THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:28

Tuyên Quang phấn đấu có 34 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23/11/2009; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi; Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025; Văn bản số 4966/LĐTBXH-BTXH ngày 16/12/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025. UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xây dựng và nhân rộng mô hình các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (sau đây gọi tắt là Câu lạc bộ), thông qua cách tiếp cận liên thế hệ, tự giúp nhau dựa vào cộng đồng; hỗ trợ cải thiện điều kiện sống và nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi ở cộng đồng dân cư, đặc biệt hướng tới giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo và khó khăn tại cộng đồng. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu mỗi huyện, thành phố thành lập được 1 đến 2 Câu lạc bộ/năm; đến năm 2025, trên địa bàn có ít nhất 34 Câu lạc bộ, với khoảng trên 2.000 người tham gia, trong đó có khoảng 1.300 thành viên người cao tuổi. Chủ động nhân rộng mô hình Câu lạc bộ đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, Tuyên Quang sẽ tiến hành xây dựng mỗi Câu lạc bộ có từ 50 đến 70 thành viên; trong đó, 60%- 70% phụ nữ, 60%-70% người caotuổi, 30%-40% người trẻ tuổi; ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn. Có ít nhất 70% Câu lạc bộ thực hiện đủ các hoạt động và được quản lý tốt để có ít nhất 50% thành viên được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, mọi thành viên được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi. 100% Câu lạc bộ có Quỹ để tăng thu nhập và hoạt động của Quỹ do Câu lạc bộ tự quản lý theo quy chế do Câu lạc bộ ban hành.

Lãnh đạo xã An Khang trao quyết định thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau khu B xã An Khang, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Duy Khanh

Lãnh đạo xã An Khang trao quyết định thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau khu B xã An Khang, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Duy Khanh

Trên thực tế, trong những năm qua, hầu hết các Câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều hoạt động hết sức tích cực và hiệu quả.

Các Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức luyện tập thể dục dưỡng sinh và thực hiện hoạt động thăm khám sức khỏe cho các thành viên, như đo huyết áp, cân nặng, kiểm tra tim mạch vào các buổi sinh hoạt định kỳ; mời cán bộ y tế thôn bản tổ chức truyền thông, tư vấn cho các thành viên về phòng, chống các bệnh thường gặp, cách tự chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi. Đồng thời, phát triển các hoạt động văn hoá, văn nghệ góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần cho các thành viên. Đến nay, 100% Câu lạc bộ đều có đội văn nghệ nòng cốt, luyện tập thường xuyên, tích cực tham gia vào hoạt động phong trào tại địa phương.

Ngoài ra, các Câu lạc bộ cũng chú trọng giúp các hội viên người cao tuổi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong những năm qua, nguồn vốn của Quỹ đã được các Câu lạc bộ cho thành viên vay tối đa 5 triệu đồng/người, thời hạn không quá 2 năm với lãi suất từ 0,6 - 1%/năm. Đã có hàng nghìn lượt thành viên được vay vốn phát triển sản xuất; trong đó, hàng trăm hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đáng chú ý, các Câu lạc bộ đều có tình nguyện viên phát triển kinh tế, giúp tư vấn nâng cao nhận thức, kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ cho các thành viên nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Có thể thấy, mô hình Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau” đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Trong thời gian tới, để nhân rộng và phát triển mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, Tuyên Quang sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, nhân rộng Câu lạc bộ cho Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cán bộ Hội Người cao tuổi các cấp và cá nhân có liên quan. Tổ chức thăm quan, học tập kinh nghiệm về công tác thành lập, tổ chức hoạt động của các Câu lạc bộ tại các địa phương hoạt động có hiệu quả. Phối hợp, đề xuất Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam cung cấp tài liệu, kỹ thuật về nhân rộng Câu lạc bộ. Thành lập Câu lạc bộ tại những nơi đủ điều kiện, đảm bảo chỉ tiêu về số lượng và chất lượng; thường xuyên duy trì hoạt động hiệu quả và chất lượng; kiện toàn các Câu lạc bộ đã thành lập bảo đảm chỉ tiêu về số lượng và chất lượng. Tăng cường tuyên truyền về Kế hoạch, hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về công tác thành lập và hoạt động của Câu lạc bộ, từ đó huy động người dân tích cực tham gia vào Câu lạc bộ…

Ông Nguyễn Quang Sơn - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban đại diện Hội Người cao tuổi Tuyên Quang khẳng định: Các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh đều phát huy tốt vai trò tích cực trong chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, đem lại nhiều lợi ích cho người cao tuổi và cộng đồng. Ở nơi có Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thì ở đó người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn, đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe được nâng lên, có nhiều đóng góp tích cực cho các phong trào quần chúng, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đoàn kết cộng đồng, ổn định chính trị, đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương, cơ sở. Đây là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc, được các cấp ủy, chính quyền đánh giá cao.

Phương Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh