'Bưng cỗ Tết' nét đẹp văn hóa của dân tộc Nguồn
- Văn hóa - Giải trí
- 18:00 - 14/02/2018
Gia đình sum vầy bên bữa cơm ấm cúng.
Mâm cỗ báo hiếu
Một ngày cuối tuần, trong không khí chuyển xuân, tôi đến nhà chị Đinh Thị Ngân (37 tuổi) ở thôn Xuân Hà 2, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) thăm 2 cụ Đinh Xuân Tư (88 tuổi) và cụ Đinh Thị Tình (83 tuổi), để tìm hiểu về tục “bưng cỗ Tết”. Lễ bắt đầu vào tháng Chạp hàng năm, con cháu chuẩn bị một mâm cơm cúng dâng lên cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo, còn gọi là tục “cúng người còn sống”, cũng là lễ báo hiếu của người Nguồn. Người Nguồn tập trung tại huyện miền núi Minh Hóa, sống xen cư với người Sách, người Rục, người Mày, người Khùa, người Arem... Tục “bưng cỗ Tết” cho ông bà, cha, mẹ nội ngoại đang sống ăn trước Tết Nguyên đán, gọi là tục “Cơm tầu” (giỗ sống). Đây là một phong tục của người Nguồn với lý giải khi cha mẹ còn sống thì con cháu phải báo hiếu, lúc chết rồi đồ cúng cha mẹ còn đâu mà hưởng.
Đón chúng tôi đúng lúc gia đình chị Ngân - con gái út của hai cụ đang chuẩn bị cho lễ “bưng cỗ Tết”. Chị Ngân cho biết: Sau khi tự tay làm các món ăn gồm bánh chưng, cơm, canh, thịt gà, thị heo, đậu bắp luộc, măng xào nấm,… rồi bày biện trên bàn cho thật tươm tất, mời hai cụ lại mâm cơm. Sau đó, vòng tay lễ phép nói: “Thưa cha, mẹ. Nay năm hết, Tết đến, gia đình con có làm mâm cơm toàn những món ăn ngon nhất dâng lên cha mẹ. Con chúc cha mẹ luôn vui vẻ, sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi để hưởng phúc cùng con cháu”. Đáp lời, cụ ông nói: “Chúc con năm sau làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu để năm sau ông bà được ăn nhiều món ngon hơn nữa”. Rồi chị Ngân kính cẩn rót rượu nếp mời mỗi cụ một ly, dùng đũa gắp thức ăn cho hai cụ. Các cụ vừa ăn vừa tấm tắc khen các món nấu vừa ngon vừa hợp khẩu vị.
Chị Ngân cho biết, chị chuẩn bị mâm cỗ năm nay gồm 7 món ăn, chỉ có nấm mèo là mua ngoài chợ, còn lại là sản vật trong nhà. Gà, heo chị nuôi, rau trồng, măng hái trong rừng, bánh chưng tự gói. Đây là lần thứ 16 chị làm lễ “bưng cỗ Tết”.
Mâm cỗ không đòi hỏi cao lương mỹ vị, nhưng bắt buộc phải có thịt gà và bánh chưng. Nhà cụ Tư có 8 người con, 2 con trai lập gia đình nhưng sức khỏe yếu, người con gái bị bệnh gan, các con đều ở gần cụ. Hàng năm, vào tháng Chạp, hai cụ có 7 bữa cơm báo hiếu, chỉ có cô con gái đầu lấy chồng xa ở ngoài quê Minh Hóa không “bưng cỗ Tết” được. Tâm sự với chúng tôi, nhớ lại mỗi lần ngồi trước mâm cơm báo hiếu của các con, hai cụ đều không giấu được niềm vui, xúc động trước tấm lòng thành kính của con cháu. Bữa cơm báo hiếu lần đầu vào dịp Tết năm 1992 khi mới vào Đắk Lắk lập nghiệp, cụ Tư kể: “Thời đó đói khổ lắm, quanh năm chỉ ăn toàn khoai sắn, có ít gạo, ít thịt hai vợ chồng cụ không dám ăn để dành cho con. Vậy mà năm đó, đứa con gái thứ hai sau khi lấy chồng, ra ở riêng liền làm lễ “bưng cỗ Tết”. Sợ cha mẹ can ngăn nên chúng nó bí mật làm, buổi trưa, khi đi làm về thấy con bưng lên mâm cơm có nguyên con gà luộc, cơm, rau, hai chiếc bánh chưng và một chai rượu trắng khiến ông bất ngờ, xúc động đến rơi nước mắt”.
Cụ Tư kể tiếp: Chúng cũng như cụ ngày xưa, mới lập gia đình, gạo không có ăn phải ăn toàn sắn lát với rau rừng cho qua ngày. Nhưng cứ tới tháng Chạp hàng năm, vợ chồng cụ vẫn cố xoay xở mua ít gạo, rượu trắng, bắt con gà để dâng lên cha mẹ. Không riêng gia đình bên nội mà phía bên ngoại hai cụ đều dâng cỗ như nhau. Hiểu được lòng thành của con cháu, ông bà rất cảm động, động viên các con cháu cố gắng làm ăn để thoát khỏi cái nghèo. Hồi mới vào Đắk Lắk lập nghiệp, vì điều kiện khó khăn, hai vợ chồng cố gắng tích góp dành tiền về quê đúng dịp “bưng cỗ Tết” để thể hiện lòng hiếu thảo với các bậc sinh thành. Giờ hai cụ cũng đã tuổi gần đất xa trời nên được con cháu quan tâm, chăm sóc cụ mừng lắm. Cả cuộc đời lam lũ nuôi con khôn lớn, giờ nhìn thấy chúng thành gia lập thất, có của ăn của để và có hiếu với ông bà, cụ rất mãn nguyện. Cụ cũng căn dặn cháu chắt của mình phải luôn giữ gìn truyền thống dân tộc. Đời các cụ cực khổ nhưng vẫn giữ được thì đời con cháu phải biết gìn giữ và phát huy.
Nghi thức trong “bưng cỗ Tết”: Rót rượu; gắp thức ăn mời cha mẹ.
Lễ tục vượt thời gian, không gian
Hỏi về luật tục “bưng cỗ Tết” hay “giỗ sống”, cụ Tư cho biết, đây là tục riêng chỉ có ở người Nguồn. Cụ không biết tục này xuất phát từ đâu, có từ bao giờ chỉ biết rằng được truyền từ đời này qua đời khác. Thời trẻ, cụ được nghe các bậc cao niên trong làng kể rằng, ngày xưa, những người con rời quê đi làm ăn xa Tết mới về.
Khi về, họ mang những món ăn ngon nhất cho cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo. Thấy việc làm ý nghĩa, những người con sống ở gần bố mẹ cũng học theo và trở thành một phong tục. Nhưng cũng có người kể tục này bắt nguồn từ một truyền thuyết rất nhân văn rằng, thuở xưa một gia đình nọ rất nghèo, một hôm người con lên rừng bẫy thú được con lợn rừng đem về mổ thịt chọn miếng thịt ngon nhất dâng mẹ già ăn với cơm nóng. Năm sau vào dịp Tết Nguyên đán, người mẹ già đang bệnh nặng buột miệng: “Giá mà được ăn một bữa ngon như năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng”. Người con dâu nghe được kể lại cho chồng. Hai người quyết định lấy thóc giống giã gạo nấu cơm, bắt con gà cuối cùng đang đẻ làm thịt nấu cho mẹ ăn. Ăn xong bà mẹ bỗng nhiên khỏi bệnh. Nhà người con trai năm đó được mùa. Dân làng cho rằng trời đất cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của người con và tục “bưng cỗ Tết” ra đời từ đó. Những người con sau khi lập gia đình ra ở riêng đều làm lễ, không phân biệt trai gái, giàu nghèo. Muốn “bưng cỗ Tết” phải thông báo trước một ngày cho cha mẹ biết để không nấu cơm và tránh trùng với người con khác. Khi mâm cơm dâng lên, con cháu lần lượt chúc những lời tốt đẹp với ông bà. Vượt qua cả không gian lẫn thời gian, người Nguồn dù đi đâu, làm gì cũng luôn nhớ về tục “bưng cỗ Tết” hay “giỗ sống” có từ xa xưa của dân tộc mình.
Ông Đinh Hồng Vân, trưởng thôn Xuân Hà 2, xã Ea Đắk cho biết: Trong thôn có hơn 150 hộ thì có tới 120 hộ là người Nguồn với 300 nhân khẩu. Dù sống chung, giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em khác như người Tày, người Kinh nhưng người Nguồn vẫn giữ được phong tục của ông cha mình. Bữa cơm nêu cao những giá trị của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ, sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Tết đến, trước đây dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng con cháu người Nguồn vẫn dâng lễ “bưng cỗ Tết” lên cha mẹ. Ngày nay, cuộc sống hiện đại, tuy cái ăn cái mặc cũng không còn nặng nề nhưng tục lệ này vẫn là một nét đẹp trong ứng xử và là một phần thước đo đạo đức của cá nhân trong cộng đồng. Đây là một truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ và lưu truyền.