THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:10

Tượng thạch cao - niềm vui của trẻ em phố núi

Người mang niềm vui cho trẻ thơ

Dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa, một góc cổng Trường THCS Hoà Xuân (xã Hoà Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột), vợ chồng anh Phạm Hữu Lộc (thành phố Buôn Ma Thuột) đang ngồi tỉ mẩn xếp ngay ngắn những bức tượng đủ các kiểu mẫu trắng tinh trên 1 cái bàn nhỏ để bán cho khách hàng nhí của mình. Vợ chồng anh đã có hơn 12 năm rong ruổi trên khắp mọi vùng đất Tây Nguyên đưa trò chơi mang tính giải trí, giáo dục thẩm mỹ, khơi dậy khả năng sáng tạo và cảm thụ cái đẹp qua các sản phẩm tượng thạch cao do chính anh làm ra. Các tượng có giá từ 2.000 -15.000 đồng/tượng.

Em Neri Byă (buôn Cư Dluê, xã Hoà Xuân) kể: “Em rất thích tô tượng, thích nhất là tượng chú mèo Doremon nhưng không có tiền để mua, lâu lâu em xin các bạn tô ké thôi. Nhà em nghèo, bố mẹ làm nương rẫy để nuôi 4 chị em trong độ tuổi ăn học, nhưng em sẽ cố gắng học thật giỏi, khi có tiền sẽ mua một tượng chú mèo Doremon”.

Cháu Anh Phước đang say sưa tô tượng

Chị Trần Thị Lan Phương (45 tuổi, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Hiện nay, sự xuất hiện của các trò chơi hiện đại đã khiến những trò chơi dân gian bị mai một. Những người nặn tượng như anh Lộc không chỉ làm sống dậy ký ức tuổi thơ. Tô tượng là một trò chơi khơi dậy khả năng sáng tạo và cảm thụ cái đẹp qua các sản phẩm mà bé làm ra. Vì thế cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ tôi thường đưa con nhà văn hoá thnah thiếu nhi tô tượng. Ngoài ra những khi con được cô giáo khen, có thành tích cao trong học tập thì tôi cũng mua tượng về làm phần thưởng cho con tô ở nhà.

Bé Lê Quang Anh Phước (Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, thành phố Buôn Ma Thuột) đang hào hứng vẽ màu trên tượng con mèo, cho biết: Hôm nay, cháu được cô giáo khen nên mẹ cho đi tô tượng. Mỗi lần tô xong cháu mang về để ở bàn học làm kỷ niệm. 

Niềm vui của người làm tượng

Trong căn phòng nhỏ của dãy trọ cuối đường Giải Phóng, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, anh Nguyễn Hữu Lộc và vợ là Trần Thị Kim đang cẩn thận gỡ từng bức tượng trong khuôn ra. Anh Lộc tâm sự: Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm tượng thạch cao, từ nhỏ anh được bố dạy cho kỹ thuật làm khuôn tạo hình để đổ tượng. Ngày cuối tuần, anh theo chân bố đi bán tượng dạo ở khắp các nẻo đường từ thôn quê lên thành phố. Thấy nghề làm tượng vất vả, bố khuyên anh học cơ khí, nhưng mỗi khi nhìn thấy trẻ nhỏ say sưa trộn màu, tỉ mẩn tô từng đường nét trên tượng và hạnh phúc ngập tràn khi tô hoàn thành một sản phẩm, bao nhiêu nhọc nhằn đều tan biết, anh quyết định nối nghiệp cha làm nghề tạo ra sản phẩm tượng tô.

Anh Lộc bán tượng cho học sinh ở cổng trường

Ban đầu anh làm khoảng 50 mẫu tượng, đi bán dạo khắp tỉnh Đồng Nai, các tỉnh Đông Nam Bộ. Năm 2014, anh Lộc mang nghề làm tượng thạch cao lên Đắk Lắk lập nghiệp. Gần 12 năm trong nghề nhưng chưa khi nào anh thấy nhàm chán, nay anh đã thiết kế hơn 200 mẫu gồm các con vật trong đời sống, truyện cổ tích, nhân vật trong phim hoạt hình… mà trẻ em yêu mến.

Cầm khuôn hình doremon anh cười tươi: “Làm tượng, chứng kiến trẻ tô tượng tôi thấy ấm lòng và như sống lại tuổi thơ. Nghề này vừa là niềm đam mê thích thú cũng chính là nghề kiếm cơm cho cả gia đình. Tôi sẽ phát triển nghề rộng hơn trên Tây Nguyên để trẻ em khắp các buôn làng cũng được tô tượng”.

Đồ nghề làm tượng thạch cao khá đơn giản, 1 bao thạch cao, nước, khuôn đã được người làm tượng tạo hình sẵn. Chỉ mất vài phút anh đã biến dung dịch nước màu trắng ấy thành những bức tượng với nhiều hình ngộ nghĩnh được trẻ em ưa thích nhưng để cạnh tranh với đồ chơi hiện đại, người làm tượng cũng cần sáng tạo đổi mới, nếu như trước đây chỉ làm những con vật trong dân gian thì bây giờ mẫu tượng phải phong phú không kém thế giới đồ chơi.

Góc nhỏ căn phòng nơi để các mẫu tượng

Công đoạn khó nhất và mất nhiều thời gian nhất là tạo ra một khuôn hình, có khuôn phải mất 3, 4 ngày vì phải tỉ mẫn từng chút một. Khi có ý tưởng về mẫu người thợ phải dùng dao nhọn tỉa các hoa văn sao cho sắc nét chân thật trên tấm silicon tạo thành hình.

Buổi tối anh tranh thủ làm tượng, khi có đơn đặt hàng thì anh đổ nhiều tượng còn bình thường một buổi tối đổ được khoảng 100 – 150 bức tượng to nhỏ khác nhau. Ban ngày hai vợ chồng và 3 người em chia nhau đến các điểm trường học bán cho học sinh. Các trường nông thôn nhu cầu các em mua nhiều hơn, phụ huynh cũng khuyến khích các em với thú vui tô tượng này. Anh luôn trăn trở, để những mẫu tượng mình làm ra sống được với cuộc sống đương đại, phải có lòng say mê và tình yêu với các em nhỏ. Ngoài ra, anh còn cung cấp tượng tô cho Nhà văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Đắk Lắk, các khu vui chơi, nhà sách.

Làm tượng tô, vợ chồng anh đã mua được đất, chuẩn bị làm nhà để mở xưởng có nơi phát triển nghề. “Thời gian gần đây, một số khách ở các địa phương trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và ngỏ ý muốn đặt hàng, nhưng vợ chồng tôi ở phòng trọ chật chội, địa chỉ không rõ ràng nên ít đơn đặt hàng”. Anh cho biết thêm.

Lê Nhuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh