THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:46

Tuyển sinh 2023: Nên lựa chọn ngành học theo năng lực bản thân

Theo các chuyên gia, thí sinh lựa chọn ngành nghề dựa vào năng lực, sở trường của bản thân.

Theo các chuyên gia, thí sinh lựa chọn ngành nghề dựa vào năng lực, sở trường của bản thân.

Không chạy theo ngành “hot”…

Vào mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện về việc chọn ngành, chọn trường luôn là mối bận tâm của hầu hết các thí sinh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không ít bạn trẻ hiện vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc chọn lựa ngành nghề, bị bủa vây bởi quá nhiều thông tin trên mạng xã hội, phụ thuộc thông tin vào "tư vấn viên Google", nghe bạn bè rủ rê nên chọn bừa, theo thị hiếu chọn ngành dễ xin việc làm, lương cao… nên dễ sinh tâm lý chán nản khi vào học, bỏ học nửa chừng gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Theo số liệu từ cổng thông tin tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, những năm gần đây, nhóm ngành dẫn đầu cuộc đua hút thí sinh đều là những ngành “hot” và nghề “mốt" có xu hướng thời thượng: Quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, marketing, đông phương học, y khoa, công nghệ kỹ thuật ô tô… Đây là những ngành đáp ứng xu thế của xã hội theo hướng phát triển thời chuyển đổi số, song thí sinh không nên ngộ nhận các ngành đó đều phù hợp với mọi cá nhân, có thể nhẹ nhàng với người này nhưng sẽ nặng nhọc với người khác, là sở trường của người này nhưng cũng có thể là sở đoản của người kia. 

"Việc chạy theo ngành hot đem lại nhiều rủi ro, bởi ngành được coi là hot hôm nay nhưng có thể sẽ hết hot trong 3 - 5 năm tới do xu hướng việc làm luôn biến đổi theo từng giai đoạn và nhu cầu xã hội. Đặc biệt là sự khuynh đảo của ứng dụng ChatGPT thời gian gần đây được các chuyên gia dự đoán sẽ là mối đe dọa với nhiều ngành nghề trong tương lai. Do đó thí sinh phải xác định được năng lực, sở thích của mình… để chọn ngành nghề phù hợp nhất…", ThS Bùi Quang Trung, Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ.

 

Lựa chọn ngành học theo năng lực bản thân

PGS, TS Vũ Duy Hải, Phó trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, qua thực tiễn tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, thí sinh đang quan tâm nhiều tới các ngành học như: Công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, IoT, tự động hóa...

Tuy nhiên, một số ngành học truyền thống, cốt lõi của nền công nghiệp, hay Việt Nam có thế mạnh, nhu cầu về nguồn lao động lớn nhưng thí sinh ít quan tâm như nhóm ngành vật liệu, cơ khí, chế tạo máy, dệt may, môi trường, hóa học, nhiệt lạnh…

Thực tế, các lĩnh vực truyền thống sẽ không thể thiếu trong nền công nghiệp, dù ở giai đoạn phát triển nào. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành này rất lớn. Bên cạnh đó, những ngành học mà Việt Nam đang có thế mạnh như: May mặc, da giày, bảo quản nông sản… sẽ luôn cần nguồn lao động tốt với mức lương hấp dẫn. Các số liệu thống kê của ĐH Bách khoa Hà Nội về việc làm và thu nhập của cựu sinh viên của các ngành học này cũng đã nói lên điều đó.

PGS Vũ Duy Hải khẳng định, thí sinh đã chủ động trong việc chọn ngành học theo sở thích. Tuy nhiên, nhiều thí sinh chưa thực sự tìm hiểu kỹ về ngành học truyền thống, các ngành nghề mà Việt Nam đang có thế mạnh. Thí sinh chưa nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc chọn ngành học phù hợp nhất với sở trường, thế mạnh của mình để sau khi tốt nghiệp sẽ có được ưu thế trong tìm kiếm việc làm với mức lương hấp dẫn.

“Do đó, bên cạnh sở thích, niềm đam mê dành cho ngành dự định học, thí sinh nên tìm hiểu thêm, tham khảo ý kiến từ người thân, thầy cô tư vấn hướng nghiệp để lựa chọn ngành học phù hợp năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình... đặc biệt là tạo nhiều ưu thế cạnh tranh sau khi tốt nghiệp; nên tránh việc chọn ngành học theo xu thế, theo số đông, đánh mất đi sở trường của bản thân”, PGS Vũ Duy Hải đưa ra lời khuyên.

Việc chọn ngành nghề theo cảm tính không chỉ mất hứng thú trong quá trình học tập mà còn lãng phí chi phí, thời gian học tập, khó cạnh tranh cơ hội việc làm. Do đó, các em cần cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn ngành nghề học. Đặc biệt, cần cân nhắc năng khiếu, năng lực của bản thân thay vì nghe theo tâm lý đám đông.

Ngày 1/3, Bộ GD&ĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cụ thể, kỳ thi được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Trong đó, ngày 27/6, thí sinh làm thủ tục dự thi; các môn thi diễn ra trong 2 ngày 28, 29/6; ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh