THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:52

Tư vấn xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng

Hội thảo có sự góp mặt của đại diện Sở LĐ–TB&XH tỉnh Hưng Yên, Trung tâm tư vấn trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin), đại diện Ban chỉ huy quân sự huyện Khoái Châu, Hội cựu chiến binh huyện Khoái Châu cùng đại diện các gia đình thân nhân liệt sĩ có nhu cầu tìm kiếm thông tin, phần mộ liệt sĩ.

Hội thảo “Tư vấn xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng”

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hưng – Giám đốc Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin) cho biết, thời gian qua trung tâm đã phối hợp với Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng. Đây là một phương pháp khoa học, có sự phối hợp với các cơ quan liên quan để có được nguồn thông tin tra cứu, đánh giá, xác định thông tin của các liệt sĩ.

Nhiều gia đình thân nhân còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Hiện nay còn rất nhiều gia đình thân nhân các liệt sĩ tham gia chiến đấu giải phóng tổ quốc mong mỏi có được thông tin, nơi yên nghỉ của người thân. Đây là một trong những hoạt động đầy ý nghĩ, nhằm tri ân đến những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc, đồng thời thực hiện tâm nguyện của gia đình các liệt sĩ. Trung tâm Marin cùng các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực, hướng dẫn gia đình, thân nhân cách thức tra cứu dữ liệu thông tin liệt sĩ, từ đó có cơ hội tìm thấy nơi yên nghỉ của người thân của mình, ông Hưng cho biết thêm.

Tại buổi Hội thảo, ngoài việc được phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, các gia đình thân nhân còn được các tư vấn viên của trung tâm tư vấn trực tiếp cụ thể từng trường hợp để các gia đình nắm rõ cách thức tiến hành xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là thân nhân của mình.

Có mặt tại buổi tư vấn ông Lê Văn Thắng xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là thân nhân liệt sĩ Lê Văn Cường cho biết, do điều kiện thời gian nhiều năm đã trôi qua, vấn đề giấy tờ thất lạc, đồng đội cũ của các liệt sĩ người còn người mất, nhiều trường hợp liệt sĩ chưa đưa được hài cốt về các nghĩa trang hay đưa về rồi nhưng lại mất hết thông tin khiến cho qúa trình xác định danh tính liệt sĩ còn gặp rất nhiều khó khăn. "Đây là khó khăn chung của nhiều gia đình thân nhân hiện nay chứ không riêng gì gia đình nhà tôi”, ông Thắng cho biết.

Các gia đình thân nhân liệt sĩ được tư vấn xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng

Ông Phạm Văn Bào - xã Việt Hòa, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là em trai liệt sĩ Phạm Văn Thịnh, hy sinh năm 1968 ở mặt trận phía Nam chia sẻ: “Gia đình tôi cũng như các thân nhân liệt sĩ khác vẫn luôn có một nguyện vọng là đưa được hài cốt của người thân về với quê hương, nơi chôn rau cắt rốn. Bản thân gia đình nhiều năm qua đã trực tiếp vào các nghĩa trang tại Quảng Trị để tìm kiếm hài cốt người thân nhưng không có hiệu quả, do không tìm được tên liệt sĩ trong danh sách các bia mộ tại đây”.

Với những chế độ chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng việc áp dụng những công nghệ mới để xác định danh tính liệt sĩ sẽ là hy vọng giành cho các gia đình trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237), do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) triển khai.

Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai trên gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Thông qua phương pháp thực chứng và sự phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, thông tin đồng đội, đơn vị, thân nhân liệt sĩ và nơi quy tập hài cốt liệt sĩ, kết quả đã khớp nối thông tin được 2.044 liệt sĩ và báo tin về cho thân nhân.

Các bộ, ngành đã thống nhất coi phương pháp xác định ADN là phương pháp chủ đạo xác định danh tính liệt sĩ. Theo quy định, việc ghi tên liệt sĩ trên bia mộ chưa xác định được tên chỉ được thực hiện khi đơn vị hoặc đồng đội cùng trực tiếp chiến đấu với liệt sĩ xác định và có xác nhận của đơn vị nơi liệt sĩ trước khi hy sinh chiến đấu công nhận hoặc kết quả giám định ADN. Đồng thời, không công nhận danh tính liệt sĩ tìm kiếm bằng phương pháp ngoại cảm.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh