Không chọn Lịch sử vì không có đầu ra
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:12 - 10/03/2016
Hội đồng thi THPT 2015 môn Lịch sử chỉ có vài thí sinh dự thi. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nhiều trường “trắng” học sinh chọn Lịch sử
8 môn thi năm nay gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Vật lý, Hóa học. Trong đó, quy chế quy định trong tổng số 4 môn thi để xét tốt nghiệp thì có tới 3 môn bắt buộc 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Tuy nhiên, những thí sinh không được học Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, Bộ GD&ĐT cho phép chọn môn thay thế. Như vậy, ngoài Văn, Toán là hai môn bắt buộc chính, ở nhiều trường, nhiều địa phương học sinh có tới 2 môn tự chọn để thi xét tốt nghiệp THPT.
Ông Nghiêm Quý Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) thông tin, môn Lịch sử năm nay có lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất trong tất cả các môn tự chọn. Cụ thể, trong hơn 400 học sinh lớp 12, chỉ có 6 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử. “Những học sinh này thi khối C nên mới tự tin đăng ký thi xét tốt nghiệp môn Lịch sử”, ông Bình nói. Trong khi đó, môn Địa lý có tới 103 học sinh đăng ký dự thi. Theo ông Bình dù những năm gần đây môn học này cũng được khuyến khích đổi mới dạy học nhưng kết quả chưa khả quan.
Tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội), kỳ thi THPT quốc gia 2015 có hơn chục học sinh chọn môn Lịch sử thì năm nay con số này giảm xuống chỉ có 5/500 học sinh đăng ký. Trong khi đó, môn Địa lý có hơn 200 học sinh đăng ký. Thí sinh chọn môn Địa lý tương đương với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các trường ở khá xa trung tâm Hà Nội cũng có tỷ lệ học sinh chọn môn Sử để thi rất ít như THPT Ba Vì có 60/520 học sinh, THPT Chương Mỹ A có 56/595 học sinh… Đặc biệt, có nhiều trường “trắng” học sinh lựa chọn môn Lịch sử để thi THPT quốc gia như THPT Lương Thế Vinh, THPT Đại Mỗ, THPT Nguyễn Văn Cừ, THPT Tây Đô (Hà Nội)….
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cho hay, đến thời điểm này các trường đang tiến hành rà soát nguyện vọng của học sinh tuy nhiên theo dự đoán, môn Lịch sử sẽ có ít thí sinh lựa chọn. Theo ông Hồng, kỳ thi năm 2015, mỗi điểm thi thí sinh chọn môn Lịch sử không quá 20 em. Tỉnh Kon Tum vừa hoàn tất việc khảo sát thống kê sơ bộ nguyện vọng của hơn 3.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn (chưa kể học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do). Kết quả, có khoảng 30% học sinh lựa chọn môn Lịch sử để dự thi. Trong khi đó, môn Địa lý có tỷ lệ học sinh chọn cao nhất (chiếm 48%). Vĩnh Phúc dự kiến có hơn 10.000 học sinh dự thi THPT quốc gia, tuy nhiên chỉ có 219 học sinh dự kiến chọn môn Lịch sử dự thi (chiếm 2,39%).
Học Sử lo thất nghiệp
Nguyễn Thị Thu Hà, học sinh một trường THPT tại Hà Nội cho rằng, mặc dù rất yêu thích Lịch sử, tuy nhiên, việc em không lựa chọn môn Lịch sử để thi là điều đúng đắn. Bởi theo Hà, kiến thức sách giáo khoa quá dàn trải, để thi được bắt buộc phải ghi nhớ nội dung, sự kiện mà đa số học sinh không thể làm được điều đó. “Chưa kể, đọc đề thi môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2015 với 4 câu dài đòi hỏi học sinh phải có nhiều kiến thức, biết xâu chuỗi sự kiện mới làm bài được nên ai cũng né để chọn phương án an toàn”, Hà nói.
Ông Nguyễn Văn Hồng cũng cho biết: “Với sách giáo khoa và cách dạy, cách ra đề thi như hiện nay thì thí sinh không chọn môn Lịch sử để thi là dễ hiểu”. Lý giải vì sao học sinh lựa chọn môn Địa lý khá nhiều, trong khi môn Lịch sử lại quá ít. Theo ông Hồng : “Học sinh đang chọn phương án an toàn bởi môn Địa lý chỉ dựa vào Atlat địa lý cũng dễ đạt 5 điểm. Kiến thức môn Địa lý xoay quanh thời tiết, tài nguyên, địa hình…nên học sinh dễ học, dễ làm bài hơn”.
Lý giải việc ngày càng có ít học sinh lựa chọn môn Lịch sử để thi THPT quốc gia, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Nguyên nhân chính là do không có đầu ra, học xong không xin được việc làm”. Trên thực tế vị trí, vai trò các môn Khoa học xã hội nói chung, trong đó có môn Lịch sử đang thua kém các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học công nghệ. Hiện nay, học sinh theo học Lịch sử ra trường chỉ có thể làm được những việc như nghiên cứu trong các viện liên quan lịch sử, giáo viên dạy Sử…
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi thì chỉ có khoảng 153.600 thí sinh (chiếm 15,3 %) lựa chọn môn Lịch sử. Kết quả, có 442 thí sinh đạt điểm 0, 1.300 thí sinh bị điểm liệt. |