“Gió đổi chiều” trong tuyển sinh học nghề?
- Giáo dục nghề nghiệp
- 06:36 - 06/03/2023
Tại Hội nghị Đánh giá công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác truyền thông năm 2023, lãnh đạo nhiều trường cao đẳng nghề cho biết, hiện rất nhiều em có điểm tốt nghiệp trên 20 điểm đi học nghề, một trường còn có em đạt 25 - 26 điểm vẫn chọn học nghề.
Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội: "Việc học nghề đã khác so với ngày xưa. Tuy nhiên, GDNN vẫn đang bị coi là thấp kém. Chúng tôi thường tư vấn là những em nào tài năng thì hãy học, còn nếu đi học đại học chỉ vì theo nguyện vọng của bố mẹ, với nhận thức là miễn sao có cái bằng đại học thì tôi khuyên là nên dừng lại ước mơ này.
Học nghề không phải là "chân lấm, tay bùn". Chúng tôi có những phòng học không thua kém các trường quốc tế, nhiều trường đại học lớn cũng không có. Tất nhiên, ở bậc đại học dạy nghiên cứu, chúng tôi dạy thực hành là chính nên phải đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ 4.0 như doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ cao", ông Ngọc nói.
Ông Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho rằng, dư luận vẫn còn tư tưởng người học giỏi mới học đại học, còn học dốt thì chọn trường nghề. Tuy nhiên, nhiều học sinh học giỏi nhưng vẫn đi học nghề vì thiên hướng của họ là phát triển kỹ năng nghề. "Ai có khả năng học đại học thì chọn đại học, em nào muốn rèn luyện, phát triển tay nghề thì hãy chọn cao đẳng. Không nhất thiết cứ phải truyền thông là học nghề mới tốt mà cần tư vấn, định hướng một cách khoa học để phân luồng xu thế năng lực, tố chất, năng khiếu của học sinh cấp 2 - 3, tránh tình trạng các em chọn nhầm môi trường học, nhầm nghề hoặc học xong không được thị trường lao động đón nhận.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Ngọc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Tổng cục GDNN) cho biết, để có đươc thay đổi nhận thức của xã hội về GDNN, ngoài việc đầu tư thì công tác truyền thông GDNN là rất quan trọng, việc đầu tiên là phải chuyển đổi được tư duy của học sinh và phụ huynh. Hiện, nhiều trường đến tận các địa bàn, các trường THPT để tư vấn hướng nghiệp, đó là cách truyền thông hiệu quả. Nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu thầy. cô trong trường hướng nghiệp cho học sinh của mình. "Năm nay, chúng tôi dự định phối hợp với Trung ương Đoàn để đào tạo cho các cán bộ đoàn trong nhà trường phổ thông để họ là cánh tay nối dài giúp chúng ta truyền thông, hướng nghiệp. Đồng thời, chúng tôi tập huấn cho cán bộ quản lý, nhà giáo trở thành các chuyên gia hướng nghiệp. Nếu hệ thống GDNN đào tạo ra nhiều chuyên gia như thế thì công tác truyền thông, hướng nghiệp sẽ thành công", ông Thắng nói.
Thực tế, hiện nhiều người có học vị cao vẫn phải đi học thêm lớp nghề để bổ sung kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, có người học nghề để thay đổi môi trường làm việc. Theo các chuyên gia GDNN, có thể là sau một thời gian vào đời, họ nhận ra công việc đã chọn không phù hợp và muốn thay đổi. Nguyên nhân khác là học nghề được dạy những kỹ năng nghề gắn với một công việc thực tế, học nhanh mà dễ kiếm việc. Thị trường lao động ngày càng coi trọng kỹ năng nghề hơn là bằng cấp, doanh nghiệp chỉ cần lao động làm được việc chứ không cần biết có bằng cấp cao hay thấp. Mà kỹ năng lao động liên tục thay đổi, người lao động không muốn bị đào thải phải thường xuyên học thêm các kỹ năng mới.