Liên thế hệ chung tay chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi
- Dược liệu
- 06:56 - 21/11/2021
Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, trong những năm qua, vấn đề NCT và quyền của NCT về các mặt trong đời sống xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nổi bật nhất là Hiến pháp được sửa đổi vào năm 2013, tại khoản 3 Điều 37 quy định “NCT được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; tại Điểm 2, Điều 59 nêu “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, chính sách trợ giúp NCT, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác".
Đặc biệt, Luật NCT được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010. Với 6 chương, 31 điều, Luật đã thể chế hoá chính sách của Việt Nam về NCT một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện, đảm bảo cho sự tham gia vào hoạt động xã hội của NCT, đồng thời khuyến khích sự quan tâm của các tổ chức xã hội, cá nhân đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Đây là bước cụ thể hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về thực hiện Tuyên bố Chính trị và Chương trình hành động quốc tế Madrid năm 2002, phù hợp với chính sách chung của nhiều quốc gia và của Liên hợp quốc về NCT. Cụ thể: NCT có các quyền bảo đảm nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ; quyền tự quyết định; được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; được tạo điều kiện làm việc; được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; quyền được ưu tiên giảm giá khi tham gia giao thông công cộng, thăm quan các di tích văn hóa lịch sử; quyền được ưu tiên khi cứu trợ, chăm sóc sức khỏe khi có hậu quả thiên tai hoặc rủi ro khác...
Luật NCT bảo đảm quyền NCT được tham gia Hội NCT Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Đây không chỉ là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với NCT và các tầng lớp nhân dân, mà còn thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước đối với NCT; cũng là bước đi rất thích hợp để Nhà nước Việt Nam có những chính sách và giải pháp chuẩn bị tích cực cho tình trạng dân số già trong những thập kỷ tới.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT tuổi ở nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là Việt Nam đang là một trong những nước đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” khoảng 17 - 20 năm, ngắn hơn nhiều so với một số quốc gia khác như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Mỹ (69 năm), Nhật Bản, Trung Quốc (26 năm)… Điều này tạo ra không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với người cao tuổi.
Trong tổng số trên 11,9 triệu NCT hiện nay vẫn còn có bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già, một bộ phận NCT vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống, một số chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, một số ít chưa được người thân quan tâm, một số người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, họ đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng.
Đặc biệt, NCT có ít cơ hội được tập huấn, đào tạo nghề; gặp khó khăn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo; việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khả năng chi trả của NCT cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nói: "Già hóa dân số là một chủ đề không thể bỏ qua trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030. Già hóa dân số xảy ra không phải vì tỷ lệ tử vong giảm, hay vì con người sống lâu hơn mà vì mức sinh giảm. Tất cả các quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam phải chuẩn bị cho già hóa dân số khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi”.
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang đặt ra và tìm ra những giải pháp mới trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của NCT, kêu gọi sự chú ý và nâng cao nhận thức về vấn đề bất bình đẳng của người cao tuổi trong tiếp cận vòng đời về an sinh xã hội, y tế, học tập suốt đời, lao động việc làm và sinh kế; chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp loại bỏ rào cản để đạt được bình đẳng về tuổi tác, nhằm đưa ra các vấn đề, khuyến nghị tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng đối với người cao tuổi phục vụ cho xây dựng chính sách tại Việt Nam, góp phần làm cơ sở đề xuất, sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp trong thời gian tới… thông qua tiếng nói của người cao tuổi, cần xây dụng và lan truyền thông điệp, đó là: người cao tuổi là những người tham gia tích cực trong xã hội, chứ không phải là gánh nặng của xã hội. Việt Nam cần thiết phải tạo điều kiện cho các cơ hội việc làm, tuổi nghỉ hưu linh hoạt và bình đẳng giữa nam và nữ, phát triển kỹ năng, chăm sóc sức khỏe toàn dân, an sinh xã hội và môi trường thân thiện với người cao tuổi như một phương tiện để đảm bảo thu nhập và lợi ích cho tuổi già. Phá bỏ các rào cản tiến tới công bằng cho người cao tuổi, đặc biệt chấm dứt phân biệt dựa vào tuổi tác nhằm đảm bảo hòa nhập xã hội đối với người cao tuổi – đây là cách hiệu quả nhất để ứng phó với vấn đề già hóa dân số và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.