CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

Túi đựng cơm của người M’nông có gì đặc biệt?

    

Cụ Ma Gio chia sẻ về cách làm túi đựng cơm

Trong văn hóa của dân tộc M’Nông trên Tây Nguyên có những nét riêng, độc đáo. Túi đựng cơm được đan bằng cây Diêng Dung, đồng bào M’Nông coi là vật linh thiêng. Ngoài dùng để sinh hoạt, túi đựng cơm còn là của hồi môn cho con gái khi đi lấy chồng. Từ những nét văn hóa ấy ta hiểu được tính cách, lối sống, sinh hoạt của người M’Nông hiền hòa, giản dị và rất chân thành.

Người M’Nông thích sinh sống trên những sườn đồi, bìa rừng gần những con suối, con khe nhỏ. Cuộc sống yên bình với những mùa gieo gặt, trồng khoai sắn trên nương rẫy, săn bắt hái lượm trong rừng và đánh bắt tôm, cá ở dưới suối, khe. Cuộc sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, chính từ sự che chở của thiên nhiên, người M’nông tự sáng tạo ra nét riêng về ẩm thực, các vật dụng sinh hoạt được làm từ thiên nhiên, để rồi văn hóa M’nông được khẳng định từ đó. Ngày nay, cuộc sống trong các bon làng của người M’nông đã có nhiều đổi thay, các vật dụng hiện đại tiện lợi hơn, nhưng buôn Chiêng Kao, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, Đắk Lắk vẫn còn giữ nét văn hóa trong việc tự đan túi đựng cơm để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Túi đựng cơm họa tiết nhỏ (giữa) được nhiều người ưa chuộng

Trong ngôi nhà cấp 4, cụ bà mái tóc bạc phơ, da nhăn nheo nhưng đôi mắt còn sáng và tinh nhanh, đôi tay tỉ mẩn hoàn thành giai đoạn cuối của chiếc túi đựng cơm, cụ là Ma Gio (sinh 1943, buôn Chiêng Kao, xã Đak Phơi), nghe cụ chia sẻ về vật dụng truyền thống của đồng bào M’nông: Túi đựng cơm được người M’nông coi là vật linh thiêng. Túi chỉ đan được vào buổi sáng sớm và chiều tối, vì lúc này sợi Diêng Dung (hay còn gọi là sợi cây nát) sẽ mềm dẻo, dễ đan. Trưa cho đến xế chiều không thể đan vì sợi giòn, dễ gãy. Để làm được một cái túi yêu cầu phải có sự tỷ mỉ, chịu khó. Đầu tiên phải vào rừng hay ra các đầm lầy lấy cây nát mang về để cho khô, chọn những sợi già, dài suôn thẳng, không bị sâu và mối mọt đem đập nhẹ cho sợi dẹt mỏng. Sau đó được phơi sương một đêm mới tiến hành đan thành túi. Túi có hình dáng trụ tròn, miệng nhỏ, đáy hơi lồi. Tuỳ thuộc vào kỹ năng của người thợ, thường những người có kinh nghiệm, kỹ năng một ngày có thể đan được 1 đến 2 túi, đối với túi lớn sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Tùy theo kích cỡ mà người ta chia cho các thành viên trong gia đình. Những túi có hoa đẹp và cầu kì thì dành cho người lớn tuổi hoặc dùng đựng cơm tế lễ, túi có ít hoa văn hay hoa văn đơn giản thì dùng cho người trẻ và trung tuổi, túi không có hoa văn thì dùng cho trẻ nhỏ. Túi có tác dụng giữ cho cơm được thoát nước, thông thoáng. Sau khi ăn hết phần cơm trong túi, người dùng mang ra cạo sạch bên trong rồi treo trên gác bếp lần sau sử dụng. Nhìn vào số lượng túi để ở trong góc bếp hay trong chiếc gùi của gia chủ, thì người khách có thể đoán được gia đình đó có bao nhiêu thành viên.

Cụ Ma Gio hoàn thành giai đoạn cuối chiếc túi đựng cơm

Bây giờ nhiều người ở các buôn lân cận như: Liêng Ông, buôn Đung, buôn Du Mah…xã Đắk Phơi rất chuộng túi đựng cơm hoạ tiết sợi nhỏ, cụ tranh thủ thời gian nhàn rỗi đan túi rồi mang sang bán giá 20 – 30 nghìn đồng/cái. Mặc dù thu nhập không được bao nhiêu. Nhưng là niềm vui tinh thần, là nét đẹp văn hoá của dân tộc nên tôi muốn quảng bá, lưu giữ nét đẹp này cho con cháu, cụ Ma Gio chia sẻ. Cầm chiếc túi đựng cơm, con trai cụ Ma Gio cho biết: Trước đây, khi các túi hoàn thành phải tiến hành nghi thức cúng thần bếp. Lễ vật cúng thường là một chóe rượu cần nhỏ và một con gà trống tơ. Người lớn tuổi nhất trong gia đình được chọn làm người tiến hành nghi lễ và cắt tiết gà, lấy huyết bôi lên miệng những túi đựng cơm, mời thần linh trông giữ túi cơm để người sử dụng luôn được cơm ngon không bị hư hỏng, người ăn không bị bệnh tật. Hiện nay nghi thức cúng này vẫn được dân tộc M’nông sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên duy trì nhưng ít.

Bên cạnh đó, túi đựng cơm là một tài sản dùng để làm của hồi môn chia cho con cái khi lập gia đình (cả trai và gái), với mong muốn của cha mẹ dành cho con cái luôn có cơm no, áo ấm, gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc và con cháu học hành giỏi giang.

Ông Y Kô Niê, phó trưởng phòng quản lý văn hoá, sở văn hoá thể thao du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Dù bây giờ xã hội phát triển, có nhiều vật dụng đựng cơm hiện đại nhưng nhiều người M’nông vẫn giữ thói quen đựng cơm trong túi bởi tính tiện dụng, nhỏ gọn, dễ dàng mang theo khi lên nương rẫy. Chính từ sự lưu truyền đó, đã nhắc nhở họ nhớ về cội nguồn, giúp họ truyền dạy, giáo dục con cháu về các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Qua đó, góp phần thiết thực để quảng bá văn hóa địa phương, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh