THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:31

Tuyên Quang: Hiệu quả dạy nghề để nông dân xây dựng vùng chuyên canh

Tuyên Quang:  Hiệu quả dạy nghề để nông dân xây dựng vùng chuyên canh  - Ảnh 1.

Nhờ tham gia các lớp học nghề vườn bưởi nhà Anh Nguyễn Đăng Thuận Thôn Khuôn Thống (Phúc Ninh, Yên Sơn, Tuyên Quang)

Thôn Khuôn Thống (Phúc Ninh, Yên Sơn, Tuyên Quang) là vùng đất chuyên canh cây ăn quả. Nhiều năm nay kinh tế khấm khá nhà nào cũng giàu lên trông thấy. Yên Sơn có được sự đổi thay ấy là nhờ chính quyền địa phương và nông dân đã làm tốt công tác dạy nghề học nghề.

Anh Nguyễn Đăng Thuận (44 tuổi) ở thôn Khuôn Thống là một trong 30 nông dân từng học nghề trồng cây ăn quả . Anh Thuận kể lại, năm 2017 anh cùng với 30 lao động khác trong xã được tham gia lớp dạy nghề trồng cây ăn quả.

Chỉ trong 3 tháng, lao động ở đây đã học được rất nhiều kỹ thuật về nhân giống, cấy ghép, chiết cành, bón phân thúc cây, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.... kết thúc lớp học anh đã áp dụng những kiến thức và kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình.

"Sau kết thúc khóa học, mình sử dụng được nhiều kiết thức về quy trình bón phân, cách thức cấy, ghét cây và đặc biệt cách thức xử lý sâu bệnh, phun thuốc đúng tiêu chuẩn VietGap để chăm sóc nên mang lại sản phẩm chất lượng cao, cho giá trị kinh tế tốt" – anh Thuận nói.

Hiện nay, anh đang tiếp tục nhân rộng và phát triển 2,7 héc ta trồng bưởi ngọt, bưởi da xanh, bưởi đường. Ngoài ra, 1 héc ta cam Vinh được anh gieo trồng cũng bắt đầu cho thu hoạch. Theo tính toán, một năm trừ chi phí mô hình trồng cây ăn quả từ gia đình cũng mang về cho gia đình anh khoảng 300-400 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Đức Quân – Chủ tịch Hội nông dân xã Phúc Ninh cho biết, có kết quả này là do thành quả của việc xây dựng chiến lược dạy nghề dựa trên thế mạnh kinh tế chủ lực của địa phương.

"Từ lâu địa phương đã xác định thế mạnh kinh tế của địa phương là làm nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Tuy nhiên, do không được đầu tư, hỗ trợ nên trước đây bà con trồng cây ăn quả theo kiểu tự phát manh mún. Từ năm 2016, khi chính quyền có chủ trương quy hoạch thành vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hành hóa thì vùng trồng cây ăn quả ở Phúc Ninh (Yên Sơn) mới được phát triển. " – ông Quân nói.

Cũng theo ông Quân trước đây, bà con ở Phúc Ninh chỉ tham gia lớp tập huấn, nhưng từ năm 2016 trở về đây, thay vì tập huấn kỹ thuật, địa phương phối hợp với các trường nghề mở nhiều lớp dạy nghề sơ cấp cho bà con, trung bình mỗi năm năm mở 2-3 lớp dạy nghề. Các lớp dạy nghề chủ yếu dạy bà con về kỹ thuật gieo trồng mới, hoặc dạy về kỹ năng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm...

Ông Đinh Văn Hậu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết, từ lâu Yên Sơn đã được biết đến với một vùng trồng cây ăn quả rộng lớn. Tuy nhiên, do chưa khai thác hết thế mạnh nên đời sống kinh tế của bà con còn gặp nhiều khăn. Thế nhưng, từ năm 2016 trở về đây nhờ làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa trồng cây ăn quả, kết hợp với dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm tăng cường kiến thức kỹ thuật cho bà con nên những thế mạng của địa phương ngày càng được phát huy.

Hiện nay, toàn huyện có hơn 3.000 héc ta cây ăn quả (chủ yếu là cam, bưởi), trong đó có hơn 1.000 héc ta cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Để phát triển hơn nữa thế mạnh vốn có, từ đầu năm 2019 tới nay huyện đã kết hợp với nhiều đơn vị tổ chức mở 17 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. 90% trong tổng số lớp là dạy nghề trồng trọt cây ăn quả.

"Các mô hình dạy nghề nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, VietGap được nhiều nông dân lựa chọn, đăng ký theo học. Tiếp đến là các lớp về chăn nuôi thú y. 100% các lớp dạy nghề đều được xây dựng dựa trên nhu cầu người học và thế mạnh của địa phương" – ông Hậu nói.

Điều đáng nói là nông dân ở Yên Sơn, không chỉ được hỗ trợ học nghề, sau học nghề bà con còn được kết nối để vay vốn phát triển sản xuất, và hỗ trợ bao tiêu, giới thiệu sản phẩm cây ăn quả qua hợp tác xã, các buổi xúc tiến thương mại tại địa phương và cả ở các tỉnh thành phố khác như: Hà Nội, Hải Phòng...

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó chủ tịch Hội Nông dân – GĐ Trung tâm dạy nghề Nông dân tỉnh Tuyên quang cho biết, từ 5 năm trở lại đây hoạt động dạy nghề của trung tâm đã được chuyển đổi một cách mạnh mẽ, bám sát nhu cầu của thị trường và thế mạnh của địa phương.

"Giờ đây không phải là dạy cái mình có mà phải dạy cái mà nông dân cần. Theo đó, một yêu cầu tiên quyết là phải dạy nghề dựa trên những thế mạnh của địa phương, giúp nông dân phát huy thế mạnh đó để phát triển kinh tế làm giàu. Nếu dạy nghề mà đơn điệu, kiến thức cũ thì nông dân sẽ không hào hứng theo học" – bà An nói.

Cũng theo bà An và ông Hậu thì thời gian tới Hội nông dân các cấp ở Tuyên Quang vẫn sẽ tiếp tục bám sát nhu cầu của người học và xu hướng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp.

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh