được điểm cao mà hầu hết các em học toàn bộ chương trình các em nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa thì các em đều có thể làm được điểm cao. “Việc xuất hiện nhiều điểm 10 ở kỳ thi năm nay, đó là những học sinh giỏi thực sự. Bởi vì, đề thi năm nay là trắc nghiệm khách quan, được chuẩn hóa nghĩa là các ma trận đề thi được xây dựng có câu dễ, trung bình, khó và rất khó. Đây là một đề thi rải rất khó cho đến dễ mà thí sinh làm được như vậy, đạt điểm tuyệt đối như vậy chứng tỏ thí sinh rất là giỏi”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải, nhiều điểm cao không có nghĩa là coi thi thiếu nghiêm túc hay đề thi quá dễ. Muốn đánh giá chất lượng bài thi, phải chờ kết quả tổng thể. Nếu phổ điểm nghiêng hẳn về phần điểm cao, còn điểm 0, điểm 1 lại quá thấp thì lúc đó mới kết luận đề thi quá dễ, thí sinh nào cũng làm được. Còn nếu phân bố tập trung ở điểm 5 điểm 6 thì đề thi đó bình thường, nếu nghiêng quá nhiều về điểm thấp thì đề thi quá khó. Đánh giá kết quả thi, chất lượng làm bài, chất lượng đề phải dựa vào phổ điểm. Việc nhận định từ hiện tượng điểm 10 bao nhiêu thí sinh, điểm 9 bao nhiêu thí sinh thì phiến diện.
Nói về hơn 4.200 điểm 10 xuất hiện trong kỳ thi THPT 2017, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Là chủ tịch hội đồng ra đề thi năm nay, tôi chúc mừng những học sinh đạt điểm 10, điểm số đã cho thấy các em có tư duy tốt. Nếu chúng ta nhìn khái quát hơn ở số liệu phân tích thống kê điểm thi tại các tỉnh, thành thì sẽ thấy rõ điểm 10 nhiều nhưng bài thi bị 0 điểm cũng nhiều. Điều đó cho thấy, điểm 10 thực sự có giá trị”.
Còn về việc nhiều người nhận định đề thi THPT quốc gia 2017 dễ hơn nhiều, ông Sái Công Hồng cho rằng, nhận định như vậy là chưa khách quan. Theo số liệu phân tích sơ bộ, môn Toán có 278 điểm 10 nhưng có 761 điểm 0. Cũng ở môn này, toàn quốc có tới 1.577 em điểm từ 1 trở xuống (điểm liệt) và trượt tốt nghiệp. Điểm trung bình của môn Toán là 5,18, điểm dưới 5 xấp xỉ 49,2%.
Ảnh minh họa.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong vài ngày tới Bộ GD&ĐT sẽ phân tích kết quả thi và ngày 12/7, hội đồng xét tuyển điểm sàn của Bộ sẽ họp và thông báo ngưỡng chất lượng đầu vào năm nay. Trước đó, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phổ điểm từng môn thi và tổ hợp xét tuyển truyền thống với mục đích giúp học sinh điều chỉnh nguyện vọng. “Các em nên bình tĩnh trong việc phân tích kết quả của mình và kết quả chung, để quyết định có điều chỉnh nguyện vọng không. Nếu kết quả thi không liệt nhiều so với điểm dự kiến, ví dụ trước đây dự kiến tổng 20 điểm thì trước đăng ký vài nguyện vọng trên, xấp xỉ và dưới 20 rồi thì không cần điều chỉnh”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đưa ra lời khuyên cho các thí sinh.
Phúc khảo trong 10 ngày Theo quy chế thi, mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi, thí sinh đăng ký dự thi ở đâu thì nộp đơn phúc khảo ở nơi đó. Trường phổ thông, nơi thí sinh đăng ký dự thi, nhận đơn xin phúc khảo trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến hội đồng thi. Trong thời hạn, 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố và gửi kết quả phúc khảo cho thí sinh. |